Ẩm thực Việt Nam
Canh chua cá chạch đồng Nam Bộ
Bà con trong quê làm cá chạch không bao giờ xài giấm mà vuột cá bằng tro bếp cho sạch nhớt và không bao giờ mổ bụng, bởi khúc bụng của nó ngon không thua cá kèo. Cá chạch cũng có thể nấu với nhiều “phụ gia” khác như với bông súng, bông điên điển, bạc hà, cà chua… Nhưng theo người dân trong quê thì cá chạch nấu canh chua cơm mẽ với bông so đũa là “bắt” nhất.
Giống như cuộc tao ngộ, khi đến mùa cá chạch đồng thì cây so đũa (nhiều nơi gọi là su đũa) cũng bắt đầu trổ bông. Để có nồi canh chua ngon, thường người ta chọn loại bông so đũa còn đang kín nhụy, do cánh hoa còn dày và không bị sâu ăn, lại có vị ngọt đặc trưng của loài cây hoang dã này. Bông so đũa được tách đôi, ngắt bỏ phần nhụy có phấn vàng, rửa sạch những phấn nhụy vàng bám vào bông.
Nấu canh chua cá chạch cũng giống như nấu các nồi canh chua thông thường. Nghĩa là, sau khi nồi nước sôi, cơm mẽ dùng rây dạo cho đủ độ chua, nêm đường, muối, bột ngọt làm sao cho vừa khẩu vị. Cá chạch cho vào nồi nước canh, tăng lửa cho mạnh để nồi cá sôi nhanh và cho bông so đủa vào, dùng đủa đảo đều. Khi nồi canh chua đã chín, công đoạn cuối cùng là phi mỡ tỏi rưới đều vào nồi canh và rắc thêm ngò gai mò om xắt nhuyễn để cho mùi canh chua có thêm mùi thơm lừng lựng. Tiêu chuẩn nồi canh chua ngon phải đảm bảo bông so đũa phải vừa chín tới, cá chạch không bị rục.
Giữa thiết trời se lạnh, trong bữa cơm gia đình với tô canh chua cá chạch đồng ngút khói, thơm ngát cùng với đĩa cá rô đồng kho sệt làm cho không khí gia đình càng thêm ấm cúng, xua đi bao nỗi nhọc nhằn của cuộc mưu sinh.
Nguồn: website báo Hậu Giang
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch