Đất nước Việt Nam

Dân tộc Phù Lá


Tên tự gọi: Lao Va Xơ, Bồ Khô Pạ, Phù Lá.
Tên gọi khác: Xá Phó, Cần Thin.
Nhóm địa phương: Phù Lá Lão - Bồ Khô Pạ, Phù Lá Ðen, Phù Lá Hán.
Dân số: 8.947 người.
Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng Miến (ngữ hệ Hán - Tạng), gần với Miến hơn.

Lịch sử: Nhóm Phù Lá Lão - Bồ Khô Pạ là cư dân có mặt tương đối sớm ở Tây Bắc nước ta. Các nhóm khác đến muộn hơn, khoảng 200-300 năm trở lại, quá trình hội nhập của nhóm Phù Lá Hán còn tiếp diễn cho tới những năm 40 của thế kỷ XX.

Hoạt động sản xuất: Người Phù Lá làm nương và ruộng bậc thang, các sản phẩm đan bằng mây, trúc với nhiều hoa văn, màu sắc như các đồ đựng quần áo, thức ăn rất nổi tiếng. Họ quen sử dụng nỏ, tên tẩm thuốc độc, trồng bông, dệt vải, xe sợi bằng con trượt.

Ăn: Người Phù Lá giã gạo hàng ngày bằng chày tay, ăn cơm tẻ ngày hai bữa, sáng sớm và tối thích hợp với điều kiện canh tác trên nương. Ðồ nếp dùng trong lễ cúng, làm bánh. Cơm nếp, các món ăn cá, thịt ướp với gạo rang giã nhỏ cùng gia vị ớt, rau thơm, thịt nướng rất được họ ưa thích.

Mặc: Phụ nữ ăn mặc khác nhau giữa các nhóm. Nữ giới nhóm Phù Lá Lão - Bố Khô Pạ mặc váy, áo ngắn, cổ vuông chui đầu, vừa thêu vừa trang trí bằng hạt cườm, thắt lưng đính vỏ ốc núi. Các nhóm khác mặc quần, áo dài xẻ ngực hay áo ngắn xẻ nách.

Chiếc áo của nam giới Phù Lá Lão rất độc đáo, sau lưng đính nhiều hạt cườm.

Nam nữ Phù Lá thường đeo túi vải bên mình.

: Người Phù Lá sống tập trung ở các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu. Làng xóm thường cách xa nương. Cư dân nhóm Phù Lá Lão thường ở phân tán thành những chòm xóm với quy mô nhỏ. Các nhóm khác cư trú tập trung hơn. Tuỳ từng nơi ở nhà sàn hay nhà trệt. Kho thóc quây quần thành một khu thường làm cách xa nhà để phòng hoả hoạn.

Phương tiện vận chuyển: Nhóm Phù Lá Lão - Bồ Khô Pạ đeo gùi đỡ bằng trán. Trái lại, nhóm Phù Lá Hán và Phù Lá Ðen cõng gùi trên lưng hoặc sử dụng ngựa thồ để chuyên chở.

Quan hệ xã hội: Quan hệ láng giềng là mối quan hệ chủ đạo trong các bản Phù Lá. Những ngày mùa các gia đình trong bản thường giúp đổi công cho nhau, ăn chung với gia chủ bữa tối. Khi gia đình nào đó có công to việc lớn (cưới xin, làm nhà, ma chay...) đều nhận được sự giúp đỡ của các thành viên khác nhau trong bản.

Trong bản có nhiều họ khác nhau, mỗi họ lại chia thành nhiều chi. Phủ bên ngoài các tên họ bằng âm Hán, Hán - Việt, Việt, Thái còn có những tên họ riêng bằng tiếng dân tộc. Dấu vết thờ vật tổ trong các dòng họ còn đặc biệt rõ nét ở nhóm Phù Lá Lão. Quan hệ dòng họ không thật chặt chẽ.

Cưới xin: Trai gái tự do tìm hiểu trước hôn nhân. Tối tối, gái trai chưa vợ chưa chồng thường đến tụ tập vui chơi ở nhà bạn gái hay trai và ngủ luôn ở gian khách, nơi dành cho những người chưa vợ chưa chồng. Nếu yêu nhau người con trai được vào ngủ chung với người yêu của mình. Sau vài đêm đi lại với nhau, hai bên thật ưng ý, người con gái trở về ngủ ở nhà mình. Ðến đêm người yêu lại tới ngủ cùng. Tiếp đó là các lễ dạm, hỏi, cưới như bình thường. Trong đám cưới có tục uống rượu, hát đối để được vào nhà đón và đưa cô dâu về nhà trai và nhà gái, tục vẩy nước bẩn và bôi nhọ nồi lên mặt đoàn nhà trai trước khi ra về, tục lại mặt sau 12 ngày cưới.

Sinh đẻ: Sản phụ đẻ ngồi. Họ không được ngủ trên giường, mà phải ngủ trên đệm rơm. Nhau đẻ chôn dưới gầm giường hoặc chân cột dưới gầm sàn, phía buồng ngủ. Sau khi đẻ kiêng người lạ vào nhà 3 ngày với dấu hiệu úp nón trên cọc ở trước cửa hay cọc bôi than đen có cắm lá đùm đúm ở ngoài cửa. Lễ đặt tên 12 ngày sau khi đẻ do thày mo thực hiện. Mỗi người được đặt hai tên, một tên khác chỉ dùng để cúng báo tổ tiên hay cúng lúc chết.

Ma chay: Thi hài người chết để ở giữa nhà, đầu quay về phía bàn thờ, phía trên căng một chiếc chài rộng, đỉnh chài móc dưới mái nhà. Nước rửa mặt cho người chết không được đổ đi mà để tự bốc hơi hết. Cúng cơm có bát cơm cắm đôi đũa, con gà (thui hay nướng, không cắt tiết, không rửa). Trong những ngày tang gia con cái trải đệm rơm ngủ hai bên quan tài. áo quan bằng thân gỗ, không nắp, đắp bằng dát vầu hoặc đóng bằng ván. Lễ viếng có kèn, trống. Khiêng quan tài ra đến nghĩa địa mới đào huyệt. Có nơi còn làm nhà mồ cho người chết. Trong đám tang người Phù Lá rất quan tâm đến việc giữ gìn hồn vía của những người đi đưa tang để không bị ở lại dưới mộ hay nghĩa địa.

Thờ cúng: Người Phù Lá thờ riêng tổ tiên nam để phù hộ cho sức khoẻ, tổ tiên nữ phù hộ cho mùa màng. Lễ cơm mới chủ yếu cúng ở nơi thờ tổ tiên nữ do phụ nữ đại diện và nữ giới trong nhà được ăn cơm trước. Lễ cúng bản thường vào tháng hai hàng năm. Họ thực hiện nhiều nghi lễ tín ngưỡng nông nghiệp trên nương, ruộng. Chiếc chài mới cũng phải qua lễ cúng mới được dùng.

Thày cúng giữ vị trí quan trọng trong xã hội. Thày cúng thường được dạy theo cách truyền khẩu vào các dịp tết tháng giêng, tháng bảy.

Lễ tết: Người Phù Lá ăn tết Nguyên đán, các tết tháng năm, tháng bảy, cơm mới.

Học: Một bộ phận người Phù Lá ở các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Xín Mần có truyền thống sử dụng chữ Hán và xem tiếng Hán phương Nam như công cụ giao tiếp hàng ngày.

Văn nghệ: Kho tàng văn học dân gian phong phú, nhiều truyện cổ tích rất gần với môtip của người Việt. Người Phù Lá sử dụng kèn, trống. Trai gái thích hát giao duyên. Nhóm Phù Lá Lão còn biết múa xoè trong âm hưởng của các làn điệu dân ca Thái.

Chơi: Trẻ em thích chơi đu quay, đá cầu, trốn tìm, đánh cỏ, chơi cù... Trong các dịp hội hè, lễ tết... ngay cả người lớn cũng tham gia vào các trò chơi vui nhộn với phong thái rất hồn nhiên.

(nguồn: cema.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *