Di tích lịch sử, văn hóa

Chùa Bát Tháp

Chùa Bát Tháp nằm ở phố Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, còn có tên là chùa Vạn Bảo. Chùa được xây dựng từ rất lâu đời trên núi Vạn Bảo, một ngọn núi thấp ở kinh thành Thăng Long vào thời Lý Trần.

Kết quả khai quật khảo cổ học sau chùa đã tìm thấy nhiều di vật thời Lý, Trần. Đến năm Gia Long thứ 2 (1803), dân làng Vạn Phúc đã hợp nhất chùa núi Voi và chùa Vạn Bảo để xây dựng nên ngôi chùa. Vì chùa có “ngọn tháp để hình bát” nên được đặt tên là chùa Bát Tháp.

Chùa Bát Tháp nằm trên một khu đất cao theo hướng Nam, có một khuôn viên rộng rãi, thoáng đạt. Tam quan của chùa khá đồ sộ, xây hai tầng tám mái với lối vào được tạo dựng theo hai dạng thức khác nhau. Cửa chính có bề mặt hình chữ nhật, phần dưới mở vòm cửa lớn trông thẳng vào Tiền đường. Tầng trên mở nhiều cửa nhỏ trông ra bốn phía. Hai bên cửa được xây giống nhau trên trổ những cửa tròn “sắc - không” theo giáo lý đạo Phật. Tiền đường có quy mô lớn gồm có 7 gian, 2 dĩ, hàng hiên trước khá rộng do mái chảy dài. Ngoài hiên là hệ thống cột đá hình hộp chữ nhật được mài nhẵn, trên đá khắc những vế câu đối ca ngợi công đức nhà Phật và cảnh đẹp của chùa cùng những trang trí hình long, ly, quy, phượng. Sau chùa là nhà thờ Tổ và khu vườn rộng. Hậu cung gồm 3 gian, được làm theo kiểu “chồng rường, giá chiêng”. Trên các xà thượng và hạ đều treo hệ thống y môn, cửa võng, hoành phi… góp phần cho ngôi chùa thêm vẻ lộng lẫy.

Về nội thất, các bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu “thượng chồng rường, giá chiêng, hạ kẻ”. Ở đây, các con rường được chạm nổi hình lá ba chẽ, nét chạm sâu và nổi khối tạo cảm giác khoẻ, vững chãi cho kiến trúc. Trên những bức cốn, hình rồng cuốn thuỷ, rồng ổ, hổ phù cùng cây cỏ… được thể hiện với hình thức chạm nổi, phần nào đã làm giảm bớt vẻ khô cứng của khối kiến trúc gỗ.

Hệ thống tượng tròn trong di tích gồm hai loại khác nhau: tượng Phật và tượng Mẫu, được làm bằng chất liệu gỗ và đồng. Niên đại tạo tác cũng không đồng nhất, một số ít ra đời vào cuối thời Lê, còn đa phần là những tác phẩm thuộc thời Nguyễn. Trong chùa còn giữ gìn được khá nhiều di vật có giá trị như: đôi hạc đồng, bát hương, chuông đồng “Bát Tháp tự chung” đúc năm Gia Long thứ 2 (1803)… góp phần làm cho di tích thêm sống động, phong phú.

Chùa Bát Tháp đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 5/9/1989.

(Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *