Di tích lịch sử, văn hóa

Cầu Tàu

Được khởi công xây dựng năm 1873, với phác thảo dài 107m, từ mép lộ trước cổng dinh chúa đảo ra vịnh Côn Sơn. Có người từng gọi cấu tàu bằng danh số 871; 914; 915 để tưởng nhớ số người đã chết trong lúc xây dựng Cầu Tàu. Những con số đó ít nhiều mang tính ước lệ.

Dấu ấn sâu lắng nhất đọng lại di tích lịch sử này trong hơn một thế kỷ qua chính là những phiến đá ngổn ngang, sắp lớp. Những tảng đá lớn hàng thước khối, nặng nhiều tấn kia đã làm kiệt quệ và đè nát bao nhiêu thân tù khi họ xeo chúng từ Núi Chúa vê đây. Không xeo được sẽ chết vì đòn, xeo được thì chết vì kiệt sức.
Cầu Tàu là nơi ghi dấu bước chân lưu đày đầu tiên của hàng chục vạn người tù lên hòn đảo tù này, với tất cả nỗi tủi nhục của trận đòn phủ đầu từ Cầu Tàu về trại giam. Hàng vạn người chỉ một lần đặt chân lên đây rồi vĩnh viễn nằm lại Hàng Keo, Hàng Dương, Cỏ Ống, Hòn Cau...

Cầu Tàu từng rợp bóng cờ đỏ sao vàng những ngày Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công ở Côn Đảo. Trên 2.000 tù chính trị đã từ đây trở về đất liền tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ và anh dũng. Một số người đã trở thành những đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta trong nhiều năm qua. Cuối năm 1954, thực dân Pháp cũng phải đưa gần 600 tù binh và trên 1.000 tù án qua Cầu Tàu về trao trả cho Chính phủ Hồ Chí Minh. Ngày 1/5/1975 tù chính trị đã chớp thời cơ, nổi dậy làm chủ hoàn toàn Côn Đảo chấm dứt vĩnh viễn hơn một thế kỷ “Địa ngục trần gian” nơi đây.

(Nguồn: baria-vungtau.gov.vn)

 

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *