Di tích lịch sử, văn hóa
Chùa Diệu Đế
Chùa Diệu Đế có một vị trí quan trọng trong lịch sử Phật Giáo ở Huế. Chùa nguyên là phủ của vua Thiệu Trị trước khi lên ngôi nên đã có cảnh quan rất đẹp, với vườn tược rộng rãi, cây cối xanh tươi. Năm 1844 nhà vua đã tôn tạo và sắc phong làm quốc tự. Chùa trở thành một danh lam của đất kinh kỳ.
Tuy nhiên chùa cũng trải qua nhiều biến động lịch sử cho nên đã không còn như ngày xưa. Năm 1885 lúc vua Hàm Nghi đánh pháp và phải bỏ kinh thành xuất bôn ra Quảng Trị, cung điện bị Pháp chiếm đóng, chính phủ Nam Triều phải trú ngụ và làm việc ở đây. Nhà cửa bị trưng dụng cho nhiều mục đích: Trí Tuệ Tịnh Xá làm phủ đường Thừa Thiên, Tường Từ Thất làm thành ngân khố và sở đúc tiền, một tăng xá biến thành nhà lao, một tăng xá khác thành đài quan trọng. Năm 1887 hầu hết các công trình kiến trúc của chùa bị triệt hạ và sang thế kỷ 20 mới được phục hồi.
Vào những năm 1960, chùa Diệu Đế là nơi xuất phát của đám rước tượng Phật, với các xe hoa và hàng vạn Phật Tử của thành phố Huế lên chùa Từ Đàm vào dịp lễ Phật Đản hằng năm. Chùa cũng là nơi diễn ra những cuộc đấu tranh của Phật giáo chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm và các chính quyền của miền nam sau đó. Ngày nay nét huy hoàng cũ chỉ còn thấy ở chính điện, ở các bức phướn lớn rất đẹp rũ từ trên trần xuống, ở hoa văn trang trí trên trần và các bức họa về cuộc đời đức Phật.
(Nguồn: thuathienhue.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch