Di tích lịch sử, văn hóa
Chợ Giữa Vĩnh Kim
Cách thành phố Mỹ Tho 20km về phía Đông, cách quốc lộ 1A 6km về phía Bắc. Do ở vị trí trung tâm thị tứ, cạnh đường 876 nên quí khách đến di tích bằng ôtô rất thuận lợi.
Tại Chợ Giữa, sáng ngày 05 tháng 12 năm 1940 nhân dân các làng lân cận một số đổ về đây họp chợ, một số do địch ruồng bố gắt gao khắp nơi cũng về đây tránh bom đạn. Vào giờ cao điểm chợ họp đông đúc đồng bào, giặc đã cho máy bay ném bom giữa chợ, bom nổ làm chết, bị thương khoảng 200 người trong số đó có nhiều phụ nữ đang mang thai gần ngày sinh khiến cho các bào thai văng ra ngoài bụng mẹ.
Ném bom xong giặc Pháp xua quân bao vây chợ bắt những người còn sống sót kéo xác những người đã chết ném xuống hố bom không cho thân nhân, gia đình người bị nạn đem xác về chôn. Trong số đó, có người bị thương chưa chết giặc vẫn cho chôn sống. Dưới sông gần chợ ghe xuồng của nhân dân đi lại chúng bắn giết bừa bãi, xác chết trôi đầy sông, máu loan đỏ cả một đoạn sông. Hơn 10 ngày sau, vì quá hôi thối nhân dân quanh chợ đấu tranh, địch mới cho thân nhân, gia đình đem xác về chôn nơi khác.
Theo báo cáo của tên chủ tỉnh Dufous từ ngày 3 đến 5 tháng 12 năm 1940 trong đợt càn quét thực hiện mệnh lệnh số 1, chúng đã bắt 400 người và từ ngày 6 tháng 12 đến cuối tháng 12 năm 1940 bắt thêm 2.500 người. Tổng cộng trong vòng 01 tháng chúng bắt 2.900 người dân vô tội.
Di tích Chợ Giữa Vĩnh Kim là di tích lịch sử cách mạng nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp xâm lược đối với nhân dân ta nói chung và nhân dân Mỹ Tho (Tiền Giang) nói riêng. Qua sự kiện cho chúng ta thấy dã tâm của kẻ xâm lược lúc nào cũng rêu rao đi khai phá văn minh nhưng hành động dã man hơn thời trung cổ. Tại di tích này, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng một tượng đài với chất liệu bằng đồng, cao 8 mét, biểu tượng một phụ nữ một tay bồng con, một tay cầm cây đòn gánh bị gãi với những đường nét mạnh mẽ, đầy căm thù, phía sau tượng đài là tranh gốm sứ tái hiện cảnh thảm sát năm xưa, phía trước là công viên được trồng cây cảnh, kiểng rất đẹp mắt. Di tích Chợ Giữa Vĩnh Kim nằm trong khu tam giác giữa các di tích Rạch Gầm-Xoài Mút; di tích Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đình Long Hưng); di tích Chiến thắng Ấp Bắc, do đó rất thuận tiện cho tuol du lịch khi quí khách đến tham quan khu tích Chợ Giữa Vĩnh Kim.
Hằng năm vào ngày 05 tháng 12, Mặt trận Tổ quốc xã Vĩnh Kim cùng các Đoàn thể của xã tổ chức mít tinh kỷ niệm, có đông đảo đồng bào các xã lân cận và các gia đình nạn nhân trong vụ thảm sát về dự. Di tích Chợ Giữa Vĩnh Kim được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhân là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia năm 2003./.
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch