Ẩm thực Việt Nam
Ỷ của người Hoa Sóc Trăng
Làm ỷ công phu. Chọn khoai lang trắng, củ to thì làm ỷ mới ngon. Xay khoai thành bột, ngâm nước vài ngày cho tinh bột lắng xuống. Chắt bỏ nước, mang tinh bột lắng dưới đáy thau phơi dưới trời nắng to khoảng một ngày. Sau đó, lấy một ít tinh bột bỏ vào trong một cái thau rồi bắt đầu quây để vo viên. Tay nghề lâu năm của người làm ỷ quyết định bột có vo thành viên là ở công đoạn này. Người ta dùng tay quây bột trong thau theo một chiều nhất định, nếu bột khô thì rắc một ít nước cho hơi ẩm. Quây liên tục cho đến khi bột trong thau kết thành những viên ỷ, mỗi lần quây mất cả giờ đồng hồ mới được một mẻ. Trong quá trình quây, ỷ có kích thước lớn nhỏ khác nhau. Sau đó, người ta dùng nhiều cỡ sàng để phân loại các viên ỷ lớn, nhỏ. Để làm ỷ có màu đỏ người ta pha màu vào bột.
Nấu ỷ Sóc Trăng thì ngược hẳn với nấu bột báng. Bột báng ngâm nở trước rồi mới nấu, còn ỷ thì nước phải thật sôi rồi bỏ vào nấu. Nếu nước nguội hoặc sôi chưa già thì viên ỷ rã ra thành bột. Trước khi nấu ỷ có màu trắng đục, khi chín thì có màu trắng trong. Đa số ỷ có màu trắng, chỉ xen vào vài viên màu đỏ. Vài viên ỷ màu đỏ nổi bật trong đám ỷ trong vắt tượng trưng cho sự may mắn là quan niệm lâu đời của người Hoa.
Ỷ nấu chè với “kia chứa” (khoai rừng) và đường cát trắng. Kia chứa rửa sạch, lột vỏ, bào miếng nấu chung với ỷ có tác dụng giải nhiệt. Chén chè ỷ thanh nhã, kia chứa giòn giòn tương phản viên ỷ dai dai mềm mại. Trong người đang nóng bức, ăn chén chè ỷ vào là thấy mát mẻ ngay. Trời nóng, ăn chè ỷ thêm vài cục nước đá, mát rượi. Trời lạnh, ăn chè ỷ nóng, ấm cả người. Ỷ lớn to cỡ trái tắc đem nấu với thịt làm món mặn giống như nấu bánh canh.
Vào các ngày rằm lớn hoặc tết Trung thu, tết Nguyên đán… Người Hoa hay nấu chè ỷ cúng tổ tiên rồi cùng nhau ăn với ý nghĩa đoàn viên, may mắn. Trong đám cưới, cô dâu chú rể cũng được ăn chè ỷ như lời cầu chúc vẹn tròn hạnh phúc.
Nguồn: website SGTT
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch