Di tích lịch sử, văn hóa
Chiến khu Thuận Đức
Trên đường Hồ Chí Minh ngày nay, đoạn đi qua Quảng Bình, tới trụ sở UBND xã Thuận Đức - thị xã Đồng Hới, về phía Nam chừng 2 km, du khách rẽ theo đường liên xã đi vào công trình thủy nông hồ Phú Vinh là đến di tích Chiến khu Thuận Đức - căn cứ địa đầu tiên của Tỉnh ủy, Ủy ban Hành Chính Kháng chiến tỉnh Quảng Bình thời kỳ 1947.
Trong thời Chúa Nguyễn, dân hai làng Thuận Lý và Đức Phổ khai khẩn đất hoang ở khu rừng phía Tây thị xã Đồng Hới, lập ra một cái xóm gọi là xóm Thuận Đức, được nhà nước Phong kiến công nhận là làng Thuận Đức. Sau Cách mạng Tháng Tám, Thuận Đức thuộc xã Trấn Ninh; đến thời kỳ cải cách ruộng đất năm 1956, Trấn Ninh chia thành hai xã nhỏ Nghĩa Ninh và Đức Ninh, Thuận Đức thuộc xã Nghĩa Ninh. Năm 1965, Thuận Đức thuộc vùng đất của phường Đồng Sơn và kể từ ngày 14/7/1998 đến nay Thuận Đức được tách ra, thành lập xã riêng gọi là xã Thuận Đức.
Thuận Đức là một vùng bán sơn địa, nằm sâu trong rừng rậm rộng lớn, cách thị xã Đồng Hới 12 km về phía Tây, lưng dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, có đường thượng đạo Bắc - Nam đi qua, địa bàn hoạt động rộng nằm trong thế hiểm trở thuận lợi cho việc tiến công và phòng ngự. Do đó địch không thể tiến đánh một cách dễ dàng. Ngoài ra, Thuận Đức có vùng đất rộng trồng hoa màu để cung cấp lương thực cho kháng chiến. Mặt khác, Thuận Đức là một xóm nghèo được hình thành bởi những cư dân đói khổ bị bọn cường hào áp bức bóc lột không sống được ở những làng ngoại ô thị xã di cư đến. Vì vậy, người dân ở đây một lòng tin vào Đảng, đi theo Đảng. Thuận Đức là nơi địa lợi, nhân hòa để Tỉnh ủy Quảng Bình xây dựng căn cứ địa thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thời kỳ đầu chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tỉnh ủy đã có quyết định đúng đắn là cho sáp nhập ba xã Hưng Ninh, Trấn Ninh, Vĩnh Ninh vào Đồng Hới do thị xã Đồng Hới quản lý toàn diện, nhằm mở rộng địa bàn hoạt động của thị xã ra vùng ngoại ô rộng lớn, có địa hình rừng núi ở phía Tây để xây dựng căn cứ làm chỗ dựa, tăng thêm sức người, sức của cho cuộc kháng chiến lâu dài. Ủy ban Kháng chiến tỉnh giao cho Ủy ban Kháng chiến thị xã Đồng Hới lập chiến khu Thuận Đức làm căn cứ địa cho bộ phận lãnh đạo tiền phương của Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến tỉnh trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến.
Chiến khu Thuận Đức được chia thành 3 vùng:
+ Vùng ngoài: Được gọi là cửa ngõ của chiến khu, ở đây lực lượng dân quân tự vệ vừa canh gác vừa chiến đấu ngăn chặn địch tấn công lên chiến khu.
+ Vùng giữa: Là vùng các cơ quan hành chính, quân sự đóng; ở đây có chợ, trường học, có trạm liên lạc, có trạm xá.
+ Vùng trong cùng: Là vùng dân cư di tản vừa ở vừa trồng trọt.
Ở vòng ngoài chiến khu có chợ kháng chiến để cho dân ’’vùng dưới" đưa cá, mắm, gạo, khoai... trao đổi hàng hóa với dân ’’vùng trên’’ và chủ yếu tiếp tế cho chiến khu.
Chiến khu Thuận Đức sôi động bởi lán trại dân, lán trại của cơ quan hành chính, quân sự, kho tàng, bệnh viện dã chiến, lập chợ. Ủy ban kháng chiến thị xã còn mở trường học, ban đêm mở lớp bình dân học vụ, ban ngày dạy học sinh tiếp tục chương trình giáo dục, lực lượng dân quân tự vệ vừa luyện tập, vừa tăng gia sản xuất. Chiến khu còn là nơi đóng quân của Ban chỉ huy tiểu đoàn 274, Đại đội cảnh vệ chiến đấu thị xã; là trạm đón tiếp, nghĩ chân của các đoàn khách Trung ương, các đơn vị bộ đội vào Nam hay ra Bắc, là trạm tiếp đón các thương binh dừng chân trước khi chuyển ra tuyến sau. Tại đây, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến đã chỉ đạo trực tiếp thị xã Đồng Hới, các huyện, các đơn vị bộ đội, các cơ quan vừa tổ chức chiến đấu tiêu hao sinh lực địch, vừa củng cố và xây dựng lực lượng kháng chiến lâu dài. Đặc biệt, tại chiến khu Thuận Đức đã diễn ra Hội nghị cán bộ Đảng bộ tỉnh Quảng Bình.
Sau khi chiếm được Đồng Hới và đóng chốt ở các điểm xung quanh thị xã, địch tăng cường mở các đợt càn quét đốt phá các làng lân cận, lùa dân về thị xã. Mục tiêu hoạt động quân sự của địch ở thị xã lúc này là bao vây tìm diệt cơ quan chỉ đạo kháng chiến của ta ở chiến khu Thuận Đức. Hàng ngày chúng dùng máy bay và pháo lớn bắn vào chiến khu. Nhiều đợt quân địch tiến lên Thuận Đức thiệt hại, khiến chúng phải dè dặt trong các đợt hành quân cướp phá. Có lần với hỏa lực mạnh, địch đã xông lên Rẫy Cau (vòng ngoài chiến khu Thuận Đức) đốt trạm xá, đốt chợ kháng chiến, đốt lán trại của một số dân cư gây nên một số tổn thất.
Hơn một tháng xảy ra chiến sự, quân Pháp đã chiếm vùng đồng bằng thị xã, lực lượng kháng chiến của ta theo kế hoạch phòng ngự từ lúc đầu, cũng dần rút lên vùng núi. Trước tình thế đó, đầu tháng 5/1947, Tỉnh ủy họp mở rộng tại chiến khu Thuận Đức bàn việc ổn định tình hình, củng cố lực lượng kháng chiến trong tỉnh. Hội nghị chủ trương cho dân hồi cư, một số đảng viên và du kích cũng phải về sống trong dân, chuẩn bị xây dựng cơ sở kháng chiến lâu dài.
Sau Hội nghị tháng 5, ngày 12/8/1947 Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Tỉnh Đảng bộ ở chiến khu Thuận Đức. Hội nghị đã đánh giá sâu sắc cụ thể tình hình hoạt động của ta, những thủ đoạn của địch bao gồm cả Pháp và ngụy và các Đảng phái phản động, Hội nghị kiểm điểm tất cả các mặt chính trị quân sự, kinh tế, xã hội văn hóa, giáo đục, giao thông vận tải tiếp tế liên lạc v.v... của mỗi huyện, thị, ban ngành và đoàn thể trong tỉnh; Hội nghị kỷ luật nghiêm khắc đối với một số đồng chí phạm sai lầm trong công tác vận động quần chúng trừ gian diệt tề ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Hội nghị quyết định sáp nhập thị xã Đồng Hới với huyện Quảng Ninh và dời chiến khu của tỉnh từ Thuận Đức ra Tuyên Hóa, biểu hiện sự nhạy bén, sáng suốt nhanh chóng nắm bắt tình hình của tỉnh trong việc chỉ đạo phong trào. Quyết định của Tỉnh ủy làm cho hậu phương Đồng Hới được mở rộng, sức người sức của dồi dào, làm cho kẻ địch khó bao vây cô lập. Chiến khu của tỉnh ở Tuyên Hóa dễ liên lạc với vùng tự do Nghệ An, Hà Tĩnh, gần sự lãnh đạo của khu ủy và xây dựng tiềm lực về mọi mặt để kháng chiến lâu dài.
Nghị quyết tháng 8 năm 1947 của Tỉnh ủy Quảng Bình thực sự là một bước chuyển hướng có tính chất quyết định cho hành động cách mạng của Đảng bộ Quảng Bình. Những chủ trương của Hội nghị cũng là một trong những nội dung chính của Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ nhất được khai mạc ngày 6-1-1948 tại hang Đại Hòa (Tuyên Hóa). Hội nghị tổng kết thành tích ưu, khuyết điểm trong một năm lãnh đạo kháng chiến; biểu dương các làng xã chiến đấu, đồng thời khẳng định chủ trương kháng chiến của Đảng bộ là đúng đắn. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Hội nghị cán bộ Đảng ngày 12-8-1947 tại Thuận Đức và sau này chính mảnh đất Thuận Đức đã gợi hướng cho thị xã ’’Tây Tiến’’ lần thứ hai vào đầu năm 1965 tạo nên phường Đồng Sơn, một thời là tỉnh lỵ tỉnh Quảng Bình trong những năm chống Mỹ cứu nước.
Năm 1998, Quốc hội quyết định thành lập phường Thuận Đức đã thể hiện được ’’ý Đảng lòng dân’’. Người dân Thuận Đức hôm nay có quyền tự hào đã góp phần vào những chiến công oanh liệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thuận Đức quyết tâm khắc phục mọi khó khăn ’’vùng sâu vùng xa trong lòng thị xã’’ tạo được sức bật mới để cùng toàn thị xã và toàn tỉnh Quảng Bình bước vào xây dựng cuộc sống mới.
Hiện nay, phần lớn di tích đã chìm sâu trong lòng hồ Phú Vinh-một công trình hủy nông hiện đại, là nơi cung cấp nguồn nước uống cho thị xã Đồng Hới trong tương lai. Vì thế, di tích chỉ còn lại là dấu tích địa điểm, nằm trên đồi Thuận Phong có diện tích 10.000m2.
Chiến khu Thuận Đức chỉ sau hơn 5 tháng tồn tại đã ghi lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử kháng chiến của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Đây là nơi lưu giữ nhiều sự kiện quan trọng của một căn cứ địa kháng chiến đầu tiên của tỉnh ta trong thời kỳ đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là bước chuẩn bị cho việc thành lập chiến khu lâu dài của tỉnh Quảng Bình ở Tuyên Hóa, để thực hiện cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp giành thắng lợi cùng với khúc khải hoàn tháng 5 năm 1954 lịch sử.
(Nguồn: quangbinh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch