Di tích lịch sử, văn hóa
Chiến thắng Xuân Bồ
Trên đường quốc lộ 1A qua địa phận tỉnh Quảng Bình, từ ngã ba Cam Liên, đi theo hướng Tây Nam khoảng 7km đến Trung tâm huyện Lệ Thủy. Từ đó đi qua cầu chợ Tréo đến thôn Xuân Bồ - xã Xuân Thủy - huyện Lệ Thủy. Hơn 55 năm trước, trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng này đã xảy ra một trận chiến quyết liệt giữa ta và quân Pháp, đó là chiến thắng Xuân Bồ (20-5-1950).
Xuân Bồ - vùng đất màu mỡ phì nhiêu như bao vùng đất khác của huyện Lệ Thủy đã đi vào ca dao ’’Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện’’: Là vựa thóc lớn thường xuyên cung cấp nguồn lương thực cho các chiến trường trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Chính vì vậy, năm 1947, sau khi nổ súng quay trở lại đánh chiếm Quảng Bình, thực dân Pháp đã nhanh chóng đánh chiếm các huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, tìm mọi cách cướp phá, tàn sát, khủng bố nhân dân nhằm cắt đứt nguồn tiếp tế lương thực cho các chiến trường. Chúng đã đưa ra những khẩu hiệu hết sức thâm độc: ’’Ai giành được mùa là kẻ ấy chiến thắng’’, và chúng tiến hành cuộc ’’chiến tranh lúa gạo".
Để đối phó với âm mưu hết sức xảo quyệt của kẻ thù, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bình - Trị - Thiên quyết định mở chiến dịch Lê Lai và chiến dịch Thu Đông 1949. Nội dung của các chiến dịch này là giao cho bộ đội chủ lực cùng với bộ đội địa phương mở rộng và củng cố căn cứ đồng bằng mà trọng điểm là hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, quyết không để hạt thóc nào rơi vào tay kẻ thù. Để thực hiện chiến dịch, Bộ tư lệnh cũng đã tăng cường cho hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, Trung đoàn 18 và Trung đoàn 95 thuộc Sư đoàn 325. Trung đoàn 18 được bố trí đóng quân ở thôn Xuân Bồ.
Có sự tăng cường của các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương cùng với sự phát triển nhanh và mạnh của các lực lượng dân quân du kích, trên khắp các chiến trường trong tỉnh, ta liên tiếp giành thắng lợi, bẻ gãy các trận càn của quân Pháp, tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch.
Trước tình hình lớn mạnh về mọi mặt của ta, quân Pháp đã gấp rút tăng cường thêm quân ngụy, tập trung quân Pháp và Âu - Phi, nhanh chóng xây dựng thành khối ứng chiến ở vùng đồng bằng vùng Bình - Trị - Thiên. Để thực hiện được kế hoạch đó, quân Pháp đã điều binh đoàn ứng chiến Âu -Phi, Spha-hy 6 từ đồng bằng Bắc Bộ vào Bình -Trị - Thiên. Đây là binh đoàn Âu Phi khét tiếng gian ác, được báo chí Pháp khoe khoang là “rất thiện chiến” và “chưa gặp đối thủ”. Đang thua đau nên chúng tìm mọi cách để tiêu diệt quân ta. Chúng thẳng tay càn quét, phá hoại mùa màng, thu và phá hết thóc lúa nhằm “đánh thẳng vào dạ dày quân chủ lực Việt Minh”.
Ngày 15-9-1950, Trung đoàn 18 cùng với nhân dân xã Xuân Thủy tổ chức mít tinh kỷ niệm 60 năm ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu và liên hoan quân dân mừng chiến thắng. Nhận được tin này, tướng Lơ -Brít của Pháp từ Thừa Thiên Huế đã lên máy bay ra Đồng Hới, trực tiếp chỉ huy cuộc càn quét hòng tiêu diệt Trung đoàn 18. Binh đoàn Spha-hy 6 cũng được huy động đến 1.200 tên. Các đồng chí Phùng Duy Phiên, Quang Minh, Tống Thái đã lập tức cho giải tán cuộc mít tinh để chuẩn bị chống càn. Bộ chỉ huy trận đánh đã xác định đây là trận đánh không cân sức giữa ta và địch. Địch quá đông và mạnh với nhiều loại vũ khí hiện đại. Lực lượng của ta chỉ bằng 1/10 lực lượng của địch nhưng không vì thế mà ta nao núng tinh thần. Quân và dân ta vẫn quyết tâm đánh địch đến cùng, bảo vệ mùa màng. Trận đánh diễn ra hết sức quyết liệt. Sau nửa ngày, ta từ thế phòng ngự chuyển sang thế tấn công, đánh giáp la cà, giằng co quyết liệt với địch. Cuối cùng, sau 13 giờ đồng hồ, bằng sự mưu trí, dũng cảm, tinh thần quyết chiến quyết thắng và sự hy sinh cao cả, Trung đoàn 18 và nhân dân địa phương đã tiêu diệt và làm bị thương 500 tên địch, thu nhiều vũ khí, quân trang. Quân địch khiếp sợ phải lui dần, thừa thắng, ta tiếp tục truy kích tiêu diệt địch, không cho chúng chạy thoát.
Từ trong cuộc chiến đấu quyết liệt với địch đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó là chiến sĩ Bảy, đến lúc hy sinh, hai tay vẫn nắm chặt khẩu súng gãy báng trong tư thế vùng lên tiêu diệt địch. Chiến sĩ Tâm đến lúc ngừng thở hai tay vẫn không rời cổ tên lính Pháp. Anh hùng Lâm Úy, sau khi dùng lưỡi lê đâm chết hàng chục tên lính Pháp, lê gãy anh lại dùng báng súng đập chết thêm mấy tên nữa. Cuối cùng, bên bờ sông Kiến Giang, anh đã hy sinh trong tư thế hai tay vẫn xiết chặt cổ tên sĩ quan Pháp như dồn tất cả sự căm hờn.
Sau trận đánh này, tập thể cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325 đã được Quốc hội, Chính phủ tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Trung đoàn 18 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì. Riêng anh hùng Lâm Úy được truy tặng đanh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Chiến thắng Xuân Bồ vang dội là đòn đánh đích đáng vào bọn lính Spha-hy kiêu ngạo, chấm dứt huyền thoại “chưa từng gặp đối thủ” của chúng. Chiến thắng đã minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta về sự kết hợp ba thứ quân, biết tạo thời cơ, mở những trận đánh quyết định để thay đổi cục diện trên chiến trường. Chiến thắng cũng đã góp vào kho tàng lý luận quân sự của ta về đường lối chiến tranh nhân dân chống lại âm mưu của địch hòng phá cơ sở kinh tế của ta. Đồng thời, chiến thắng Xuân Bồ cũng đã thể hiện được tinh thần xả thân vì dân, vì nước, thể hiện lòng quả cảm, sự hy sinh cao cả biết dựa vào dân, vì dân mà chiến đấu của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Trận Chiến thắng Xuân Bồ là nguồn động viên, cổ vũ tinh thần hết sức lớn lao và kịp thời, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ và chiến sỹ ta trên các chiến trường, đặc biệt là chiến trường Bình - Trị - Thiên khói lửa, góp phần làm nên thắng lợi chung của toàn dân tộc.
Hiện nay, di tích lịch sử Chiến thắng Xuân Bồ thuộc thôn Xuân Bồ, xã Xuân Thủy. Di tích lịch sử là một quần thể bao gồm ba địa điểm:
- Nơi diễn ra trận đánh giáp la cà giữa quân đội Pháp và bộ đội Trung đoàn 18.
Sau Chiến thắng Xuân Bồ, để ghi công các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, nhân dân Xuân Bồ và Trung đoàn 18 đã xây dựng nghĩa trang Xuân Bồ ngay tại cánh đồng nơi xảy ra trận đánh. Nghĩa trang đã mai táng thi hài của 60 liệt sỹ đã hy sinh anh dũng. Hiện nay, mộ các liệt sĩ đã được chuyển về nghĩa trang huyện Lệ Thủy, nghĩa trang Xuân Bồ chỉ còn lại đài liệt sỹ. Trải qua thời gian và chiến tranh, hiện nay đài liệt sỹ có phần bị hư hỏng và xuống cấp.
- Nơi đơn vị Lâm Úy chiến đấu quyết tử và Lâm Úy đã hy sinh:
Từ đài liệt sỹ, theo đường liên thôn đi về phía Đông Nam chừng 200m là đến di tích. Đây là một khu đất cao sát bờ sông Kiến Giang. Hiện nay, nhân dân đã xây dựng bia tưởng niệm anh hùng Lâm Úy chính tại nơi anh đã hy sinh.
- Bến Nậy (Bến Vượt):
Từ bia tưởng niệm anh hùng Lâm Úy, theo hướng Đông Bắc khoảng 300m là đến di tích. Bến Nậy là nơi nhân dân dùng thuyền đưa bộ đội từ Uẩn Áo sang Xuân Bồ để tiếp sức cho trận đánh. Hiện nay được sự quan tâm của Nhà nước, Trận chiến thắng Xuân Bồ được dựng bia tưởng niệm ghi khắc chiến công oai hùng của quân và dân ta, nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau.
(Nguồn: quangbinh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch