Di tích lịch sử, văn hóa
Bến phà Quán Hàu
Di tích lịch sử Bến phà Quán Hàu, thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, di tích thuộc xã Lương Ninh và xã Võ Ninh, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Từ năm 1975-1990 di tích thuộc xã Lương Ninh và Võ Ninh, huyện Lệ Ninh, tỉnh Bình Trị Thiên.
Từ năm 1990 đến nay di tích thuộc thị trấn Quán Hàu và xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Trên quốc lộ 1A, di tích lịch sử Bến Phà Quán Hàu ở tại km 761-500, cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Bình 6 km về phía Nam. Di tích bến phà Quán Hàu, bờ Bắc thuộc xã Lương Ninh có kinh độ 1060 38’’ Bắc; vĩ độ 170 24’ 40’’, bờ Nam thuộc xã Võ Ninh có kinh độ: 1060 38’ Nam; vĩ độ 170 23’ 50’’.
Du khách đến với di tích bằng đường bộ hoặc đường thủy đều thuận lợi. Theo quốc lộ 1A từ Nam ra hay Bắc vào, du khách dừng chân ở km 761-500 là tới di tích. Hoặc đi bằng đường thủy từ cửa biển vào sông Nhật Lệ du khách ngược về phía thượng nguồn 7 km là có thể ghé thuyền đến thăm di tích. Đến với di tích bến phà Quán Hàu, ngoài việc thăm di tích, du khách có thể đi thuyền ngắm cảnh đẹp cửa biển, dòng sông, thăm cầu Quán Hàu - một cây cầu đẹp hiện đại. Hoặc có thể ghé thăm làng chiến đấu Quảng Xá, thôn chiến đấu Hiển Lộc, bến phà Long Đại v.v...
Quảng Bình là tỉnh dài và hẹp của miền Trung, có vị trí chiến lược quan trọng ở Liên khu IV. Trong kháng chiến chống Pháp, kẻ thù đã tập trung hải lục không quân đánh chiếm Quảng Bình, hòng chia cắt chiến trường miền Trung và cả nước, làm bàn đạp để mở rộng chiến tranh.
Nằm vào vùng đất eo thắt, hẹp nhất của đất nước, một vị trí quan trọng về quân sự và chính trị nên nhân dân Quảng Ninh luôn có ý chí kiên cường, dũng cảm và tài trí thông minh để thực hiện nhiệm vụ lịch sử đề ra. Với lòng yêu nước nồng nàn, với khát vọng thiết tha được sống trong độc lập tự do, nhân dân Quảng Ninh đoàn kết một lòng sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ hy sinh chiến đấu bảo vệ đất nước, bảo vệ quê hương.
Tại quốc lộ 1A đi qua Quảng Bình, thực dân Pháp cho xây bến phà Quán Hàu (vào năm 1886). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bến phà Quán Hàu là địa bàn nằm trong "vùng cán song’’ của quân khu IV. Bến phà Quán Hàu trở thành điểm ’’yết hầu’’, "huyết mạch", là cầu nối giao thông đặc biệt quan trọng trên tuyến quốc lộ 1A giữa hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam và nước bạn Lào, Cămpuchia. Bến phà còn là một trong những điểm vượt sông trọng yếu ác liệt của tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử.
Nhận rõ vị trí chiến lược vô cùng quan trọng của bến phà Quán Hàu cũng như bến phà Gianh, Long Đại, cán bộ chiến sỹ bến phà Quán Hàu đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân và lực lượng vũ trang nhân dân, vượt lên những thử thách khốc liệt gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình: Trong cuộc chiến tranh đánh phá ngày càng ác liệt của quân thù, nhân dân Quảng Ninh cũng như Quán Hàu từng bước trưởng thành, lớn mạnh đáp ứng kịp thời nhiệm vụ trên giao. Thực hiện đánh trả các cuộc tiến công bằng không quân, hải quân, lực lượng gián điệp biệt kích của địch, giữ vững sự ổn định để phát triển toàn điện trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội trong những năm tháng ác liệt nhất. Đồng thời, góp phần chi viện cho chiến trường, xứng đáng với truyền thống quê hương Quảng Bình ’’Hai giỏi’’.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, kẻ thù đã tập trung đánh phá với khối lượng bom đạn dày đặc dội xuống suốt ngày đêm hòng hủy diệt Quảng Ninh. Đế quốc Mỹ đã biến nơi đây thành một "tọa độ lữa’’ hòng chặn đứng nguồn lực từ hậu phương chi viện vào tiền tuyến, âm mưu chặt đứt "cuống họng’’ của mạch máu giao thông tại dãi đất Quảng Bình, mà trọng điểm là bến phà Quán Hàu. Hai bờ Bắc - Nam bến phà Quán Hàu là nơi địch tập trung bắn phá ác liệt, là ’’lòng chảo lữa’’ của máy bay và pháo hạm giặc Mỹ. Trên các tuyến đường giao thông hai bến phà I và II, cầu Dinh Thủy và xóm làng chìm trong khói lửa đạn bom.
Việc đảm bảo cho hệ thống giao thông thường xuyên thông suốt, ngoài sự nổ lực của đơn vị phà Quán Hàu phải kể đến sự phối hợp hoạt động của lực lượng dân quân du kích và nhân dân ở các địa phương hai bờ Bắc - Nam bến phà. Các xã Vĩnh Ninh, Lương Ninh, Võ Ninh... là nơi địch đánh phá ác liệt nhất. Nhưng với quyết tâm ’’Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu tiếc xương’’, mỗi người dân ở đây luôn luôn tự nguyện tháo dỡ nhà mình để san lấp hố bom khi cần thiết. Cho nên, không lúc nào xe, hàng hóa bị ùn tắc khi qua đây.
Trong cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt đầy thử thách hy sinh trên mặt trận giao thông, ở bến phà Quán Hàu xuất hiện ngày càng nhiều tập thể và cá nhân mà chiến công của họ đã đi vào lịch sử ngành Giao thông - Vận tải Quảng Bình. Trong rất nhiều tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của đơn vị phà Quán Hàu nỗi bật nhất là tấm gương Dương Đình Trữa, người chiến sỹ lái ca nô, không sợ hy sinh gian khổ, không tiếc máu xương đã nhiều lần rẽ sóng vượt thủy lôi đưa những chuyến phà vượt sông trước lúc trời sáng. Ngày 20/11/1966 đồng chí Dương Đình Trữa đã xung phong dẫn đầu dùng ca nô phá bom từ trường và thủy lôi mở đường cho phà chở đoàn xe qua sông. Thủy lôi nổ, đồng chí Dương Đình Trữa cùng 5 đồng đội nữa đã anh dũng hy sinh, 10 ngày sau mới tìm được xác. Tấm gương tận tuỵ, hy sinh của liệt sỹ Dương Đình Trữa đã động viên cổ vũ anh em toàn đơn vị vượt lên bom đạn, không quản nguy hiểm vì sự sống còn của bến phà Quán Hàu. Liệt sỹ Nguyễn Xảo quê ở Võ Ninh xung phong tình nguyện làm lễ ’’Truy điệu sống’’ và trở thành bất tử khi anh cùng đồng đội dùng xuồng cao tốc kích nổ hàng trăm quả bom, thủy lôi để thông tuyến phà.
Trong 8 năm chống chiến tranh phá hoại và chi viện cho chiến trường, bến phà Quán Hàu đã đưa hàng triệu chuyến phà, gần hai triệu lượt xe, vận chuyển hàng trăm triệu tấn hàng hóa, hàng chục vạn lượt bộ đội thanh niên xung phong và vũ khí trang bị kể cả xe pháo, tên lữa vượt sông vào các mặt trận. Đặc biệt đã chuyển một lượng vật chất và binh lực kịp thời phục vụ cho chiến trường phản công đường 9 - Nam Lào, chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, chiến dịch mùa xuân 1972 trên chiến trường Trị -Thiên và chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất tổ quốc. Đó là sự thể hiện ý chí kiên cường, quyết tâm cao độ, hành động dũng cảm và sáng tạo của những người phục vụ ở bến phà Quán Hàu.
Với những thành tích xuất sắc mà các cán bộ, chiến sỹ bến phà Quán Hàu đã đạt được trên mặt trận giao thông vận tải, Nhà nước đã tặng thưởng 01 Huân chương chiến công hạng nhất, 02 Huân chương chiến công hạng nhì. Ngày nay, sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đang làm thay da đổi thịt. Nơi đây năm 1996, Tổng Công ty xây dựng cầu Thăng Long, cán bộ, nhân dân Quảng Bình đã làm lễ khởi công xây dựng cầu Quán Hàu. Năm 2000, trên bến phà Quán Hàu lịch sử, một cây cầu vĩnh cữu hiện đại đã bắc qua sông kết thúc vai trò lịch sử của bến phà, nhưng những chiến công xuất sắc và sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sỹ phà Quán Hàu đã và đang được các thế hệ trong đơn vị không ngừng phát huy, tiếp tục lập những chiến công mới, trên mặt trận mới, để xứng đáng với sự hy sinh cống hiến của các thế hệ cha anh đi trước.
Từ những ngày thành lập, trải qua nhiều năm hoạt động với sự thay đổi vị trí bến phà cũ sang bến phà mới, qua chiến tranh tàn phá, thiên nhiên khắc nghiệt, di tích bến phà Quán Hàu hiện nay còn bến dẫn xe xuống phà, neo chằng phà. Đài ghi công các cán bộ, chiến sỹ bến phà Quán Hàu đã hy sinh anh đũng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Di tích lịch sử bến phà Quán Hàu có giá trị lớn trong việc góp phần nghiên cứu lịch sử phát triển của ngành Giao thông - Vận tải Quảng Bình nói riêng và ngành Giao thông - Vận tải Việt Nam nói chung. Di tích bến phà Quán Hàu là biểu tượng của sức mạnh tổng hợp các lực lượng tham gia chiến đấu phục vụ chiến đấu trong thế trận chiến tranh nhân dân ở Quảng Bình nói riêng, Việt Nam nói chung. Mặt khác, còn có giá trị trong việc giáo dục truyền thống chiến đấu lao động dũng cảm, kiên cường của quân và dân Quảng Bình.
(Nguồn: quangbinh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch