Di tích lịch sử, văn hóa

Chùa Cảm Ứng

Ngôi chùa ở xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn có tên Cảm Ứng, xây trên đỉnh một núi thấp ở trung tâm xã, có quan hệ mật thiết đến sự nghiệp vương triều Lý. Theo “Thiền Uyển Tập Anh” viết vào thời Trần, Lý Công Uẩn đã đưa Thiền sư Vạn Hạnh về lánh nạn để tránh sự truy bức của Lê Ngọa Triều. Chùa còn là một trung tâm Phật giáo lớn, nơi trụ trì, hành đạo của nhiều bậc Thế sư, Pháp tăng, có những đóng góp lớn vào việc xây dựng triều chính và nền văn hóa truyền thống của dân tộc.

Những vấn đề trên được làm sáng tỏ khi Hội thảo khoa học chủ đề “Tam Sơn truyền thống, lịch sử và hiện đại” được tổ chức ngay tại Tam Sơn ngày 5-6-2002 với sự hiện diện của nhiều Giáo sư, Tiến sĩ hàng đầu về khoa học lịch sử (Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Minh Tường, Ngô Sách Các, Trần Lâm Biền, Bùi Xuân Đính…); lãnh đạo Sở VHTT tỉnh, cán bộ Bảo tàng, Phòng VHTT và nhiều cán bộ đầu ngành khác. 17 bản tham luận và ý kiến trong Hội thảo khẳng định các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của chùa. 

Các tài liệu cho biết năm Tân Sửu (1061) Vua Lý Thánh Tông vì muộn con đã về đây cầu tự, khi đó chùa có tên Ba Sơn. Năm 1063, Vua cho xây chùa quy mô, đẹp hơn, trên diện tích 3.300 m2, 17 hạng mục, gồm 100 gian lớn nhỏ, từ đấy có tên chùa Trăm gian. Cuối tháng 12-1972, chùa bị B52 của giặc Mỹ đánh phá, làm hư hại, thất bát nhiều nội thất. 

Theo các ghi chép lịch sử, chùa Cảm Ứng có nhà thờ Đức ông, Đức bà và các công chúa; có Đền tây, Đền đông, Điện chính, Trung đường, nhà Mẫu, Thượng điện, Tây biên, Đông biên, gác chuông, Tam bảo v.v… Chùa còn thờ Sơn thần, Thành hoàng làng. 

Gần đây chùa được tu bổ bằng nguồn kinh phí hơn 16 tỷ đồng của Nhà nước, nhằm bảo tồn, phục chế một số hạng mục. Mặc dù còn hạn chế về ngân sách nhưng được các cấp quan tâm, chùa Cảm ứng vẫn tiếp tục nhiều phần việc chỉnh trang. 

Tam Sơn hôm nay đã phát triển nhiều về kinh tế. Một tuyến đường dài hơn 3 km, nối tỉnh lộ 295 với 3 thôn Dương Sơn, Tam Sơn, Phúc Sinh mới hoàn thành tạo thuận lợi cho giao thông đặc biệt là du lịch. Chùa Cảm ứng của Tam Sơn ngày càng được nhiều người biết đến như một địa chỉ văn hóa của vùng Kinh Bắc.

 

(Nguồn: bacninh.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *