Di sản phi vật thể

Quan họ Bắc Ninh

Quan họ Bắc Ninh là những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang). Đây là môn nghệ thuật được hợp thành bởi nhiều yếu tố như âm nhạc, lời ca, phục trang, lễ hội …
Với một lối hát giao duyên dân dã, thể hiện mối quan hệ gắn bó tình nghĩa giữa những "liền anh", "liền chị" hát quan họ và là nét văn hóa tiêu biểu của người dân vùng Kinh Bắc.

 

 Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam và được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua phương thức truyền khẩu. Muốn hát quan họ phải có "bọn": "bọn nam" hoặc "bọn nữ". Vì vậy trong một làng quan họ thường có nhiều "bọn nam" và "bọn nữ". Mỗi "bọn" thường có 4, 5, 6 người và được đặt tên theo thứ tự: chị Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu hoặc anh Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu. Nếu số người đông tới 7, 8 người thì đặt tên là chị Ba, chị Tư (bé) hoặc anh Ba, anh Tư (bé)… mà không đặt chị Bảy, Tám hay anh Bảy, Tám. Trong các sinh hoạt quan họ, các thành viên của "bọn" quan họ không gọi nhau bằng tên thật mà gọi theo tên đặt trong "bọn".

Hát quan họ là hình thức hát đối đáp giữa "bọn nam" và "bọn nữ". Một "bọn nữ" của làng này hát với một "bọn nam" của làng kia với một bài hát cùng giai điệu, khác về ca từ và đối giọng. "Bọn hát" phân công người hát dẫn, người hát luồn nhưng giọng của hai người hát cặp với nhau phải tương hợp thành một giọng để tạo ra một âm thanh thống nhất. Dân ca quan họ có 213 giọng khác nhau, với hơn 400 bài ca. Lời một bài ca có hai phần: lời chính và lời phụ. Lời chính là thể thơ và ca dao của Việt Nam, phần lớn là thể lục bát, lục bát biến thể, bốn từ hoặc bốn từ hỗn hợp với từ ngữ giàu tính ẩn dụ, trong sáng, mẫu mực. Đây là phần cốt lõi, phản ánh nội dung của bài ca là thể hiện tình yêu lứa đôi. Lời phụ gồm tất cả những tiếng nằm ngoài lời ca chính, là tiếng đệm, tiếng đưa hơi như i hi,ư hư, a ha v.v…

Quan họ Bắc Ninh tồn tại trong một môi trường văn hóa với những tập quán xã hội riêng. Đầu tiên là tập quán "kết chạ" giữa các làng quan họ. Từ tục "kết chạ", trong các "bọn" quan họ xuất hiện một tập quán xã hội đặc biệt là tục kết bạn quan họ. Mỗi "bọn" quan họ của một làng đều kết bạn với một "bọn" quan họ ở làng khác theo nguyên tắc quan họ nam kết bạn với quan họ nữ và ngược lại. Với các làng đã "kết chạ", trai gái trong các "bọn" quan họ đã kết bạn không được cưới nhau.

Một điểm khác biệt của quan họ Bắc Ninh so với các loại hình dân ca khác ở Việt Nam trong việc truyền dạy là tục "ngủ bọn". Sau một ngày lao động, "bọn" quan họ, nhất là thiếu niên nam, nữ từ 9 đến 17 tuổi thường rủ nhau "ngủ bọn" ở nhà ông/bà Trùm để tập nói năng, ứng xử, giao tiếp, học câu, luyện giọng, và nhất là phải biết bẻ giọng, ứng đối kịp thời. Yêu cầu đặt ra với tục "ngủ bọn" là "liền anh" và "liền chị" phải ghép đôi và luyện sao cho từng đôi một thật hợp giọng nhau để đi hát.

Nói đến quan họ Bắc Ninh là nói đến ẩm thực quan họ. Đã là trầu quan họ thì phải là trầu têm cánh phượng hoặc trầu têm cánh quế, chè phải là chè Thái Nguyên. Cơm quan họ dùng mâm đan nghĩa là mâm gỗ tròn sơn đỏ, còn gọi là "mâm son", vừa trang trọng vừa thể hiện tình cảm thắm thiết của chủ nhà đối với khách. Các món ăn trong bữa cơm phụ thuộc vào tập quán của từng làng nhưng phải có một đĩa thịt gà, hai đĩa giò lụa, thịt lợn nạc, đặc biệt không dùng thức ăn nhiều mỡ để tránh hỏng giọng.

Trong quan họ, trang phục của "liền anh" và "liền chị" có sự khác biệt. Trang phục của "liền chị" gồm nón ba tầm hoặc nón thúng quai thao, khăn vấn và khăn mỏ quạ, yếm, áo, váy, thắt lưng, dép. Trang phục của "liền anh" gồm khăn xếp, ô lục soạn, áo cánh bên trong và áo dài 5 thân bên ngoài, quần, dép.

Vào lúc 16h55 ngày 30/9/2009 tại thủ đô Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ủy ban UNESCO đã công nhận quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại dựa trên các giá trị văn hóa, giá trị lưu giữ tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, phong cách ứng xử văn hóa, ca từ và trang phục. Phạm vi công nhận chính thức gồm có 49 làng quan họ phân bố như sau: tỉnh Bắc Giang có 5 làng là Hữu Nghi, Giá Sơn, Mai Vũ, Nội Ninh, Sen Hồ; tỉnh Bắc Ninh có 44 làng là: Bái Uyên, Duệ Đông, Hạ Giang, Hoài Thị, Hoài Trung, Lũng Giang, Lũng Sơn, Ngang Nội, Vân Khám, Tam Sơn, Tiêu, Đông Mai, Đông Yên, Bồ Sơn, Châm Khê, Cổ Mễ, Dương Ổ, Đẩu Hàn, Điều Thôn, Đông Xá, Đỗ Xá, Hòa Đình, Hữu Chấp, Khả Lễ, Khúc Toại, Ném Đoài, Ném Sơn, Ném Tiền, Niềm Xá, Phúc Sơn, Thanh Sơn, Thị Chung, Thị Cầu, Thọ Ninh, Thượng Đồng, Trà Xuyên, Vệ An, Viêm Xá, Xuân Ái, Xuân Đồng, Xuân Ổ, Xuân Viên, Y Na, Yên Mẫn.

ĐỊA CHỈ THƯỞNG THỨC QUAN HỌ:

Hội Lim

Hội Lim là một lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc được tổ chức trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim được mở từ ngày 12 đến 14 tháng giêng Âm lịch hàng năm, trong đó ngày 13 là chính hội, thường được kéo dài trong khoảng thời gian 3-5 ngày (11/1 - 15/1 Âm lịch).

Hội Lim bao giờ cũng gồm 2 phần tách bạch: Lễ và Hội. Các làng Duệ Khánh, Đình Cả, Lộ Bao, Lũng Giang hội tụ thành một đoàn rước từ từ tiến vào trung tâm hội thu hút sự chú ý, quan tâm đặc biệt của đông hội. Đây là tâm điểm của phần Lễ, hoạt động tế lễ của các đoàn rước chính là chương trình khai hội.

Ngày 13 mới là chính hội. Nhưng từ sớm ngày 12, đồi Lim – trung tâm lễ hội đã tưng bừng với các lán hát Quan họ và các trò chơi dân gian  như: Thi tổ tôm điếm, đu tiên, vật, đập niêu, thi cờ người, dệt cửi hội, trò bịt mắt bắt dê và kéo co.

Đến hội Lim, du khách được xem và nghe hát trên đồi, hát sau chùa, hát trên thuyền và hát trong các tư gia (hát trong nhà); lại có thể nghe hát đối từng cặp (đôi nam, đôi nữ), hoặc "bọn" nam, nữ.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH HÁT QUAN HỌ BẮC NINH TẠI HỘI LIM:

Hát mời trầu

Hát mừng bạn đến chơi nhà

Hát giao duyên

Hát trên thuyền

(Nguồn:www.vietnamtourism.com)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *