Di tích lịch sử, văn hóa
Bãi cọc Bạch Ðằng
Ðặc điểm: Bãi cọc này được sử dụng trong trận chiến chống quân Nguyên Mông vào năm 1288. Bãi cọc bao gồm hàng trăm cọc bằng những thân cây gỗ lim cắm sâu dưới bùn, dài từ 3 đến 5m và cách nhau khoảng 1m. Bãi cọc Bạch Đằng đã được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận là di tích lịch sử nhân kỷ niệm 700 năm chiến thắng Bạch Đằng.
Bãi cọc Bạch Đằng tồn tại cùng thời gian là chứng tích lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Nơi ghi dấu thiên tài quân sự của anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn ở thế kỷ 13.
Bãi cọc Bạch đằng được phát hiện vào năm 1953 khi nhân dân trong vùng đào đất đắp đê. Hiện còn hàng trăm cọc, một số cọc được cắm thẳng đứng, đa số cọc nằm chếch theo hướng đông 15o, cắm theo hình chữ chi (Z). Cọc phần lớn bằng gỗ lim, gỗ táu, đầu dưới vát nhọn, đầu trên đã bị gãy. Độ dài trung bình của chúng từ 2 m đến 2,8 m; có cái dài tới 3,2 m. Phần cọc được vát nhọn dài từ 0,8 m đến 1 m. Đầu phía trên của cọc nằm dưới mặt đất khoảng 0,5 m đến trên 1,5 m. Toàn bộ bãi cọc đã được xây kè bảo vệ với diện tích 220 m2, trong đó có 42 cọc ở nguyên trạng khi phát hiện, sâu dưới bùn hơn 2 m, nhô cao từ 0,2 đến 2 m. Mật độ cọc ở nửa bãi phía nam là 0,9 đến 1 m2 có một cây, nửa bãi phía bắc từ 1,5 đến 2 m2 có một cây.
Cách thị trấn khoảng 3 km là đền Trần Hưng Đạo. Đền nằm trên một dải đất có hình tay áo chạy ra giữa sông thuộc địa phận xã Yên Giang. Tương truyền khi Trần Hưng Đạo tới xem xét địa hình vùng này để chuẩn bị cho trận chiến Bạch Đằng, đứng trên gò đất Trung Bản, ông bị xổ tóc nên dừng lại cắm kiếm xuống đất, búi lại tóc. Dân vạn chài đã chứng kiến cảnh này cho nên đã lập đền thờ để tưởng nhớ công đức của ông ngay ở trên gò đất đó.
Vào thế kỷ 13, sau hai lần xâm lược Việt Nam bị thất bại thảm hại (1258, 1285) năm 1288 quân Nguyên Mông quyết tâm xâm lược Việt Nam một lần nữa. Với 30 vạn quân do Thoát Hoan chỉ huy và 70 vạn hộc lương do Trương Văn Hổ chỉ huy, tiến vào Thăng Long bằng đường bộ và đường thuỷ. Trước sức mạnh đó vua quan nhà Trần đã thực hiện kế hoạch rút lui chiến lược, xây dựng chiến tranh du kích để tiêu hao sinh lực địch. Sau một thời gian bị tiêu hao sinh lực, mệt mỏi vì không quen khí hậu, hơn nữa đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ đã bị quân của Trần Khánh Dư đánh chìm ngay khi vào đến Vân Đồn Cửa Lục, buộc quân địch phải rút lui. Biết trước được âm mưu đó, Trần Quốc Tuấn đã dựa vào chiến thuật cắm cọc gỗ xuống lòng sông Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938, lợi dụng hai dải đá ngầm ở ghềnh Cốc và ghềnh Sông Chanh tạo thành phòng tuyến chặn đường rút lui của quân giặc.
Ngày 9 tháng 4 năm 1288 khi đạo binh của Ô Mã Nhi đến cửa sông Bạch Đằng, Trần Quốc Tuấn đã cho thuyền nhỏ ra khiêu chiến, khi nước triều rút, các cánh quân mai phục từ các nhánh sông lao ra quyết chiến làm cho quân địch không kịp trở tay, cùng với chiến thuật hoả công, chỉ trong vòng một ngày hơn 3 vạn quân của Ô Mã Nhi và gần 400 chiến thuyền đã bị quân dân nhà Trần tiêu diệt và bắt sống.
Sau nhiều thế kỷ, lòng sông đã đổi dòng và khúc sông cũ trở thành đồng ruộng, đầm lầy vì thế nhiều bãi cọc đã mất dấu tích. Hiện nay tại đây còn giữ lại một khu di tích với các cọc gỗ lim vẫn còn đang bị ngâm trong lòng bùn nước suốt hơn 7 thế kỷ làm cho tất cả các du khách đến thãm đều phải ngạc nhiên khâm phục.
(Nguồn: vnexplore.net)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch