Di tích lịch sử, văn hóa

Chùa Đại Bi làng Thượng và di sản văn bia

Thôn Thượng vốn là một làng cổ có tên nôm “Ném Thượng” thuộc xã Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh. Làng xã nơi đây nằm trong vùng đất đầy ắp các truyền thuyết về lịch sử và văn hóa của dân tộc. Song bề dày lịch sử, văn hiến của làng Thượng được hội tụ và phản ánh ở quần thể di tích đình chùa cổ kính thâm nghiêm. Trong đó, ngôi chùa làng có tên chữ “Đại Bi tự” vốn được khởi dựng từ lâu đời trên đỉnh núi và từng là trung tâm Phật giáo.

Phật giáo với tinh thần từ bi hỷ xả bác ái, từ lâu đã đi vào lòng người, khuyên mọi người bỏ điều ác, làm điều lành, sống hướng thiện. Theo thư tịch sử sách cổ, Phật giáo từ ấn Độ được truyền trực tiếp vào vùng núi Phật Tích (Tiên Du) và vùng Dâu-Luy Lâu (Thuận Thành), để lại dấu ấn là hệ thống chùa Tứ Pháp ở vùng Dâu và đây là trung tâm Phật giáo lớn nhất nước ta ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên.

Từ Phật Tích và từ vùng Dâu, Phật giáo đã truyền và lan tỏa sang các vùng xung quanh và nhiều chùa tháp được xây dựng. Đến thời Lý-Trần, Phật giáo cực thịnh và trở thành quốc giáo, triều đình đã sử dụng Phật giáo để cai trị đất nước. Nhà Lý đã chọn những nơi có núi non cảnh quan đẹp để cho xây dựng chùa tháp. Đặc biệt xứ Kinh Bắc là quê hương nhà Lý, các vua Lý đã cho xây dựng nhiều chùa tháp và một số đại danh lam như: Đại danh lam chùa Phật Tích trên núi Lạn Kha, Đại danh lam chùa Đại Lãm trên núi Dạm. Các chùa nổi tiếng được xây vào thời Lý như: chùa Bách Môn, chùa Linh Quang, chùa Long Khám, chùa Tam Sơn, chùa Tiêu Sơn, chùa Vọng Nguyệt, chùa Bồ Vàng, chùa Phả Lại… Trong bối cảnh đó, chùa Đại Bi trên núi Ngoan Sơn cũng được xây dựng với quy mô lớn và từng là trung tâm Phật giáo.

Chùa làng Thượng “Đại Bi tự” nằm trên đỉnh núi Ngoan Sơn (còn gọi Chùa), vốn được khởi dựng từ lâu đời, đến thời Lê Trung Hưng được trùng tu và mở rộng với quy mô rất lớn theo kiểu “trăm gian”. Khi ấy, ngôi chùa ngoài Tam Bảo ra còn có gác chuông, hậu đường, hai bên hành lang, nhà mẫu, nhà tổ, nhà sư, nhà khách. Thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa cổ đó bị phá dỡ. Năm 1990, dân làng dựng tạm mấy gian Tam Bảo có quy mô nhỏ để làm nơi thờ Phật. Những năm gần đây, dân làng cùng nhau quyên góp, công đức phục dựng lại ngôi Tam Bảo của chùa với quy mô rất lớn với dáng vẻ truyền thống.

Giá trị nổi bật của chùa Đại Bi chính là những thư tịch tài liệu bảo lưu được. Đó là 5 thác bản văn bia của chùa đều có niên đại vào thời Lê Trung Hưng có tên và niên đại như sau: Bia có tên “Đại Bi tự” niên đại Chính Hòa 24 (1703). Bia có tên “Hậu Phật bi ký” niên đại Vĩnh Thịnh 3 (1707). Bia tứ diện có tên “Sáng lập thạch bi, Toàn thôn ký kết, Cùng lập giao ước” niên đại Vĩnh Thịnh 4 (1708). Bia có tên “Hậu Phật bi ký” niên đại Cảnh Hưng 16 (1755). Bia có tên “Hậu Phật bi ký, Đồng thôn lệ ký” niên đại Cảnh Hưng 20 (1759). Đây chính là những di sản văn hóa vô giá của chùa Đại Bi, không những là chứng tích ngôi chùa trong lịch sử, mà còn cho biết những thông tin về lịch sử làng xã, việc trùng tu tôn tạo chùa, việc đặt hậu, tín ngưỡng tôn giáo và phong tục tập quán của quê hương nơi đây.

Toàn bộ các lần trùng tu tôn tạo của chùa Đại Bi vào thời Lê Trung Hưng đã được ghi khắc lại trong văn bia của chùa. Trong đó, văn bia có tên là “Hậu Phật bi ký” được dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707) do chính nhà sư trụ trì tại chùa có đạo hiệu là Hoằng Nguyện Tử soạn có đoạn: “Thường nghe Phật là đấng giác ngộ vậy. Người có khả năng giác ngộ tức là Phật. Giấc ngộ biết nhân thân ảo mộng, thế sự vô thường. Giàu không ai hơn Thạch Sùng, Vương Khải chỉ một chốc bỗng thành không (truyền rằng Thạch Sùng, Vương Khải sống vào đời Tấn ở Trung Quốc kết bạn với nhau và giàu có nổi tiếng. Thạch Sùng về sau bị Triệu Vương Luân giết chết, biến thành con Thạch Sùng vì tiếc của nên tắc lưỡi mãi. Còn Vương Khải tuy làm quan to nhưng ăn chơi vô độ, khi qua đời bị người đời sau chê cười). Nghèo không ai bằng người ăn xin, người kiếm củi, nhưng vạn năm còn hưởng tiếng thơm. Vậy nên kinh Phật có dạy: Cạy cục ở thế gian giữ lại của cải cuối cùng vẫn hoàn khổ. Tạo thiện phúc cho đời lưu nơi Tam Bảo vạn kiếp sẵn có nơi nương tựa. Thế mới biết công đức nhà Phật không thể không suy nghĩ và lý giải”.

Qua di sản văn bia trên của chùa làng Thượng “Đại Bi tự” đã cho biết ngôi chùa này vốn được khởi dựng từ lâu đời và đến thời Lê Trung Hưng được trùng tu với quy mô lớn. Văn bia của chùa còn ca ngợi Phật Pháp, cho biết triết lý sâu sắc của đạo Phật là khuyên nhủ con người làm những điều tốt, sống hướng thiện. Chùa Đại Bi từng là danh lam cổ tự với những di sản văn bia của chùa, đã góp phần làm nên văn hiến xứ Kinh Bắc-Bắc Ninh.

(Nguồn: bacninh.gov.vn)


 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *