Bảo tàng & Điểm đến khác
Bảo tàng Thanh Hóa
Bảo tàng Thanh Hóa là một quần thể kiến trúc, gồm ba toà nhà kiên cố được xây dựng từ thời thuộc Pháp. Nhà trưng bày lớn ba tầng bề thế, vừa cổ kính, vừa hiện đại, tọa lạc trên một khuôn viên rộng lớn với nhiều cây cổ thụ nằm cạnh đường Trường Thi (TP Thanh Hóa) - một địa danh lịch sử về một thời trường ốc với nền giáo dục Nho học ở chốn “cửa Khổng sân Trình” triều Nguyễn, hiện còn lưu giữ tấm bia “khuyến học” dựng năm Thành Thái thứ 3 (1892).
Bảo tàng Thanh Hóa ra đời từ năm 1955, đến nay đã trở thành một trong những địa chỉ văn hóa - khoa học của tỉnh. Là nơi lưu giữ, bảo quản, trưng bày và phát huy những giá trị di sản văn hóa quí báu của quốc gia, đồng thời cũng là nơi nghiên cứu khoa học và truyền bá khoa học lịch sử, một địa điểm hấp dẫn của du lịch trong thời kỳ hội nhập và phát triển toàn cầu thông qua những bộ sưu tập hiện vật giá trị, quí hiếm và đầy sức truyền cảm.
Hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng Thanh Hóa hiện nay được trình bày theo trình tự lịch sử từ khi xuất hiện những con người tối cổ trên đất Thanh Hóa đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đến năm 1975, đại thắng mùa xuân, thống nhất đất nước. Tiến trình lịch sử này được thể hiện trong một không gian gồm 3 phòng trưng bày lớn. Bên cạnh hệ thống trưng bày chính, bảo tàng còn có 4 phòng trưng bày chuyên đề riêng, thường xuyên trưng bày giới thiệu một chủ đề lịch sử, một sưu tập cổ vật đặc sắc, quí hiếm, một đặc trưng văn hóa độc đáo của dân tộc...
Toàn bộ hệ thống trưng bày gồm 7 phòng, diện tích trưng bày trên 1.200 m2 với trên 2.600 hiện vật, hàng nghìn bức tranh, ảnh, tư liệu khoa học...
Phòng trưng bày: “Văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa” phác họa bức tranh sinh hoạt kinh tế của con người trong buổi bình minh lịch sử. Những sưu tập cổ sinh tìm được ở những vùng miền núi Thanh Hóa, những di vật của thời tiền sử ở núi Đọ, núi Nuông, mái đá Điều, hang Con Moong, Đa Bút... đã chứng minh cách đây 30-40 vạn năm con người đã có mặt và liên tục phát triển ở vùng đất này.
Thời kỳ dựng nước đầu tiên, phòng trưng bày giới thiệu những sưu tập hiện vật của các Văn hóa trước Đông Sơn với ba giai đoạn phát triển kế tiếp nhau. Đây là tiền đề cơ sở vật chất, kỹ thuật cho văn hóa Đông Sơn kế tiếp ra đời và phát triển rực rỡ.
Trọng tâm phòng trưng bày giới thiệu văn hóa Đông Sơn trên đất Thanh Hóa với nền tảng cơ sở vật chất góp phần tạo dựng Nhà nước Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Phòng trưng bày giới thiệu những sưu tập nông cụ, công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí và những chiếc trống đồng, thạp đồng tiêu biểu của Văn hóa Đông Sơn với các hoạ tiết trang trí tuyệt mỹ của nghệ thuật trang trí đồ đồng Đông Sơn đã gây được ấn tượng sâu sắc đối với khách tham quan, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Phòng trưng bày: “Cổ vật Thanh Hóa”, giới thiệu những bảo vật quốc gia, những cổ vật quí giá, những sưu tập hiện vật độc đáo với các chất liệu: đồng, đá, đất nung... phản ánh đặc trưng nhất trong kho tàng văn hóa vật thể xứ Thanh.
Là quê hương của các vị anh hùng dân tộc, như Bà Triệu (thế kỷ III), Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn (thế kỷ X), Lê Lợi (thế kỷ XV) đã sáng lập nên nhiều triều đại phong kiến Việt Nam và cũng là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa nổi tiếng như Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ... Thanh Hóa với nền văn minh đôi bờ sông Mã, sông Chu, có nhiều ngành, nghề truyền thống nổi tiếng như: Nghề đục đá núi Nhồi, nghề dệt nhiễu lụa Hồng Đô, nghề đúc đồng Chè Đông, nghề dệt chiếu Nga Sơn, nghề làm gốm Tam Thọ, nghề mộc Đạt Tài, dệt thổ cẩm của người Thái, người Mường cho thấy cùng với làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống là một bộ phận quan trọng trong di sản văn hóa của người xứ Thanh.
Phòng trưng bày: “Trống đồng phát hiện ở Thanh Hóa” là phòng trưng bày duy nhất hiện nay ở Việt Nam giới thiệu về một loại cổ vật, đặc sắc, quí hiếm phát hiện trên đất Thanh Hóa - trống đồng cổ, một trong những hiện vật mang tính biểu tượng cao của nền văn hóa Việt Nam.
Ở vị trí trang trọng nhất giới thiệu sưu tập trống đồng loại I Heger (trống Đông Sơn - địa danh phát hiện trống đồng đầu tiên ở Việt Nam thông qua khai quật khảo cổ học) với sự hiện diện của những chiếc trống đẹp Quảng Xương, trống Cẩm Giang, trống mã nguôi có niên đại sớm, trống Thiệu Thịnh có kích thước lớn... cùng những họa tiết hoa văn trang trí tuyệt mỹ của nghệ thuật trang trí đồ đồng Đông Sơn đã gây xúc cảm và ấn tượng sâu sắc cho người xem.
Qua sưu tập trống minh khí (đồ chôn theo người chết), ảnh chụp các ngôi mộ cổ Đông Sơn có chôn theo trống đồng cùng những vật dụng khác, Bảo tàng trưng bày giới thiệu để khách tham quan hiểu rõ hơn giá trị của trống đồng trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Đông Sơn.
Phần tiếp nối, giới thiệu những Thư tịch cổ, thần tích, sắc phong cùng với sự có mặt của sưu tập trống đồng loại II Heger (trống Mường) đã phản ánh rõ mối quan hệ Việt- Mường, một cách có hệ thống về chủ nhân của trống đồng Việt Nam theo một diễn trình lịch sử.
Phòng trưng bày“ Truyền thống cách mạng Thanh Hóa” (giai đoạn 1858-1945) phản ánh một giai đoạn quan trọng trong lịch sử Việt Nam từ lúc thực dân Pháp xâm lược (1858) đến khi dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Phòng trưng bày đã giới thiệu nhiều hiện vật phản ánh sự kiện trọng đại trong lịch sử Thanh Hóa đó là việc thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa ngày 29-7-1930. Các hiện vật về hoạt động của đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh). Chiếc mâm xà dùng làm bàn in tài liệu của Đảng, sưu tập vũ khí của du kích Ngọc Trạo (1941), hình ảnh ngôi nhà mẹ Tơm và tráp cắt tóc của con trai mẹ Tơm dùng để cất giấu tài liệu, nuôi giấu đồng chí Tố Hữu và các cán bộ cách mạng. Chiếc trống lệnh dùng trong khởi nghĩa Hoằng Hóa ngày 24- 7-1945, cùng với sưu tập vũ khí thô sơ nhân dân ta đã dùng để giành chính quyền Cách mạng...
Phòng trưng bày “Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” ( giai đoạn 1945-1975). Bằng những tư liệu, hiện vật quí, giàu giá trị lịch sử được chắt lọc, phòng trưng bày giới thiệu mang tính khái quát giúp người xem hiểu biết có hệ thống tinh thần chiến đấu anh dũng của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Phòng trưng bày “Đặc trưng văn hóa dân tộc Mường ở Thanh Hóa”. Dân tộc Mường Thanh Hóa có khoảng 33 vạn người, phân bố chủ yếu ở các huyện miền núi, tập trung các vùng Mường nổi tiếng như Mường Ống (Bá Thước), Mường Chẹ (Ngọc Lặc), Mường Phấm (Cẩm Thuỷ), Mường Đủ (Thạch Thành)...
Kho tàng văn hóa dân gian của người Mường rất phong phú với những trường ca, truyện thơ nổi tiếng như: Đẻ đất đẻ nước; Nàng Nga-Hai Mối Xường, Mo... gắn liền với tâm thức của cư dân nông nghiệp. Trong xã hội Mường, cồng chiêng, trống đồng là những báu vật được trao truyền qua nhiều thế hệ, được coi là vật thiêng của dân tộc, là hồn đất nước, hồn của bản, của mường. Người Mường tổ chức nhiều lễ hội trong năm: Hội Xuống đồng, hội cầu mưa, hội xéc bùa, hội Poồn poông và các lễ cơm mới, làm vía, cầu mát... Trong các dịp lễ hội đồng bào Mường thường tổ chức ném còn, bắn nỏ, đi cà kheo, đánh đu, uống rượu cần... Với hơn 300 hình ảnh, hiện vật gốc đặc sắc, tiêu biểu được lựa chọn, chắt lọc thông qua các phần trưng bày, Bảo tàng đã thể hiện và giới thiệu cuộc sống, sinh hoạt và một số đặc trưng văn hóa của dân tộc Mường xứ Thanh.
Phòng trưng bày “Đặc trưng văn hóa dân tộc Thái ở Thanh Hóa” giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái Thanh Hóa. Với dân số khoảng 23 vạn người, chiếm 1/6 tổng số dân tộc Thái ở Việt Nam, người Thái cư trú ở các huyện miền núi Thanh Hóa. Cư dân người Thái có trình độ kỹ thuật trong canh tác trồng lúa nước với những biện pháp dùng cày, thâm canh và hệ thống thủy lợi hợp lý, công cụ sản xuất truyền thống gồm cày, bừa gỗ, cuốc bướm rẫy cỏ, chóp, gậy chọc lỗ... công cụ săn bắn gồm cạm bẫy, giáo mác, súng kíp, chiếc cồng được dùng trong những dịp đi săn tập thể. Một số nghề thủ công như dệt vải, dệt thổ cẩm phát triển. Người Thái ở nhà sàn, mái nhà thường tạo dáng hình mai rùa. Người Thái theo chế độ gia đình Phụ hệ, thờ cúng tổ tiên, cúng trời đất, cúng bản mường. Tục tang ma, cưới xin, lễ hội được tổ chức theo nghi thức truyền thống.
Người Thái có chữ viết sớm, để lại nhiều tác phẩm cổ viết về lịch sử, phong tục, luật tục được ghi trên lá cây, giấy bản... Văn học nghệ thuật dân gian Thái gồm nhiều thể loại: Thành ngữ, tục ngữ, truyện thơ, đồng dao... những tác phẩm thơ ca nổi tiếng như Khăm Panh, Xống trụ xôn xao, Trường ca Út Thêm... Đồng bào Thái rất thích ca hát, múa sạp, múa xoè, múa quạt... Lễ hội Kin Chiêng boọc mạy, Hội chiêng trống, khua luống và uống rượu cần là những nét đẹp của người Thái xứ Thanh.
Ngoài 7 phòng trưng bày hiện có, ngoại thất của Bảo tàng còn là nơi trưng bày các tác phẩm mỹ thuật điêu khắc đá tiêu biểu thời Lê - Nguyễn, những hiện vật có thể khối lớn như súng thần công thời Nguyễn, máy cày DT24 của Bác Hồ tặng hợp tác xã Yên Trường, máy bay Míc 17 của Trung đoàn Không quân 921 tham gia chiến đấu ở Hàm Rồng ngày 3-4 - 4-1965... theo một logic chặt chẽ, tạo cảnh quan khuôn viên Bảo tàng rất sinh động và bề thế.
Hiện nay, kho cơ sở Bảo tàng Thanh Hóa với hơn 629 m2, hiện lưu giữ hơn 24.000 hiện vật lịch sử các loại. Với 5 phân kho được sắp đặt, bảo quản theo chất liệu, trong đó có nhiều bộ sưu tập hiện vật quí hiếm, giá trị: Sưu tập gốm Tam Thọ, sưu tập gốm sứ thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn; các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá; sưu tập các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ; sưu tập chuông đồng; thạp đồng; sưu tập tiêu bản các loại thú quí hiếm ở Thanh Hóa.
(Nguồn: theo báo thanh hoá)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch