Ẩm thực Việt Nam
Hủ tiếu Mỹ Tho
Qua cửa xe, mọi người có thể nhìn ngắm những cánh đồng thênh thang đã được cày ải đang nằm phơi màu đất nâu dưới nắng chờ mưa xuống, thấp thoáng vài nếp nhà nép dưới bóng cây xanh...
Có lẽ hình ảnh gần gũi thân thương của vùng đồng quê ấy đã kéo chúng tôi ngược thời gian trở về quá khứ - những câu chuyện cảm động của ba mẹ, ông bà, những mẩu chuyện xa xưa về quê quán Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh... bấy lâu bị công việc "đè nén" nay được dịp xổ tung ra kể cho nhau nghe không đầu không đuôi và có đứa con mắt ươn ướt vì chạnh lòng...
Từ ngã ba Trung Lương dọc theo hai bên đường vào trung tâm thành phố Mỹ Tho đã giăng đầy băng-rôn quảng bá lễ hội, hình ảnh các loại trái cây của cả nước đã khoe sắc trên khắp nẻo đường...
Trả lời cho câu hỏi "Ở Mỹ Tho có đặc sản gì?" của mấy bạn trẻ không có quê (sinh ra và lớn lên ở thành phố Hồ Chí Minh), Thúy Quỳnh tuyên bố: Quê tui nổi tiếng món Hủ tiếu Mỹ Tho. Tui tình nguyện dẫn đường mời mọi người thưởng thức trước khi dự khai mạc lễ hội nhé.
Thấy mọi người hưởng ứng nồng nhiệt, Thúy Quỳnh hứa, sau lễ khai mạc Festival sẽ dẫn cả đoàn đi chợ đêm Mỹ Tho ngoài bờ sông Lạc Hồng và đãi tiếp món hủ tiếu bò viên.
Để tăng thêm sự hấp dẫn của món mới này, Quỳnh kể thêm: "Có lần chát với ông anh đi Mỹ, khi nhắc đến hủ tiếu bò viên thì anh khóc, anh bảo nếu có dịp về Mỹ Tho, anh sẽ ăn 4 tô cho đã thèm. Tui chọc anh: "Tâm hồn ăn uống đang dâng trào", anh bảo: Mầy chưa rời Việt Nam nên không hiểu được nỗi nhớ quê của người xa xứ nó cồn cào như thế nào đâu..."
Vâng! Tôi từng biết có những người đàn ông rất thành đạt vẫn rớt nước mắt vì nhớ đến những kỷ niệm thời niên thiếu. Một nhóm cựu học sinh của trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho (ngôi trường xưa nhất Lục tỉnh) hiện đang sinh sống ở TPHCM thỉnh thoảng vẫn họp mặt và nhắc chuyện xưa. Anh Lĩnh cho biết vài tuần là anh dong xe về Tiền Giang lang thang trên những con đường quê... "để chụp ảnh và gửi cho bạn bè đang ở nước ngoài cho tụi nó đỡ nhớ". Anh Sang bộc bạch: "Mới đây tao đã về thăm lại trường xưa và ngồi bệt trước sân trường như thời học sinh của 40 năm trước..." và những kỷ niệm xa lắc, cũ kỷ rêu phong, nhưng lấp lánh trong ký ức đã làm người đàn ông tóc hoa râm ứa nước mắt vì thương nhớ...
Nhà báo Bích Thủy "khoe thành tích": Mấy lần công tác ở Tiền Giang, tui được ăn món cháo trắng với phá lấu bán dưới dốc cầu quay. Lần này về tới đây nhất định phải ăn, hỏng ăn là thèm lắm đó".
Là cư dân gốc Mỹ Tho, tôi góp lời: Còn mình ghiền nhất là món nếp nướng và bún gỏi già. Ở sài Gòn tìm hoài không thấy.
Mọi người thắc mắc: Nếp nướng là sao? Bún là bún, gỏi là gỏi, sao lại gọi là bún gỏi mà thêm chữ già nữa?
- Nếp nướng thường được bán chung với chuối nướng. Người ta vắt nước cốt dừa trộn lẫn trong nếp, rất béo. Nêm thêm đường muối cho vừa ăn rồi ép nếp thành miếng tròn dẹp và đem nướng trên than hồng. Lớp nếp bên ngoài được nướng chín vàng rất thơm, bên trong nếp vừa mềm vừa dẻo. Ăn không cần chan thêm nước cốt dừa vẫn thật ngon thật béo. Còn bún gỏi già thì có họ hàng với bún nước lèo. Mà nước lèo ở đây được nấu từ mắm với me chín, mới cho ra vị chua chua ngọt ngọt của gỏi, ăn hoài không ngán. Đặc biệt, món ăn này ăn chung với thịt luộc và tôm, ăn kèm với giá sống, hẹ, rau thơm, bắp chuối bào... Thêm nữa phải có nước chấm là nước mắm nguyên chất và có mắm nêm hay mắm ruốc. Còn chữ già ở đây, có lẽ là vì cái vị đậm đà của nó, nêm nếm già tay chăng?!.
Trước khi trình diện Ban tổ chức Festival, đoàn chúng tôi "quyết tâm" đi tìm hương vị đặc sản ẩm thực xứ này, ít ra là thương hiệu Hủ tiếu Mỹ Tho.
Ở cái thành phố bên bờ sông Tiền có rất nhiều chỗ bán hủ tiếu, nhưng lâu đời và được nhiều người biết đến là quán hủ tiếu trương bảng hiệu Bánh Cam trên đường Ấp Bắc (ở đó có món bánh cam cũng rất đặc sắc) và quán của ông bà chủ người Hoa ở góc đường chợ Hàng Bông. Cái tên chợ Hàng Bông đã toát lên đầy đủ vẻ tươi mát hấp dẫn của sản phẩm - nơi chuyên bán hoa quả tươi ban ngày và hàng ăn uống ban đêm.
Ở Chợ Hàng Bông ban đêm có rất nhiều món ăn, trong đó có món bánh bèo nước cốt dừa khá nổi tiếng. Bánh bèo làm bằng bột gạo ngon được xếp đều trong đĩa, trét lên một lớp nhân đậu xanh đánh nhuyễn thật bùi, rắc thêm một lớp tôm khô chấy đậm đà vị ngọt, chan mấy muỗng nước cốt dừa béo ngậy và thêm một muỗng nước mắm ớt pha chanh đường chua chua ngọt ngọt mằn mặn cay cay. Không có gì tuyệt hơn. Mặc dù chỉ là gánh bánh bèo nho nhỏ và thực khách phải ngồi trên những ghế xếp thấp chũn xoay quanh cô chủ duyên dáng ,hiền lành, nhưng lúc nào gánh bánh bèo cũng đắt khách và đã làm nhiều người rất nhớ khi xa Mỹ Tho.
Cái tên hủ tiếu Mỹ Tho xuất hiện từ trước thập niên 60, khởi đầu từ các xe, các quán hủ tiếu bên đường, hầu hết chủ nhân là người Việt gốc Hoa, sau đó được người dân Mỹ Tho "cải biến" theo khẩu vị riêng.
Nhiều người bảo rằng, sợi hủ tiếu ngon nhất phải là loại làm bằng gạo ngon ở Gò Cát, xã Mỹ Phong. Đây là vùng trồng lúa thơm ngoại thành Mỹ Tho. Khi trụng nước sôi thì bánh mềm nhưng không bở, không có mùi chua, nhai nghe dai dai, nên gọi là hủ tiếu dai. Sau khi trụng, cho vào tô, trộn với ít mỡ hành phi, nhìn sợi hủ tiếu trong bóng thấy "bắt thèm".
Đó chỉ là một yếu tố nhỏ, quan trọng hơn chính là nồi nước lèo. Phải là nồi nước nấu thật lâu với xương ống (vớt bọt liền tay để nước lèo trong), đặc biệt phải nấu với tôm khô và khô mực nướng để nước lèo có vị ngọt đậm đà chứ không phải vị ngọt của bột ngọt, bột nêm. (Tôm khô, khô mực và các loại khô mắm cũng là đặc sản của Mỹ Tho). Có tiệm còn nấu với sườn heo, thịt bằm, cho thêm con tôm thẻ, có nơi còn thêm đồ lòng heo và trứng cút nữa. Phụ liệu ăn kèm là giá, hẹ, chanh, ớt... Tất nhiên trên mặt tô hủ tiếu nhất định phải có thêm hành tỏi phi thơm lựng.
Chúng tôi kéo nhau đến góc chợ Hàng Bông, xà vào tiệm hủ tiếu của hai ông bà chủ người Hoa, sát bên hiệu bánh mì Chín Ngón - cũng là một thương hiệu hàng ăn ở chợ này.
Mọi người ăn hủ tiếu một cách hào hứng và còn húp cạn hết nước lèo. Tráng miệng bằng ly nước mía có vị the của trái tắc, nhâm nhi thêm mấy cái bánh phục linh ngọt béo nước cốt dừavà cứ khen lấy khen để...
Thật lòng, tôi không nghĩ món hủ tiếu Mỹ Tho ngon đến như thế. Nhưng tôi chắc chắn rằng, với những người không phải quê Mỹ Tho thì sẽ thấy ngon miệng, thậm chí rất ngon, vì sự tò mò - do bấy lâu "văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình" và còn vì tình bằng hữu ngọt ngào ,đằm thắm nữa.
Vài mươi năm trước, lúc mà ngành hàng ăn uống còn đơn giản ,dung dị và cuộc sống người dân cũng còn đam bạc, sống dè xẻn ,chắc bóp thì hủ tiếu là món ăn rất sang trọng. Cho nên, với những ai đã từng tri âm tri kỷ với đất Mỹ Tho thì hủ tiếu Mỹ Tho là món ăn luôn gợi nhớ một vùng quê, một thời thơ ấu với nhiều kỷ niệm thân tình... Ngon vì niềm thương. Ngon vì nỗi nhớ.
Có lẽ, không riêng về hủ tiếu Mỹ Tho mà những món ăn dân dã của các vùng miền khác cũng sẽ luôn luôn ngon, vì cái chất quê cứ đậm đà trong cách pha chế từng món ăn, từng tấm bánh. Và càng xa quê thì cái hương vị quê nhà ấy lại càng đeo bám hoài trong ký ức. Cho nên, những món đặc sản mang hương đồng gió nội thì ăn càng thấy ngon , bởi vì nghĩa đất và tình người luôn là hành trang mang nặng trong lòng mỗi người khi xa cách... Vâng! Ăn để mà nhớ, ăn để mà thương...
(Nguồn: Tiền Giang)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch