Ẩm thực Việt Nam
Món “lạ” Trà Vinh
Mắm Trà Vinh được khách phương xa hâm mộ, điển hình là bún nước lèo được pha chế từ mắm prò-hóc. Mắm cá chốt cũng là món đâu chỉ người địa phương ưa thích. Xưa kia, khi kéo chài, người ta thường loại bỏ những con cá chốt ngạnh đâm đau thấu xương này. Nhưng từ nhiều chục năm nay, cá chốt kho tiêu, kho khô... trở thành món ngon. Đặc biệt, khi trở thành mắm, cá chốt cho người ta hương vị độc đáo không thua kém các loại mắm đồng khác. Chỉ cần đi ngang hũ mắm đã nghe mùi thơm đến ứa nước bọt của nó phất vào mũi. Là mảnh đất nước mặn và nước lợ nên trái bần ở miệt biển Trà Vinh nhỏ như trái ổi sẻ. Bần ổi rửa sạch, cắt thành lát mỏng vừa ăn hoặc xắt làm tư. Cuộn mắm cá chốt, bần ổi, rau thơm, chuối chát, khế, gừng... trong miếng bánh tráng, chấm nước mắm giấm đường, cắn một cái, bạn sẽ nghe vị mặn thơm của mắm xông lên cánh mũi. Còn vị cay của ớt thì xông lên đỉnh đầu. Nhưng vị chua chát của bần ổi sẽ làm “trôi” đi các vị khác trong cuốn bánh này.
Để có món mắm tép ngon, người ta dùng tôm đất còn sống (hoặc tép trấu còn sống) ngâm rượu gốc, vớt ra để ráo, cắt bỏ râu. Ớt và riềng xắt sợi, tỏi xắt lát mỏng. Đu đủ mỏ vịt xắt sợi, phơi hơi héo. Nếp nấu cháo đặc. Nước mắm nhĩ nấu tan đường, hòa với cháo nếp. Tép sắp vào keo, cứ một lớp tôm đất hoặc tép trấu là một lớp riềng, ớt, tỏi, đu đủ. Sau cùng, đổ hỗn hợp nước mắm cháo nếp đầy keo, đem phơi nắng khoảng một tuần là ăn được.
Thường, mắm tép ăn với thịt ba rọi và tép tươi luộc chín kèm với bún, rau sống các loại, gói bánh tráng, chấm nước mắm giấm đường ớt. Nhưng món ngon như vậy vẫn chưa hài lòng các “đấng” sành ăn đất Càn Long. Cho nên họ chịu khó “gia công” để món ăn này trở nên hấp dẫn và “lạ” với khách phương xa. Đó là tất cả “phép” ăn mắm tép vừa kể kèm với cá lóc nướng trui. Cá lóc nướng trui là món ăn dân dã có từ thời khẩn hoang, nổi tiếng gần xa. Để có món cá lóc nướng trui ngon, người ta chọn những con cá lóc sống vừa cỡ. Vì cá lớn ăn xảm xì, còn cá nhỏ thì thịt nhão, không ngon. Cá để nguyên con, xỏ thanh tre tươi từ miệng vừa chí đuôi cá. Đầu thanh tre còn lại, nơi có đầu cá, cắm xuống đất, phủ rơm kín thân cá. Phủ rơm đòi hỏi kỹ thuật cao. Người phủ rơm phải ước lượng sao khi rơm cháy vừa hết thì cá cũng vừa chín tới. Nếu cá chín quá thì cá khét, nước ngọt trong thịt cá chẳng còn. Nếu rơm ít thì cá chưa chín, thịt nhão và tanh, ăn mất ngon... Khi cá vừa chín tới, dùng dao gạt bỏ lớp vảy cá cháy đen, đặt lên dĩa, dùng đũa xẻ bụng cá, tách xương sống cá ra. Vậy là mạnh ai nấy gắp thịt cá cho vào cuốn bánh tráng đã sắp sẵn nào rau thơm các loại, dưa kiệu, cùng mắm tép và một chút bún. Để món ăn thêm vị cay, họ “tăng cường” lát ớt sừng trâu và lát gừng non. Vị cay khác nhau của hai gia vị này khiến khứu giác và vị giác của bạn “nóng” nhưng ấm và có lợi cho sức khỏe.
Món nữa khá lạ ở Càn Long là cá rô kho tộ. Cá rô kho tộ thì đâu mà chẳng có. Nhưng ở địa phương này, cá rô kho tộ phải bỏ thật nhiều tiêu. Thứ này ăn với cơm nóng thì no bụng lúc nào không hay. Nhưng cái món ăn cơm này, ở đây không thuần túy chỉ có vậy. Mà, nó “lạ” ở điểm là ăn kèm với chuối già hương. Chuối già hương là loại chuối trái nhỏ, dài chưa đầy một gang tay. Vỏ chuối già này có nhiều đốm màu nâu sậm, giống như vỏ trứng cút. Tép rang mặn ăn với chuối già bình thường khiến bữa cơm đạm bạc thêm ngon thì món cá rô kho tộ ăn kèm chuối già hương sẽ là món hấp dẫn. Thưởng thức món này, bạn sẽ thấy vị mặn của muối, vị ngọt thịt cá rô hòa vị cay chảy nước mắt nước mũi của tiêu hình như được làm dịu lại trong vị ngọt mát và bùi của những miếng chuối già hương. Ăn không căng bụng mới là chuyện lạ!
(Nguồn: website báo Hậu Giang)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch