Di sản phi vật thể

Hát Xoan

Hát xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa; thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất tổ Hùng Vương - Phú Thọ, một tỉnh thuộc vùng trung du Việt Nam.
Hát xoan là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương. Nguồn gốc của nó gắn với những giai thoại của thời đại Vua Hùng dựng nước. Giai thoại kể rằng, một hôm, trên đường đi tìm đất đóng đô, Vua Hùng nghỉ chân ở nơi nay là quê xoan Phù Đức – An Thái. Thấy trẻ chăn trâu hát múa, vua rất ưa thích và lại dạy các em thêm nhiều điệu khúc nữa. Những điệu hát múa ấy là những điệu xoan đầu tiên. Lại có một câu chuyện khác kể rằng, hát xoan là điệu hát múa mà nàng Quế Hoa cất tiếng hát giúp vợ Vua Hùng bỗng chốc vui vẻ, hết đau bụng lúc sinh con và sinh được ba người con trai tuấn tú khác thường. Vua rất vui, truyền cho các công chúa và cung nữ đều học hát điệu hát này. Lúc đó vào mùa xuân nên vua đặt tên các làn điệu múa, hát đó là hát xoan…

Hát Xoan thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, là hát cửa đình, hội tụ đa yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát, múa... Nguồn gốc của Hát Xoan gắn với những giai thoại của thời đại Vua Hùng dựng nước. Các làng xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang, vì vậy hát xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa cổ của thời đại bình minh dựng nước...

   Thường vào mùa xuân, có các phường xoan lần lượt khai xuân ở đình, miếu làng. Vào ngày mùng 5 âm lịch thường hát ở hội đền Hùng. Thời điểm hát được quy định tại một điểm nhất định, mỗi "phường" chọn một vị trí cửa đình. Theo lệ dân tại chỗ là vai anh, họ (làng khác) là vai em. Khi kết nghĩa rồi cấm trai gái hai bên dânhọ kết hôn với nhau do là anh em.

 - Phường hát xoan là một tổ chức văn nghệ của làng, phần lớn là những người có quan hệ họ hàng với nhau. Hát Xoan là tiếng hát dâng thần linh, cầu chúc, khấn nguyện thần linh ban phúc cho dân làng...
- Đứng đầu một phường Xoan là ông trùm phường - người dạy nghệ thuật hát xoan, đồng thời là người tổ chức biểu diễn. Theo hầu ông trùm là các cô đào trẻ.

- Ca nhạc của xoan là ca nhạc biểu diễn với đầy đủ các dạng thức nhạc hát: hát nói, hát ngâm, ngâm thơ và ca khúc; có đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đan xen, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp. Về sắc thái âm nhạc, nhạc xoan vừa có những giọng nghiêm trang thong thả vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh lại có những giọng duyên dáng trữ tình.Trong phần nhạc hát, chủ yếu là nam hát, còn nữ phần nhiều chỉ hát họa theo, hát đệm và những khúc hát ngắn mà chủ yếu là múa. Múa xoan là múa nghi lễ, múa “mừng đại vương” và “mừng làng nước thịnh đời đời”, múa chúc, múa mừng được trình diễn trước bàn thờ thần linh.

 - Có 3 hình thức hát xoan: hát thờ cúng các Vua Hùng và thần thành hoàng làng, hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe và hát lễ hội là hình thức để nam nữ hát trao duyên. Hát xoan có hát đối giao duyên nam nữ giữa đào xoan và trai làng, Hát múa mời rượu, hát tiều ngư canh mục - Còn gọi là mò cá, điệu múa hát của ước vọng sinh sôi.
    Gốc của hát xoan ở vùng Phú Thọ, sau lan tỏa tới các làng quê đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Bốn phường xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở hai xã Kim Đức và Phương Lâu (Phú Thọ) từ xưa được cộng đồng của 30 làng, 18 xã của tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc mời đến biểu diễn. Vì thế hát xoan mới ghi dấu tại nhiều làng quê ngoài vùng Phú Thọ và Vĩnh Phúc.


Hồ sơ Hát Xoan đã hội đủ các yêu cầu cần thiết của UNESCO, đó là: tính giá trị, tính cộng đồng trong việc sáng tạo và lưu truyền từ đời này qua đời khác; sức sống mạnh mẽ của Hát Xoan cũng như các cam kết nhằm bảo vệ loại hình nghệ thuật này không bị biến mất trong đời sống hiên đại. Đây là một trong số ít những hồ sơ nhận được toàn bộ sự ủng hộ của hội đồng tư vấn khoa học xét duyệt sơ khảo trước đó.

Ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban Liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO được tổ chức tại Bali (Indonesia), hồ sơ Hát Xoan (Phú Thọ) của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.



(Nguồn: http://www.vietnamtourism.com)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *