Ẩm thực Việt Nam
Mắm Lăng Cô, Thừa Thiên Huế
Không những thế mỗi khi ai đó có dịp đi ra Bắc vào Nam, ngang qua dải đất này đều muốn dừng lại ngắm cảnh đẹp rồi mua vài hủ mắm để làm quà cho người thân bởi ở đây còn là nơi có nhiều sản phẩm phong phú, quý hiếm của một vùng đầm phá: tôm, cua, mực, sò huyết,...
Mắm Lăng Cô ngon có tiếng, cũng chỉ là con tôm, sò huyết như nhiều địa phương khác nhưng qua bàn tay chế biến, cũng như khí chất đặc trưng của vùng nước biển nơi đây mà những món mắm trở thành món ăn nổi tiếng không nơi nào sánh được.
Để có món mắm sò thơm ngon đòi hỏi sự công phu trong quá trình chế biến. Khi cào sò về đem rửa sạch vỏ, lấy mũi dao nhọn cạy miệng, chẻ vỏ. Chẻ vỏ sò phải khéo tay, thao tác nhanh nhẹn và phải giữ nguyên cả ruột. Sò chẻ xong đem rửa sạch cho hết nước đục, loại bỏ hết cát xong để cho ráo. Để làm mắm ngon và không bị hư thối, người ta lấy ớt bột, củ riềng thái chỉ, đậu xanh rang và muối hột, tất cả đều cho vào thau sò trộn cho thật đều.
Bấy giờ mới cho mắm vào thẩu, đậy nắp thật kín. Trong khoảng nữa tháng, nước sò đọng lại ở đáy chai còn thịt sò thì nổi lên trên mặt. Như thế mắm sò đã chín, có thể đem ra dùng được. Trước khi đưa mắm sò vào bữa ăn, người ăn thường trộn vào đó các phụ gia như tỏi, ớt bột, khế lát, chuối chát, đu đủ bào thành sợi,...ăn cùng cơm nóng hay chấm với thịt heo luộc thì ngon không gì bằng.
Bên cạnh món mắm sò thì món mắm tôm ở đây nổi tiếng cũng không thua kém. Mắm tôm ở đây có hai loại là mắm tôm mặn và mắm tôm chua, được chế biến từ nguyên liệu tôm đất. Để có món mắm tôm mặn người chế biến chọn những con tôm còn sống, to cỡ bằng ngón tay trỏ người lớn cho vào thau, rồi chế rượu trắng vào cho ngập tôm, để chừng một tiếng đồng hồ. Vớt tôm ra lặt đầu, cắt râu, rửa tôm lại bằng rượu đã ngâm tôm, muối hột giã nhỏ ướp vào để qua đêm. Sáng hôm sau vớt tôm ra rửa sạch để ráo nước. Nấu nước mắm và đường để thật nguội bỏ tôm vào thẩu cùng với gia vị tỏi, gừng, riềng, ớt thái sợi rồi đổ nước mắm đường vào cho ngập con tôm, lấy vỉ đè lại.
Lúc mắm chín, nước nắm trong thẩu có màu đỏ, điểm xuyết màu vàng của gừng, riềng trông thật hấp dẫn. Cách làm mắm tôm chua cũng giống như cách làm mắm tôm mặn nhưng sau khi vớt tôm ra rổ, giã muối hột trộn cùng với măng vòi xắt lát mỏng, để ba ngày. Sau đó, nấu cháo nếp cho loãng, múc một ít nước cháo ra để nguội, rửa tôm bằng nước cháo này.
Bỏ tôm vào thẩu cùng với gia vị tỏi, tiêu, ớt giã nhỏ và một ít đường cát trắng rồi chế nước cháo để nguội vào. Đậy nắp thẩu thật kín, để khoảng nửa tháng thì tôm chua ăn được. Khi mắm chua chín tôm có màu đỏ, bốc mùi thơm, nước trong có màu trắng đục.
Với cái vị mằn mặn, chua chua, cay cay thêm chút dai dai của tôm hay sò khi ăn khiến mấy món mắm đó đã một lần thưởng thức sẽ ghiền ngay và nếu tôi có dịp đi hay có người thân qua vùng đất này bao giờ cũng mua vài ba thẩu mắm về dùng và làm quà tặng cho thỏa thích hương vị đặc sản mắm của vùng biển Lăng Cô.
(Nguồn: Báo Lao Động)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch