Di tích lịch sử, văn hóa
Chiến khu Đ
Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa tên gọi
Danh từ “Chiến Khu Đ” chỉ vùng căn ra đời vào cuối tháng 2/1946. Khi thực dân Pháp chiếm đóng được quận lỵ Tân Uyên, thành lập chi khu. Tổng hành dinh Khu 7 và lực lượng vũ trang Biên Hòa, Thủ Dầu Một rút sâu vào rừng. Công tác xây dựng căn cứ được đặt ra một cách cấp thiết tại Hội nghị bất thường của khu bộ khu 7 ở Lạc An. Được hội nghị chấp thuận, việc xây dựng căn cứ được triển khai có hệ thống, các cơ quan, đơn vị, công xưởng… phân chia đóng từng khu vực. Mỗi khu vực đều có nhiều phương án di chuyển địa điểm tránh sự đột kích của quân Pháp và mang mật danh A, B, C, D (A là căn cứ giao thông liên lạc đóng ở Giáp Lạc, B là căn cứ hậu cần đóng ở Thường Lang, C là khu bộ đội thường trực đóng ở Ông Đội, D là khu Tổng hành dinh khu 7 đóng ở hố Ngãi Hoang).
Từ đấy, chiến khu Đ trở thành căn cứ địa của chiến khu 7 – một tổ chức hành chính – quân sự của các tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa và thành phố Sài Gòn, do Trung tướng Nguyễn Bình được chỉ định làm Khu trưởng và Trần Xuân Độ làm chính trị ủy viên khu. Ban đầu, Đ là mật danh chỉ tổng hành dinh của khu 7 nằm trong hệ thống các vị trí căn cứ của khu. Dần dần về sau, mật danh Đ được dùng để chỉ luôn cả vùng chiến khu rộng lớn ngày càng phát triển ở miền Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên có nhiều người cho rằng chữ Đ ở đây mang ý nghĩa là “đỏ”, hàm ý là vùng chiến khu cách mạng kiên cường, tập trung những cơ quan đầu não kháng chiến quan trọng, một “địa chỉ đỏ” của cả nước. Hoặc chữ Đ là viết tắt địa danh Đất Cuốc, nơi bộ đội Huỳnh Văn Nghệ khởi cứ đầu tiên, tập hợp lực lượng. Hoặc chữ Đ là viết tắt chiến khu Đồng Nai, chiến khu miền Đông, chiến khu Đầu tiên…
Phạm vi
Thời kỳ chín năm chống Pháp, Chiến Khu Đ được hình thành khởi đầu vào tháng 2/1946, chủ yếu từ hạt nhân 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An thuộc quận Tân Uyên tỉnh Biên Hòa – Nay thuộc tỉnh Bình Dương. Từ năm 1948, trở đi, Chiến Khu Đ được mở rộng ra, phát triển mãi lên phía Bắc và Đông Bắc. Dù vậy, phạm vi chủ yếu của nó nằm trên vùng đất: Tây giáp đường 16 đoạn từ thị trấn Tân Uyên lên Cổng xanh; bắc giáp Sông Bé đoạn từ cầu Phước Hòa lên Chánh Hưng, đông vẫn giáp Sông Bé đoạn từ Chánh Hưng đến ngã ba Hiếu Liêm và nam giáp sông Đồng Nai đoạn từ ngã ba Hiếu Liêm về thị trấn Tân Uyên..
Sang thời kỳ chống Mỹ, do đặc điểm về quy mô của cuộc chiến tranh, từ phạm vi chiến khu cũ (chủ yếu nằm trên địa bàn Tân Uyên), trung tâm căn cứ chuyển dần lên phía đông bắc. Đến đầu năm 1975, căn cứ được xây dựng hoàn chỉnh, phạm vi phát triển đến mức cao nhất. Toàn bộ căn cứ địa nằm ở phía bắc sông Đồng Nai, phía tây giáp địa giới hai tỉnh Bình Long và Phước Long cũ, phía bắc giáp biên giới Việt Nam – Căm-Pu-Chia và phía đông giáp địa giới ba tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đắc Lắc hiện nay kéo về rừng Cát Tiên phía thượng nguồn sông Đồng Nai bên hữu ngạn.
Đặc điểm, vai trò
Nằm trong hệ thống rừng núi phía bắc miền Đông Nam Bộ, địa hình hiểm trở, Chiến Khu Đ là một khu vực lý tưởng cho việc xây dựng căn cứ, nơi cất giấu lực lượng, cất giữ kho tàng và phát triển mọi mặt của một căn cứ địa kháng chiến. Lưng dựa vào Trường Sơn và vùng rừng núi miền nam Đông Dương, dính với một phần đoạn cuối đường Hồ Chí Minh, phía trước lấn sát vùng đồng bằng đông dân cư và các khu đô thị lớn, chiến Khu Đ còn là một vị trí án ngữ chiến lược, nối nhiều chiến trường với nhau, là một trong những địa điểm liên lạc, tiếp nối, trung chuyển quan trọng từ hậu phương miền Bắc vào miền Nam. Hơn nữa, với ưu thế tiếp cận các đường giao thông chiến lược, các đô thị lớn và trung tâm sào huyệt địch - thành phố Sài Gòn, Chiến khu Đ có ưu thế là một bàn đạp quân sự tiến công vào mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế của địch ở Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Chiến khu Đ được coi là trung tâm kháng chiến, là nơi ra đời và phát triển của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ như tiểu đoàn 800, trung đoàn 762, sư đoàn 9, sư đoàn 5… Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, là nơi tập kết của lực lượng quân đoàn 1, quân đoàn 4 trước khi tiến về giải phóng Sài Gòn. Tên Chiến khu Đ gắn liền với những chiến thắng vang dội trong lịch sử chống ngoại xâm của quân và dân Miền Đông Nam Bộ (thắng Lạc An, Tân Uyên, chiến thắng Phước Thành, Đất Cuốc, Đồng Xoài, Phước Long…). Sự tồn tại và phát triển của nó đã góp phần vào thắng lợi chung của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Về phương diện chính trị, tinh thần, Chiến khu Đ tồn tại như một biểu tượng của cuộc kháng chiến, tiêu biểu cho ý chí, sức mạnh tinh thần của toàn dân, là nguồn hy vọng, là niềm tin của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn miền Đông Nam Bộ.
Giờ đây, Chiến khu Đ xưa là một vùng đất sôi động của những cánh đồng lúa ven sông, những nông trường cao su trải rộng, những lâm trường bạt ngàn, những nhà máy và công trình thủy điện. Hàng vạn đồng bào từ khắp mọi miền của đất nước đã về đây xây dựng những trung tâm kinh tế mới. Dấu tích của một căn cứ kháng chiến tồn tại trong gần một phần ba thế kỷ đang dần mờ nhạt trước những chuyển đổi lớn lao của cuộc sống mới. Tuy nhiên, chiến khu Đ với nội dung lịch sử và những bài học kinh nghiệm của nó thì không hề mất đi mà còn lại mãi mãi.
Khu tưởng niệm chiến khu Đ với diện tích hơn 30ha sẽ được xây dựng trên mảnh đất Tân Uyên anh hùng, sẽ ghi lại những chiến công vang dội của Chiến khu Đ oai hùng năm xưa.
(Nguồn: www.binhduong.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch