Di tích lịch sử, văn hóa

Bến đò và tượng đài Mẹ Suốt

Từ những tháng năm ngồi trên ghế nhà trường phổ thông chắc hẳn mỗi chúng ta ai cũng đã từng biết về một bài thơ ca ngợi hình ảnh người mẹ anh hùng của vùng đất lửa Quảng Bình trong chống Mỹ. Đó là hình ảnh Mẹ Suốt trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Tố Hữu.

Lắng nghe mẹ kể ngày xưa
Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình

Tên tuổi anh hùng Nguyễn Thị Suốt được cả nước biết đến như biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tên tuổi của mẹ gắn liền với sự kiện lịch sử trong những ngày đầu đánh Mỹ của quân và dân Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung. Là biểu tượng sinh động, hào hùng của dân tộc ta quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Mẹ Suốt là một phụ nữ tiêu biểu của vùng đất “hai giỏi” như Bác Hồ kính yêu đã khen tặng “Quảng Bình chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”.

Trải qua những năm tháng trường kỳ chống thực dân Pháp và đi đến thắng lợi. Năm 1954, Hòa bình lập lại chưa được bao lâu thì đế quốc lại gây chiến tranh phá hoại. Dựng ra sự kiện vịnh Bắc Bộ, năm 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc mà vùng đất Đồng Hới - Quảng Bình được chúng xem là cán soong, là tuyến đầu của hậu phương lớn, nên chúng đã tập trung đánh phá với mức độ ác liệt và dữ dội nhất với ý đồ nhằm huỷ diệt và san bằng, biến nơi đây trở về thời kỳ đồ đá. Thị xã Đồng Hới - Thị xã Hoa Hồng xinh đẹp là nơi hứng chịu túi bom của không lực Hoa Kỳ trút xuống, tất cả các loại bom đạn cày xới ở nơi đây.

Với khí phách của một dân tộc anh hùng, quân dân Quảng Bình nói chung và Đồng Hới nói riêng, một lòng tin tưởng vào Đảng, vào cách mạng, nêu cao quyết tâm đánh Mỹ, sẵn sàng chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Mẹ Nguyễn Thị Suốt sinh ra ở xóm Vạn chài làng Phú Mỹ (nay thuộc thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, thị xã Đồng Hới). Từ thuở nhỏ phải đi ở nuôi thân, cuộc đời mẹ hết đi ở đợ nhà giàu này đến nhà giàu khác, làm thuê làm mướn suốt năm, suốt tháng mà vẫn khổ cực. Cách mạng tháng Tám thành công chặt đứt xiềng xích nô lệ, giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc và giải phóng chính cuộc đời mẹ. Nhưng chưa kịp mừng vui thì thực dân Pháp lại xâm lược nước ta lần nữa và cũng như đồng bào cả nước, mẹ phải tiếp tục cuộc đời lầm than, cay đắng.

Khi giặc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, lúc này mẹ đã tròn 60 tuổi, nhưng theo tiếng gọi của cách mạng, của Bác Hồ và của Đảng bộ địa phương, thấu hiểu cuộc đời lầm than nô lệ, cảnh nước mất nhà tan cũng như thấm nhuần tình yêu quê hương, căm thù giặc Mỹ tàn phá xóm làng. Mẹ Suốt đã xung phong nhận lấy một công việc tưởng như bình thường, đơn giản nhưng cực kỳ nguy hiểm: Đó là chở đò ngang qua sông Nhật Lệ lúc bấy giờ là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của tổ 3 phòng: phòng chữa cháy, cấp cứu, chuyển tải thương binh và giao thông đi lại.

Ngược dòng thời gian để trở lại những ngày đầu chống mỹ. Hôm đó là ngày chủ nhật 7 tháng 2 năm 1965 (tức là ngày mồng 6 tết ất Tỵ) không lực Hoa Kỳ ồ ạt tấn công bắn phá thị xã Đồng Hới và các vùng lân cận (chúng đã huy động 160 lần chiếc máy bay phản lực hiện đại). Thị xã Đồng Hới như rung chuyển trong khói lửa đạn bom của kẻ thù. Trên sông Nhật Lệ, những cột nước đen ngòm tung lên dữ đội bởi đạn bom. Mẹ Nguyễn Thị Suốt vẫn hiên ngang cầm chắc tay chèo chở bộ đội sang sông, vận chuyển đạn từ bờ ra tàu chiến của ta để đánh trả quân thù. Những chuyến đò của mẹ cũng là đường dây thông tin liên lạc giữa thị xã Đồng Hới với bảo ninh. Dưới làn mưa bom bảo đạn của kẻ thù, mẹ cùng chiếc đò ngang đưa đón cán bộ, bộ đội, nhân dân qua lại đôi bờ. Không hình ảnh nào đẹp hơn một bà mẹ đã ngoài 60 tuổi mà vẫn bất chấp hiểm nguy, hiên ngang ngẩng cao đầu trước hàng loạt đạn bom của Mỹ luôn khống chế và ngăn chặn. Những người đã từng qua đò của mẹ trong những giờ phút nóng bỏng đó không thể không khâm phục trước lòng quả cảm, gan dạ của một bà mẹ đã biến căm thù thành hành động phi thường. Và cho đến nay, Những người đã từng trực tiếp chiến đấu và chứng kiến sáng 7 tháng 2 năm 1965 vẫn không thể lý giải và hiểu nổi vì sao giữa dòng Nhật Lệ nước sôi, đạn bỏng mà mẹ Suốt vẫn anh dũng xông pha và hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc đến thế: tiếp đạn cho hải quân ta đánh trả máy bay Mỹ, đưa thương binh vào bờ, chở bộ đội sang sông.

Chiến công của mẹ Suốt cùng bao chiến công thầm lặng khác của quân và dân Đồng Hới đã lập nên một kỳ tích vang dội chỉ trong hai ngày 7 và 8 tháng 2 năm 1965, quân dân Đồng Hới đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ; Từ ngày 14 tháng 2 đến ngày 28 tháng 4 năm 1965 - 5 tàu chiến Mỹ bị bắn chìm, bắn cháy tại biển Nhật Lệ - mở đầu cho thắng lợi rực rỡ của quân và dân ta.

Sau trận chiến đấu ác liệt ấy, con đò mẹ Suốt lại tiếp tục đưa đón cán bộ, bộ đội sang sông trong những ngày đánh Mỹ. Với những chiến công của mẹ, ngày 01 tháng 1 năm 1967, mẹ Nguyễn Thị Suốt đã được Đảng và Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, bị thua đau ở miền Nam, đế quốc Mỹ lại tăng cường đánh phá miền Bắc và Đồng Hới lại tiếp tục hứng chịu cảnh đạn bom. Ngày 11/10/ 1968 trong lúc làm nhiệm vụ mẹ Suốt đã anh dũng hy sinh bởi một trận bom đạn của kẻ thù.

Hình ảnh Mẹ Suốt được nhà thơ Tố Hữu khắc họa qua đoạn thơ:

“Một tay lái chiếc đò ngang 
Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày 
Sợ chi sóng gió tàu bay 
Tây kia mình đã thắng Mỹ này mình chẳng thua”.

Như là một bức tranh sinh động về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Hình tượng đó đã được nhân dân Quảng Bình, nhân dân cả nước biết đến như tấm gương tiêu biểu của bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bến đò mẹ chèo năm xưa đã trở thành một di tích lịch sử tiêu biểu ở Quảng Bình trong thời kỳ chống Mỹ với tên gọi thân thương, kính trọng: Bến đò mẹ suốt.

Di tích bến đò Mẹ Suốt nằm ở địa phận thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh (phía hữu ngạn) và gần chợ cá Đồng Hới (phía tả ngạn sông Nhật Lệ). Năm 1980, để tưởng nhớ và cảm kích về một người Mẹ anh hùng của quê hương, UBND thị xã Đồng hới đã cho xây dựng bia đài Mẹ Suốt nằm giữa trung tâm của bến đò để hàng ngày người dân Quảng bình đều được gần gủi bên hình tượng của Mẹ. Nơi đây, một ngày không xa, tượng đài Mẹ Suốt sẽ là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa của nhân dân địa phương trong tỉnh, là nơi vui chơi quây quần của các cháu thiếu nhi, là nơi để nhân dân cả nước khi thăm bến đò Mẹ Suốt năm xưa tỏ lòng ngưỡng mộ trước một bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Hôm nay, nếu có dịp đến Đồng Hới, mời bạn ghé thăm bến đò mẹ chèo năm nào, thăm làng Bảo Ninh, thăm dòng nhật Lệ. Bảo Ninh quê hương của Mẹ là một làng cát tuyệt đẹp nằm về phía Đông và Đông Nam thị xã Đồng Hới bên dòng Nhật Lệ thơ mộng. Dòng Nhật Lệ đổ về biển Đông và cùng biển Đông “ôm ấp” làng cát và tạo cho Bảo Ninh thành một “bán đảo” cát doi về phía biển. Dưới những rặng dừa sum sê trĩu quả, xen lẫn là những tầng nhà san sát như chồng lên nhau từ trên đồi cát đến xuống tận bờ sông. bảo ninh như nghiêng mình soi bóng xuống dòng sông Nhật Lệ lung linh huyền ảo. Khi mặt trời vượt lên qua đỉnh rặng dừa, ánh nắng trải trên dòng sông như dát vàng tạo thành một vệt dài lấp lánh, thuyền bè ngược xuôi tấp nập vào lộng ra khơi. Khi hoàng hôn buông xuống, Bảo Ninh như một hòn non bộ khổng lồ kiều diễm dưới ánh đèn rực rỡ. Phải nói rằng có Bảo Ninh, có Nhật Lệ càng tô thêm cho Đồng Hới một vẻ đẹp duyên dáng thơ mộng như một bức tranh thuỷ tú đã từng làm đắm say bao du khách.

Đã bao lần đứng trên bến đò Mẹ Suốt bên dòng Nhật Lệ ngắm nhìn Bảo Ninh nhất là vào những buổi bình minh, lòng ta rộn ràng xao xuyến sao mà yêu bến đò Mẹ Suốt thế!

(Nguồn: quangbinh.gov.vn)


Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *