Di tích lịch sử, văn hóa
Chiến thắng Giồng Dứa
Chiến thắng Giồng Dứa là di tích lịch sử cách mạng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta trong giai đoạn 1945-1954.
Chính tại nơi đây trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, quân và dân Mỹ Tho (Tiền Giang) dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Văn Trà Khu Bộ trưởng Khu 8, đánh tiêu diệt đoàn xe Công voa và đoàn xe của chính phủ bù nhìn Nam Kỳ tự trị ngày 25 tháng 04 năm 1947.
Quân ta đã phá huỷ 14 xe, diệt 80 tên trong đó có tên Trocard-đại tá chỉ huy tình báo, bắt sống 07 tên có kỷ sư Lefouse, tên đốc phủ Bích và Trương Vĩnh Khánh-Bộ trưởng của chính phủ Nam Kỳ tự trị. Ta hy sinh 01 đồng chí Nguyễn Doãn Bảy-đại đội trưởng. Cảm xúc trước chiến thắng này, hoạ sĩ Diệp Minh Châu tự lấy máu tay mình vẽ chân dung Bác Hồ kính yêu trên mãnh lụa để tặng Người.
Theo đánh giá của Phòng khoa học lịch sử quân sự quân khu 9: “Chiến thắng Giồng Dứa (Mỹ Tho) là một trong những trận tiêu diệt tiêu biểu ở nước ta trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến. Là những trận tiêu diệt địch lớn có tác dụng thối động hàng ngũ địch góp phần làm thất bại âm mưu bình định Nam Bộ (đồng bằng sông Cửu Long) của giặc Pháp và thúc đẩy khí thế đấu tranh cách mạng tạo được sự tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân từ địa phương đến cả nước.
Chiến thắng Giồng Dứa đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang ta nói chung cả về trình độ nghệ thuật tác chiến, chỉ huy, sử dụng lực lượng, bố trí thế trận của cuộc chiến tranh nhân dân. Đồng thời khẳng định tinh thần chiến đấu anh dũng mưu trí của cán bộ chiến sĩ địa phương sẵn sàng vùng lên bảo vệ độc lập, tự do của tổ quốc theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng và Hồ Chủ Tịch”.
Năm 1985 Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang xây dựng tại đây 01 tượng đài chiến thắng gồm: tượng tròn và phù điêu mô tả trận đánh do hai nhà điêu khắc Đỗ Như Cẩn và Phạm Mười tạo mẫu, đồng chí Thượng tướng Trần Văn Trà làm cố vấn tượng đài mô tả lại cảnh chiến đấu đốt xe địch của quân ta bằng 3 thứ quân, với nhân vật được thể hiện: nữ dân quân, vệ quốc quân và một nông dân thổi tù và.
Năm 2000 do nhu cầu mở rộng quốc lộ I, tượng đài đã được quy hoạch tôn tạo lại và di dời vào trong 40m, xây dựng trong một khuôn viên gần 1 ha (8826m2) với các hạng mục công trình như: công viên, vườn hoa, cây cảnh, hồ cảnh bao bọc chung quanh. Tượng đài và phù điêu chất liệu bêtông cốt thép cao 7m dài 24 m.
Di tích Giồng Dứa được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2003./.
(Nguồn: tiengiang.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch