Ẩm thực Việt Nam
Mắm nha xứ Gò - Tiền Giang
Mắm nha xuất phát từ ý tưởng của ông Cao Văn Hổ, chủ lò mắm tôm chà Kim Sa ở khóm 3, phường 2 thị xã Gò Công. Gia đình ông Năm Hổ có nghề làm mắm gia truyền bằng những nguyên liệu từ các sản vật của biển. Nhưng mắm nha là món mới thử nghiệm. Con nha đem về làm sạch, bóc tách mai, giữ gạch lại và đem muối ướp theo công thức "bí mật" của gia đình (ông Năm Hổ nói công thức này chưa tiện công bố), đậy kín sau 3 tháng là ăn được.
Mắm nha được trộn với tỏi ớt, chanh đường, khóm xắt nhuyễn ăn kèm với bún (hoặc cơm nóng), thịt heo luộc, rau sống dưa leo, khế chua chuối chát thì… mắm ba khía hình như cũng phải kêu món này bằng "sư huynh"!
Nha là loài giáp xác, hình dạng tựa con ba khía nhưng có thể xếp trong hàng trăm loài còng biển, sinh sống nhiều nhất ở vùng duyên hải Gò Công. Theo lời những bậc kỳ lão, từ xưa đến nay người Gò Công biết con nha sống trong các hang hốc ngoài rừng ngập mặn, nhưng tập tính cư trú như thế nào, ăn thức ăn gì thì… mọi người chịu thua bởi ban ngày đố thấy một con nha nào ló mặt trước ánh nắng mặt trời.
Muốn bắt nha, người Gò Công lựa những đêm tối trời, nước lớn ngập bờ bãi mới bó đuốc lá dừa, xách thùng thiếc đi soi theo ven rừng, ao đầm và tha hồ lượm từng đám nha đang huơ càng dày đặc trên các bờ đất cao.
Hiện món mắm nha Gò Công chưa bán rộng rãi ngoài thị trường vì đang trong giai đoạn "thăm dò ý kiến khách hàng". Tuy nhỏ con nhưng con nha nhiều thịt và ngọt hơn con ba khía miệt Cà Mau.
Nguồn: website Công An TP.HCM
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch