Ẩm thực Việt Nam
Phở hai tô
Vào quán, gọi phở, chủ quán nhanh nhảu làm hai tô bưng ra đặt lên bàn cho khách. Trong hai tô, một tô là bánh phở, tô còn lại là nước phở. Hình thức tương tự như hủ tiếu khô Sa Đéc (Đồng Tháp). Bánh phở ở Tây Nguyên không giống như bánh phở Hà Nội, Sài Gòn mà gần giống như sợi hủ tiếu Sa Đéc, Mỹ Tho (Tiền Giang) nhưng dai hơn. Chủ quán bảo rằng, sợi phở này được làm với nguyên liệu là những hạt gạo mọc lên từ đất đỏ bazan. Sợi phở được trụng trong nước sôi vừa mềm thì vớt ra, trộn vào một ít dầu để sợi phở không quến vào nhau. Tô đựng cũng được trụng qua nước sôi để giữ nóng. Người ta xếp trên bánh phở một ít thịt heo bầm, tỏi phi, tiêu và rưới lên một ít tương đen, tương ớt. Nước phở được để trong một tô riêng có thịt bò tái, bò vò viên, gân, gàu... Đa số các quán phở ở Tây Nguyên nấu nước dùng bằng xương heo; chỉ một vài quán hầm xương bò. Người ăn phở Bắc hay phở Nam đều hài lòng với cách nêm nếm của phở Tây Nguyên. Ngoài thịt bò, khách có thể gọi phở gà.
Người Tây Nguyên cho rằng, thưởng thức món phở kiểu hai tô mới ngon. Thực khách chầm chậm ăn, không vội vã. Gắp một ít bánh phở, kèm theo chút giá, ngò gai, rau quế cho vào miệng nhai vài cái rồi húp một muỗng nước phở vào. Khi đó, mới thưởng thức được vị ngon của sợi phở, vị thơm của nước dùng... Các nguyên liệu hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị đặc biệt. Người ta khuyên thực khách đừng vội đổ dồn tô nước phở vào tô bánh phở vì ăn như vậy không thưởng thức được vị ngon, làm mất đi sự tinh tế.
(Nguồn: Báo Cần Thơ)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch