Đất nước Việt Nam

Dân tộc Cờ Lao


Tên tự gọi: Cờ Lao.
Tên gọi khác: Tứ Ðư, Ho Ki, Voa Ðề.
Nhóm địa phương: Cờ Lao Xanh, Cờ Lao Trắng, Cờ Lao Ðỏ.
Dân số: 2.034 người.

Lịch sử: Người Cờ Lao chuyển cư tới Việt Nam cách đây khoảng 150 - 200 năm.

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Ka Ðai, cùng nhóm với tiếng La Ha, La Chí, Pu Péo (ngữ hệ Thái - Ka Ðai). Trước đây, các nhóm địa phương có phương ngữ khác nhau nhưng hiện nay đa số người Cờ Lao Ðỏ, Cờ Lao Xanh không còn nói được tiếng mẹ đẻ của mình nữa. Tuỳ theo quá trình tiếp xúc, cộng cư họ quen sử dụng tiếng Quan hoả, tiếng Nùng hay tiếng Pu Péo, Hmông.

Hoạt động sản xuất: Bộ phận người Cờ Lao ở vùng cao núi đá tai mèo chủ yếu làm nương cày, thổ canh hốc đá. Ngô là cây lương thực chính. Trên nương họ còn trồng đậu răng ngựa, lúa mạch, đậu Hà lan, su hào... Người Cờ Lao có truyền thống dùng phân chuồng, phân tro và nhiều kinh nghiệm sử dụng phân bón trên nương. Phân tro được bón vào từng hốc khi tra ngô.

Bộ phận người Cờ Lao ở vùng núi đất chuyên sống bằng nghề làm ruộng bậc thang, lúa là cây lương thực chính. Nghề thủ công truyền thống là đan lát (nong, bồ, phên, cót...) và làm đồ gỗ (bàn, hòm, yên ngựa, quan tài, các đồ đựng bằng gỗ). Nhiều làng có thợ rèn sửa chữa nông cụ.

Ăn: Tuỳ nơi, họ ăn ngô chế thành bột mèn mén hoặc ăn cơm, quen dùng bát, thìa muôi bằng gỗ.

Mặc: Phụ nữ mặc áo cùng loại với áo người Nùng, Giáy nhưng dài quá gối áo được trang trí bằng những miếng vải đáp trên hò áo, ngực, tay áo. Trước đây người Cờ Lao Trắng, Cờ Lao Xanh còn mặc thêm chiếc áo ngắn tay ra ngoài áo dài để phô những miếng vải mầu đắp trên tay áo trong, chân cuốn xà cạp.

 : Người Cờ Lao thường sống thành từng làng khoảng 15 - 20 nóc nhà ở vùng núi đất huyện Hoàng Su Phì, hoặc núi đá tai mèo ở huyện Ðồng Văn (Hà Giang). Nhà ba gian hai trái, mái lợp cỏ gianh hoặc các ống vầu, nứa bổ đôi xếp úp ngửa. Người Cờ Lao Ðỏ làm nhà trình tường như người láng giềng Pu Péo.

Phương tiện vận chuyển: Dùng ngựa để thồ hàng là một phương tiện vận chuyển phổ biến của người Cờ Lao. Họ quen dùng địu đan bằng giang có hai quai đeo vai. Hàng ngày họ phải địu nước về nhà; ở vùng núi đất, dùng máng lần đưa nước về đến tận nhà hay gần nhà.

Quan hệ xã hội: Mỗi nhóm Cờ Lao thường có dòng họ khác nhau như các họ Vần, Hồ, Sếnh, Chảo (Cờ Lao Trắng), Min, Cáo, Sú Lý (Cờ Lao Ðỏ), Sáng (Cờ Lao Xanh). Gia đình nhỏ phụ hệ là phổ biến. Nếu nhà không có con trai, người ta thường lấy rể về ở rể. Con rể vẫn giữ họ của mình nhưng có quyền thừa kế tài sản nhà vợ. Người ở rể có bàn thờ tổ tiên mình và bàn thờ bố mẹ vợ.

Cưới xin: Tục lệ cưới xin khác nhau giữa các nhóm. Chú rể Cờ Lao Xanh mặc áo dài xanh, cuốn khăn đỏ qua người. Cô dâu về đến cổng phải dẫm vỡ một cái bát, một cái muôi gỗ đã để sẵn trước cổng. Cô dâu Cờ Lao Ðỏ chỉ ngủ lại nhà chồng đêm hôm đón dâu. Cách cưới kéo vợ hay cướp vợ như người Hmông vẫn thường xảy ra.

Sinh đẻ: Người Cờ Lao không có tục chôn hay treo nhau đẻ lên cây mà thường đem đốt, rồi bỏ tro than vào hốc đá trên rừng. Con trai được đặt tên sau 3 ngày 3 đêm, con gái 2 ngày 3 đêm, ở một số nơi trẻ được đặt tên khi đầy tháng. Trong lễ đặt tên cúng tổ tiên và thần Ghi Trếnh, vị thần bảo vệ trẻ em, theo phong tục, bà ngoại đặt tên và tặng cháu quà.

Ma chay: Trong tang lễ có phong tục làm ma hai lần: lễ chôn người chết và lễ làm chay. Ở NGƯỜI CỜ LAO XANH LỄ làm chay có thể tiến hành ngay hôm chôn hay một vài năm sau. Người chết được cúng đưa hồn về Chan San, quê hương xưa. Người Cờ Lao Ðỏ có phong tục xếp đá quanh mộ, cứ 10 tuổi lại xếp một vòng đá. Các vòng đá tuổi được phủ kín đất; trên cùng lại xếp thêm một vòng đá nữa.

Thờ cúng: Người Cờ Lao tin mỗi người có 3 hồn; lúa, bắp và gia súc cũng đều có hồn. Hồn lúa (hồn lúa bố, hồn lúa mẹ, hồn lúa vợ và hồn lúa chồng) được cúng mỗi khi gặt xong và cúng vào dịp Tết 5 tháng 5. Tổ tiên được thờ 3 hay 4 đời. Thần đất là vị thần quan trọng được gia đình và toàn bản thờ cúng.

Lễ tết: Người Cờ Lao ăn Tết Nguyên đán, Tết Mùng 3 tháng 3, mùng 5 tháng 5, 15 tháng 7 và mùng 9 tháng 9 âm lịch như nhiều dân tộc ở vùng đông bắc Việt Nam.

Học: Chữ Hán được sử dụng phổ biến trong việc cúng lễ. Ngày nay như các dân tộc khác trong cả nước, học sinh được học tiếng Việt và chữ phổ thông.

(nguồn: cema.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *