Di tích lịch sử, văn hóa

Chùa Linh Thông

Chùa Linh Thông thuộc Thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái ngày nay. Có toạ độ: 1040 35 89,8’’ kinh độ Đông; 210 35 91,6’’ vĩ độ Bắc. Nằm giữa cánh đồng, bốn mặt Đông, Tây, Nam, Bắc đều giáp ruộng và đường của Thôn Tiền Phong.

            Chùa Linh Thông cách trung tâm xã 2,5 km, cách huyện lỵ Trấn Yên 27 km, cách trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái 18 km. Theo quyết định số 395/QĐ – UB ngày 25/6/2006 Chùa được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng. Để đến được di tích có thể đi bằng đường bộ và đường thuỷ khá thuận lợi.

Thôn Tiền Phong, xã Minh Quân là điểm cuối cùng của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái giáp với xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ. Xã có đường quốc lộ 32C chạy song song với Sông Hồng. Cả đường thuỷ và đường bộ đều chạy dọc theo xã theo hướng Đông Bắc - Nam với chiều dài 7 km.

            Di tích nằm kề ngay quốc lộ 32C. Nếu từ trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái đi xuống Chùa nằm về phía tay phải. Ngược lại từ Phú Thọ đi lên Chùa nằm về phía tay trái. Đối diện qua quốc lộ 32C là Sông Hồng - tuyến đường thuỷ khá thụân lợi cho việc đi đến di tích.

            Theo các cụ xưa truyền lại, Chùa Linh Thông được tạo dựng từ lâu đời bằng gỗ lim khang trang, rộng rãi với những đường nét chạm khắc công phu. Đến nay, bảo tàng tỉnh còn lưu giữ được một bệ sen, theo xác định ban đầu bệ sen này có niên đại thế kỷ XVIII. Chùa có tam quan, có một nhà thờ tổ, một dãy nhà khách và nơi phục vụ ăn, ở, sinh hoạt. Toàn bộ công trình này được dựng trên một gò đất cao (tục gọi là Gò Chùa ) nổi lên giữa cánh đồng làng, cách khu dân cư chừng 300m. Nơi đây thoáng mát, rộng rãi, thuận tiện cho việc quan sát và cũng dễ dàng lui tới.

            Cũng theo các cụ thì Chùa nơi đây thờ Phật qua nhiều thế hệ, trong Chùa có nhiều pho tượng Phật ngự trên Toà sen, tượng Thiền sư Lý Khánh Văn, tượng vua Lý Thái Tổ uy nghi. Tất cả đều có ngai sơn son thiếp vàng. Nhưng vào cuối thế kỷ XVIII do sự bất cẩn của người trông coi Chùa Nguyễn Đức Hinh, hoả hoạn đã xảy ra thiêu huỷ hoàn toàn ngôi Chùa. Sau đó nhân dân đã dựng lại nhưng chỉ là Chùa cột tre, lợp lá và các tượng tạc lại. Sau này, đặc biệt là khi Pháp xâm lược nước ta, khi các cụ thuộc phong trào Văn Thân ái quốc: Trần Văn Vực, Trần Văn Trọng, Trần Văn Bắc, Trần Văn Kích và Trần Đình  Thành, Trần Đình Hướng, Trần Đình Chính, Trần Đình Hạng cùng một số thanh niên nhiệt huyết từ Nam Định, Ninh Bình lên phối hợp với dân bản địa khai hoang, tăng gia sản xuất, tự túc và dự trữ lương thực, vừa tuyên truyền, giác ngộ nhân dân trong vùng bằng nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng việc dạy học trong dân, tuyển mộ thêm quân, luyện tập để chờ đợi thời cơ đánh Pháp. Ngành Trần Văn đứng đầu là cụ Vực trụ tại làng Linh Thông chốt các vị trí xung yếu như: Cửa Ngòi Vần, Gành Hạc, Gành Vật Lợn, Núi Muỗi, Đá Rát, Bảo Lộc, Tuần Quán, … Thời gian này, cư dân ngày một đông Chùa thêm sầm uất, bên cạnh việc nhân dân đi lại cúng lễ, Chùa được chọn làm nơi cất giấu lương thực, tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, dạy chữ cho dân, luyện tập cho binh lính, là nơi gặp gỡ giao liên của phong trào cách mạng trong khu vực Hiền Lương - Linh Thông - Vần.

            Năm 1900, Pháp thành lập tỉnh Yên Bái, làng Linh Thông thuộc tổng Giới Phiên, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Làng nằm bên bờ Tây Sông Hồng, tựa lưng vào rặng núi Muỗi, triền phía sau nối với Hạ Bằng La, Phú Nhuận, Vân Hội, Vần (nay là xã Vân Hội, Việt Hồng, Việt Cường - huyện Trấn Yên ). Có:

            Phía Bắc giáp làng Đức Quân, Hoà Quân cùng xã Minh Quân.

            Phía Đông là bờ Sông Hồng (có bến Vật Lợn), bờ bên kia là các làng Trà Thượng, Trà Hạ thuộc xã Liên Phương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ.

            Phía Nam và Đông Nam có dải Gò Lem án ngữ, phía chân gò bên kia giáp làng Tiểu Phạm, Hiền Lương (nay là xã Âu Cơ, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ).

            Với vị trí như vậy, làng Linh Thông đã lọt gọn trong vòng cung của đường phân giới giữa hai tỉnh Yên Bái - Phú Thọ từ phía Đông sang phía Nam. Dọc làng có đường thuỷ ( sông Hồng ) chạy dọc theo biên và đường bộ (quốc lộ 32C ) nối liền Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ về xuôi. Ven sông có con đò ngang nối bến Vật Lợn (Linh Thông) với làng Trà ở phía Đông. Phía Tây có đường mòn ngả xuyên với Chiến khu Vần, Hạ Bằng La đi Ba Khe, Nghĩa Lộ, đi Phù Yên – Sơn La. Đường qua Đức Quân, Bảo Long đi Yên Bái. Phía Nam và Đông Nam có đường đi Hiền Lương - Hạ Hoà - Phú Thọ.

            Như vậy, Linh Thông là một chân quan trọng trong vùng tam giác cách mạng: Vần - Linh Thông - Hiền Lương. Vì thế, vào những ngày cách mạng nóng bỏng, làng Linh Thông nói chung và Chùa Linh Thông nói riêng là nơi hội họp, cất giấu vũ khí, cán bộ, nuôi quân phục vụ cách mạng. Dõi theo lịch sử chúng ta sẽ thấy Chùa Linh Thông có nhiều đóng góp cho cách mạng, góp phần làm nên Mùa thu cách mạng năm 1945 trên quê hương Yên Bái.

           Giữa năm 1943, qua chuyến đi nắm bắt tình hình, đồng chí Hoàng Quốc Việt - uỷ viên thường vụ Trung ương Đảng đã nhận định: khu vực giáp ranh hai tỉnh Yên Bái - Phú Thọ là nơi bọn Nhật - Pháp còn nhiều sơ hở, không kiểm soát gắt gao, rất thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở cách mạng và phát động chiến tranh du kích. Nếu xây dựng được cơ sở, phong trào cách mạng ở đây không những có ý nghĩa đối với hai tỉnh Yên Bái - Phú Thọ mà còn phát triển được sang Sơn La, Lào Cai. Trung ương Đảng chủ trương xây dựng phong trào cách mạng ở Yên Bái với hai mục đích: lấy nơi đây làm chỗ đứng chân cho các đồng chí dưới xuôi lên hoạt động và làm trạm đón các đồng chí vượt ngục Sơn La về đồng thời xây dựng căn cứ cách mạng, chuẩn bị lực lượng giành chính quyền ở địa phương.

            Địa bàn này do đồng chí Trần Quang Bình (tức Nguyễn Văn Dĩ ) khởi xướng, ông là người đảng viên của Đảng cộng sản Đông Dương đang hoạt động ở nhà máy xe lửa Gia Lâm thì bị bắt, giam ở nhà tù Hoà Bình. Giữa năm 1943, hết hạn tù đồng chí bị đưa về quê quản thúc. Về được một thời gian đồng chí đã móc nối được với các hội viên trong nhóm thanh niên phản đế trước đây tổ chức thành cơ sở của Mặt trận Việt Minh. Trong đó có ba người ở Minh Quân là: Đào Đình Bảng, Đào Văn Suý và Hoàng Văn Chi (tức phó lý Chi ). Nhóm Việt Minh của Minh Quân này đã tích cực giác ngộ được nhiều quần chúng bằng nhiều hình thức biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, chương trình, điều lệ của Việt Minh. Với sự hoạt động tích cực tháng 5/1944 đã thành lập được các tổ Việt Minh với 23 hội viên ở các làng: Linh Thông, Đồng Yếng, Vân Hội, Bảo Long, Hạ Bằng La. Đồng thời ta còn vận động, thuyết phục được một số hào lý yêu nước ủng hộ và tham gia Mặt trận Vịêt Minh (điển hình là ông Đặng Bá Lâu, chánh hương hội Nang Sa đã có đóng góp cho phong trào cách mạng địa phương ).

            * Đầu tháng 3/1945, chi bộ nhà tù Sơn La do đồng chí Trần Quốc Hoàn làm bí thư đấu tranh với bọn giám ngục Pháp, buộc chúng phải nhượng bộ, thả toàn bộ tù chính trị. Chi bộ đã tổ chức đưa hơn 200 cán bộ từ Sơn La về Vần - Nang Sa. Cán bộ, Đảng viên, các hội viên cứu quốc và quần chúng nhân dân vùng Linh Thông đã cấp lương ăn, quần áo mặc và bố trí cho đoàn cán bộ ở tại các nhà của nhân dân, các vị lãnh đạo ở tại Chùa Linh Thông, bảo vệ an toàn số cán bộ này. ít ngày sau, theo lệnh của Ban thượng vụ Trung ương Đảng đi các địa phương tham gia phong trào kháng Nhật cứu nước, anh em Việt Minh đã bố trí di chuyển toàn bộ cán bộ đi bằng hai chuyến thuyền do bà Lê Thị Thọ bơi lái và ông Đỗ Văn Cử bơi mũi. Trong một đêm tối các ông bà Ma Thị Hựu, Đào Thị Chí, Ma Văn Kỳ, Đào Xuân Vân (sau đều là du kích làng Linh Thông) làm nhiệm vụ cảnh giới các ngả đường cho thuyền rời bến Vật Lợn xuôi dòng sông Hồng đưa anh em sang nhà ông Lê Văn Chi (tức Tự  Căn) ở bãi Nang Sa - Hiền Lương - Phú Thọ.

            * Cũng trong tháng 3/1945, nhân chuyến đi khảo sát phong trào Việt Minh của ông Nguyễn Duy Thân (tức Linh ) - cán bộ do cấp trên phái về, một cuộc họp lại được triệu tập tại Chùa Linh Thông. Trong cuộc họp này ông Nguyễn Duy Thân đã phổ biến tinh thần, chỉ thị của Ban thường vụ Trung ương Đảng ngày 12/3/1945: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta ” chỉ rõ lúc này phát xít Nhật là kẻ thù chính và khẩu hiệu đề ra là: “Đánh đuổi phát xít Nhật ”. Sau khi phân tích tình hình thế giới ông khẳng định: “Trục phát xít Đức, ý, Nhật nhất định thua quân Đồng Minh  ”. Sau khi kiểm điểm tình hình chung của ta và địch ông khẳng định tiếp: nhiệm vụ của chúng ta là phải tích cực vận động quần chúng, khẩn trương mở rộng phong trào Việt Minh, tiến tới khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền về tay nhân dân. Đồng thời qua quan sát vị trí này, ông nhất trí chọn Chùa Linh Thông làm địa điểm hoạt động bí mật của cơ sở cách mạng.

           * Vào ngày 28/3/1945 (Rằm tháng 2 âm lịch), cuộc họp được triệu tập tại Chùa, những người đi họp phải cải trang là người đi lễ chùa: mặc quần trắng, áo dài, đi giầy, đội khăn xếp, tay cầm vàng hương . Cuộc họp do ông Đặng Bá Lâu chủ trì, có trên 10 người. Gồm: ông Đào Văn Suý, Trần Văn Huệ, Lê Văn Dĩ (tức Tự Ba), Ma Văn Thiện, Hoàng Văn Chi (tức Phó Chi), Lê Văn Chi (tức Tự Căn), Nguyễn Ngọc Oanh và Sư ông trụ trì Chùa Linh Thông Nguyễn Văn Chính cùng một vài người nữa. Cuộc họp này với nội dung là nghiên cứu điều lệ, mười chính sách của Việt Minh, bàn cách tuyên truyền phát triển tổ chức Việt Minh ở các làng trong vùng.

            * Ngày 12/4/1945 (1/3 âm lịch) cuộc họp tại Chùa có khoảng 20 người, gồm những người họp kỳ trước, có thêm các ông, bà: Đào Văn Dụ, Ma Thị Hựu (Linh Thông ), Nguyễn Văn Côn, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Bá An (Hoà Quân ), Hoàng Thị Tám, Lê Văn Cừ, Trần Văn Thuận, Trần Văn Sử  (Đức Quân ), Lê Văn Viện (Tiểu Phạm ), …

           Nội dung: Kiểm điểm sự phát triển của phong trào cách mạng ở địa phương. Nghiên cứu cuốn sách: “Một tiếng gọi nhau ”, quán triệt chủ trương của Mặt trận Việt Minh là: “liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn ”. Trong hội nghị này đã nhận định phân loại và phân công vận động các đối tượng, tiếp tục mở rộng phong trào cách mạng.

            * Ngày 26/4/1945 (Rằm tháng 3 âm lịch), cuộc họp tại Chùa có mặt các vị: Sư ông Nguyễn Văn Chính và các ông, bà Lê Văn Dĩ, Đào Văn Suý, Đào Thị Thông, Đặng Thị Nguộc, Trần Văn Huệ, Ma Văn Thiện, Nguyễn Hữu Bổng (Linh Thông), Lê Văn Chi (Nang Sa), Sư ông Lê Văn Dương (Chùa Hiền Lương), Nguyễn Thị Chiều, Vũ Thị Tốt (Đức Quân), Lê Văn Ngàn (Phú Nhuận), …

           Nội dung: Nêu lên tội ác của Phát xít Nhật, nêu chủ trương của Mặt trận Việt Minh là đoàn kết toàn dân, không phân biệt lương giáo, giàu, nghèo, đánh đuổi Nhật giành quyền độc lập tự do cho nhân dân. Đồng thời phân công vận động các cụ già và bà con hưởng ứng ủng hộ phong trào Việt Minh, tăng cường đẩy mạnh phong trào cách mạng địa phương.

            * Ngày 12/5/1945 ( tức 1/4 âm lịch), cuộc họp tại Chùa có mặt các ông: Đặng Bá Lâu (Nang Sa), Trần Văn Huệ, Đào Văn Suý (Linh Thông), Hoàng Văn Chi, Nguyễn Văn ái (Đức Quân), Nguyễn Ngọc Oanh, Nguyễn Văn Côn, Nguyễn Văn Khoa (Hoà Quân), Lê Văn Viên (Tiểu Phạm), Ông Đức (tức Đức Đen) vừa ở nhà tù Nghĩa Lộ ra, …

             Nội dung: Kiểm điểm kết quả phát triển phong trào Việt Minh, xem xét thái độ và bàn phương pháp tuyên truyền, thuyết phục kỳ hào hưởng ứng chủ trương: chống mệnh lệnh của quan trên không bắt cách mạng, không nộp thuế, nộp thóc, không đi phu, đi lính, không nhổ lúa ngô, trồng thầu dầu, trồng đay cho Nhật. Tổ chức huy động quần chúng phá kho thóc của Nhật cứu đói cho nhân dân. Xúc tiến vận động thu nhặt vũ khí và tổ chức lực lượng du kích vũ trang.

              Khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945 ), binh lính chạy qua trú ở nhà Lý trưởng Trần Văn Huệ, ông Huệ đã tìm lời thuyết phục chúng bỏ vũ khí về với vợ con, cho ăn uống, cấp thuyền nan, mảng nứa để chúng xuôi về quê quán. Ta thu được 6 khẩu súng  và một số đạn, các ông Đào Văn Suý, Ma Văn Thiện, Nguyễn Hữu Bổng, Đỗ Văn Trị, Ma Văn Kỳ, Đào Xuân Vân, Đỗ Văn Cử đem cất giấu ở nhà ông Trị, sau chuyển vào Chùa Linh Thông, giao cho Sư ông Chính trông nom. Số vũ khí này đã được du kích Linh Thông sử dụng luyện tập và tuần tra. Đến tháng 7/1945, chuyển giao toàn bộ cho ông Nguyễn Quang Bình (tức Nguyễn Văn Dĩ ) - Phó Ban quân sự liên tỉnh Phú - Yên thường trực phụ trách huấn luyện.

             Cũng khi Nhật đảo chính Pháp, binh lính chạy qua đã bỏ lại đây 1 khẩu trung liên FM hỏng kim hoả và gãy 1 chân, ông Hoàng Văn Chi đã khéo vận động, đổi quần áo thường dân cho lính cải trang để lấy khẩu súng này và giao lại cho ông Đỗ Văn Cử vác súng và 8 băng đạn về giấu trong Chùa. Ông Đào Văn Suý được phân công thuyết phục Alex (con trai chủ đồn điền Léteffles ) tham gia Việt Minh chống Phát xít Nhật, anh đã hưởng ứng và trực tiếp giúp sửa chữa súng. Đến tháng 5/1945 ông Hoàng Văn Chi đem ủng hộ cách mạng, giao trực tiếp cho ông Ngô Minh Loan, trang bị cho đội du kích Âu Cơ tập luyện ở Đồng Yếng (nay thuộc xã Vân Hội, huyện Trấn Yên) vào tháng 6/1945. Khẩu trung liên này đã tham gia đánh Nhật tại Ngòi Vần chiều ngày 27/6/1945, khi chúng không thực hiện được kế hoạch tìm diệt cán bộ và lực lượng vũ trang của ta và đang trên đường rút từ Mỵ, Thanh Bồng ra Vần để đi Hiền Lương. Trong trận này quân ta đã diệt tại chỗ 4 tên Nhật trong đó có cả tên chỉ huy và rút về Đồng Yếng an toàn.

            * Nhân dịp kỷ niện 5 năm ngày thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941 - 19/5/1945 ) cuộc họp toàn bộ cán bộ cốt cán của Việt Minh cả vùng ven chiến khu được tổ chức tại Chùa Linh Thông, có khoảng 30 người tham gia dự do ông Trịnh Xuân Tiến chủ trì. Sau khi phân tích tình hình quân Đồng Minh phản công phe Phát xít trên các mặt trận, sự lung lay của Nhật và chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, các bước phát triển của phong trào Việt Minh qua 5 năm nói chung cũng như phong trào ở địa phương nói riêng, những dấu hiệu cao trào cách mạng trong quần chúng đã xuất hiện. Từ tình hình quốc tế, trong nước, địa phương, thực hiện lời kêu gọi kháng Nhật cứu nước của Việt Minh, hội nghị đã thống nhất những nhiệm vụ trước mắt:

            - Thành lập lực lượng du kích các làng và vận động thanh niên tham gia du kích tập trung của vùng chiến khu.

            - Tổ chức vấn đề trang bị lương thực thực phẩm như: Vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ cách mạng tiền, gạo, thực phẩm, số thuế (thóc, tiền ) đã thu không nộp cho Nhật mà chuyển vào quỹ nuôi quân, thu nhặt vũ khí còn nằm trong nhân dân khi Pháp bỏ chạy và tước vũ khí của binh lính địch, của bảo an và các binh khí tự tạo khác để trang bị huấn luyện du kích vũ trang.

            - Tiến hành tuyên truyền giải phóng mở rộng địa bàn của chiến khu, các đội đi đến đâu tổ chức nhân dân đứng lên phá bỏ bộ máy chính quyền cũ, thành lập uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời và các đoàn thể cứu quốc đế quốc.

            * Ngày 22/5/1945 họp tại Chùa bàn về phát triển du kích vũ trang, có các ông, bà: Trần Văn Hụê, Đào Văn Suý (Linh Thông), Lê Văn Viện (Tiểu Phạm), Hoàng Thị Tâm, Lê Văn Cừ , Trần Văn Sử, Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Văn Thái (Đức Quân ), Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Bá An (Hoà Quân) tham dự do ông Trần Văn Huệ chủ trì.

            Cuộc họp này nội dung là bàn kế hoạch phát triển du kích vũ trang. Sau cuộc họp này du kích các làng được thành lập. Riêng đội du kích làng Linh Thông chia thành nhiều nhóm nhỏ hoạt động, lấy Chùa làm địa điểm luân phiên luyện tập, sử dụng vũ khí, chia nhau tuần tra, canh gác bảo vệ các cuộc họp, bảo vệ cán bộ cách mạng được nuôi giấu tại Chùa. Đội du kích làng Linh Thông thường xuyên tập luyện và lấy Chùa làm điểm liên lạc.

            * Phong trào Việt Minh mở rộng, các đội du kích của các làng hoạt động mạnh, cùng với việc tuyên truyền, giác ngộ chính trị, các cán bộ cơ sở đã chú trọng phát hiện vận động thu nhặt vũ khí, nhân dân quanh vùng ủng hộ được 18 khẩu súng các loại về cất giấu tại Chùa. Ngoài ra, theo cụ Đào Thị Chí kể lại thì vào tháng 2/1945 sau vài lần chuyển thư tuyên truyền theo Việt Minh, theo cách mạng cho ông Hoàng Tuân (cai lính khố xanh ở thị xã Yên Bái), ông Tuân sau khi giác ngộ đã đưa súng ra ngoài, cụ đã mang về cất giấu tại Chùa. Trong thời gian này, ông Ngô Minh Loan đã quyết định sử dụng Chùa Linh Thông làm nơi sửa chữa và bảo quản vũ khí, luyện tập quân sự, dự trữ lương thực, … chuẩn bị cho vũ trang khởi nghĩa. Ông Trần Văn Huệ được giao phụ trách toàn bộ. Người trực tiếp quản lý là sư ông Nguyễn Văn Chính. Các ông Đào Văn Suý, Nguyễn Hữu Bổng, Ma Văn Thiện, Đỗ Văn Trị, Ma Văn Kỳ, Đỗ Văn Cử, Đào Xuân Vân chịu trách nhiệm cất giấu, bảo vệ. Sau đó số vũ khí này đã được phân ra cho du kích Âu Cơ tập luyện ở Đồng Yếng (tháng 6/1945) và ở Nhà thờ Đức Quân (tháng 7/1945).

            * Ngày 26/5/1945 (Rằm tháng 4 âm lịch) đã tiến hành hội nghị thành lập Hội Phật giáo cứu quốc đầu tiên của vùng chiến khu tại Chùa. Có khoảng 20 đại biểu tới dự từ các làng: Linh Thông, Hoà Quân, Đức Quân, Phúc Lộc (Tổng Giới Phiên - Yên Bái ); Hiền Lương, Nang Sa, Động Lâm, Tiểu Phạm, Quân Khê, Bình Kiện (Tổng Động Lâm - Phú Thọ ), Hậu Bổng, Trà Thượng, Trà Hạ, Đan Hà, Đoan Thượng (Tổng Đoan Thượng - Phú Thọ ).

              Hội nghị đã phổ biến chính sách Mặt trận Việt Minh. Đoàn kết toàn dân diệt phát xít Nhật. Hội nghị đã ra nghị quyết tham gia Mặt trận Việt Minh, mục tiêu trước mắt của các thành viên là vận động đồng bào hưởng ứng phong trào cách mạng, ủng hộ tiền, gạo, thực phẩm nuôi quân.

            * Ngày 5/6/1945 hội nghị kỳ hào, lý dịch Tổng Giới Phiên họp tại Chùa, có khoảng 60 người tham gia do ông Trịnh Xuân Tiến chủ trì.

            Hội nghị nhằm phân hoá giáo dục kỳ hào, lý dịch trong tổng không hợp tác với Nhật, ủng hộ Việt Minh. Cảnh giác với âm mưu của bọn phản cách mạng, cô lập những tên có hành vi phản cách mạng và phổ biến nội dung thư của Việt Minh gửi kỳ hào, tổng lý ngày 27/2/1945 và lời kêu gọi vận động họ tham gia cứu nước: “Các bạn tổng lý, kỳ hào, trưởng phố, hộ phố tham gia công việc cứu nước hoặc đứng trung lập …”.

            Thái độ thiết tha, thành thật, rộng lượng của Việt Minh đã thức tỉnh nhiều người có tính dân tộc, lôi kéo nhiều người còn do dự theo cách mạng. Ngay tại hội nghị một số lớn các vị tổng lý đã tự nộp triện đồng cho cách mạng, hứa không hợp tác với chính quyền thống trị.

            * Ngày 22/6/1945 một cuộc họp tại Chùa gồm các vị: Trần Văn Huệ, Đào Văn Suý, Hoàng Thị Tám, Lê Tham Mưu để bàn bạc thực hiện chỉ thị của ông Ngô Minh Loan đón tù chính trị ở trại giam Yên Bái ra và thông qua hoạt động của Cai Tuân (tức Hoàng Ngọc Tuân - cai lính khố xanh) ở thị xã Yên Bái để mở rộng việc lôi kéo binh lính và vũ khí về tăng cường cho chiến khu Vần - Hiền Lương sau khi bà Tám bắt liên lạc và thống nhất kế hoạch với cơ sở cách mạng ở thị xã Yên Bái.

            * Sau khi bắt mối với cơ sở cách mạng tai thị xã Yên Bái, ngày 29/6/1945 du kích Minh Quân đã bố trí hai thuyền nan từ Bến Vật Lợn bơi lên bến Nhà Đèn - thị xã Yên Bái. Đến 10h đêm đón được ba tù chính trị: Trần Đức Sắc (tức Sắc Thọt); Nguyễn Tiến Lãng (tức Tiến lùn) và Trương Thị Mỹ do ông Nguyễn Hữu Đãng (tức  Minh  Đăng )tổ chức giải thoát chuyển giao đưa về Hiền Lương rồi vào Vần - Đồng Yếng.

            * Ngày 30/6/1945 với hai thuyền hôm trước cũng từ bến Vật Lợn bơi lên bến Nhà Đèn. Trong đêm đó đã đón được 17 lính khố xanh trong đó có Cai Tuân, Cai Tiến, Cai Lợi, Cai Dĩ, Cai Hỷ về với cách mạng cùng 18 khẩu súng trường, 8000 viên đạn, 24 quả tạc đạn đóng góp cho cách mạng.

            Từ những thắng lợi này nhân dân nức lòng ủng hộ đội du kích, đôi du kích Linh Thông đã tăng lên về số lượng, được huấn luyện về kỹ thuật, chiến thuật tại Chùa, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết góp phần cho khởi nghĩa giành chính quyền.

            Trong tỉnh khắp nơi lực lượng Việt Minh đã phát triển mạnh mẽ, cao trào cách mạng đã đến, chính quyền cách mạng đã giành được ở nhiều nơi, UBND cách mạng nhiều tổng, xã lần lượt ra đời.

            Chiều tối ngày 2/7/1945 tại Chùa Linh Thông tổ chức míttinh quần chúng mừng chiến thắng tiêu diệt địch ở Ngòi Vần và dự lễ ra mắt UBCM lâm thời và các tổ chức đoàn thể cứu quốc xã Linh Thông. Với sự giúp đỡ của đội tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức chính quyền và các đoàn thể cứu quốc đã công khai đảm nhận trọng trách lãnh đạo nhân dân phá tan xiềng xích nô lệ, chấm dứt ách thống trị của Phát xít Nhật.

               Cuộc míttinh kết thúc, sự ra mắt thành công, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, ánh đuốc bừng bừng cháy sáng cùng tiếng hô vang như sấm dậy:

                       “Tiêu diệt Phát xít Nhật!”

                        “Việt Nam hoàn toàn độc lập!”

            “Chính quyền nhân dân muôn năm!”

            * Ngày 9/7/1945 Hội nghị Phật giáo cứu quốc lần thứ hai họp tại Chùa, có khoảng 30 người dự.

           Nội dung: Kiểm điểm phong trào vận động nuôi quân.

           Kết quả: Được 1.200 đồng Đông Dương, số tiền này chuyển về Trung ương ủng hộ quỹ cứu quốc (được báo cứu quốc và cờ giải phóng đăng tải ) và được 12 tấn thóc, một số lớn trâu, lợn, gà, vịt, rau, đường, mật … trực tiếp giao cho đơn vị luyện quân tại nhà thờ Đức Quân.

            * Ngày 25/7/1945, một cuộc họp được triệu tập tại Chùa có các ông: Ma Quang Đạt (Đoan Thượng), Đặng Bá Lâu (Nang Sa), Trần Văn Huệ (Linh Thông) dưới sự chủ toạ của ông Trịnh Xuân Tiến.

            Hội nghị tập trung phân tích đánh giá tình hình địch và ta: Về phía ta phong trào cách mạng của quần chúng đã phát triển tới mức đòi hỏi phải kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị giành chính quyền. Về phía địch, ta nhận thấy huyện Hạ Hoà (Phú Thọ) là mắt xích yếu nhất của hệ thống chính quyền Nhật và bù nhìn, lực lượng binh lính tại chỗ chỉ có 1 đội lính cơ bảo vệ, lại ở vào thế cô lập các trung tâm hành quân của địch (cách thị xã Yên Bái và thị xã Phú Thọ đều khoảng 30 km).

            Sau khi nghiên cứu địa hình và vị trí cần phải chiếm giữ (nhà ga, huyện sở và khu nhà kho). Hội nghị đã thống nhất huy động lực lượng quần chúng (khu vực Linh Thông: 100 người, Đoan Thượng: 100 người và Hiền Lương: 100 người). Dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông Trịnh Xuân Tiến, hội nghị đã quyết định ngày, giờ khởi sự giải phóng huyện Hạ Hoà.

            Theo kế hoạch, đoàn khu vực Linh Thông do các ông Trần Văn Huệ, Đào Văn Suý (Linh Thông), Hoàng Văn Chi, Nguyễn Văn Hảo (Đức Quân), Nguyễn Văn Bổng (Hoà Quân) chỉ huy. Tất cả tập trung ở Chùa Linh Thông phiên chế đội ngũ, trang bị súng, gươm, dao, giáo mác và lương thực (cơm nắm) ăn đường. Đêm mùng 1 rạng ngày mùng 2/8/1945 vượt sông hành quân về ấm Thượng. Cuộc khởi nghĩa huyện Hạ Hoà diễn ra vào 8h20 ngày 2/8/1945. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh mái công đường, viên tri huyện Nguyễn Bạt Tuy đầu hàng, binh lính giao nộp vũ khí.

            Sau khi xử lý các vụ như: tuyên bố vô hiệu hoá bộ máy cai trị, khoan hồng cho các viên chức, rải ráp binh lính, tịch thu giấy tờ, con dấu … các đoàn chia làm ba ngả hành quân dưới cờ  đỏ sao vàng nhằm biểu dương lực lượng, gây thanh thế Việt Minh; đoàn Linh Thông theo hướng dọc đường sắt Văn Phú, Phúc Lộc đi đến đâu được nhân dân hân hoan chào đón thắng lợi của cách mạng đến đó. Riêng đoàn Linh Thông thu được 4 khẩu súng, một máy chữ đem về kho (Chùa Linh Thông) cất giữ, sau đó chuyển giao cho đơn vị luyện quân ở nhà thờ Đức Quân.

          Cuối tháng 7/1945 trung đội giải phóng quan do ông Đỗ Đồng Lạc làm trung đội trưởng, sau lớp huấn luyện ở nhà thờ Đức Quân, theo lệnh của ông Trần Quang Bình điều động bổ sung tham gia giải phóng tỉnh Phú Thọ nhưng dọc đường bị lụt nước nên thượng tuần tháng 8/1945 phải quay về đóng quân tại Chùa, nghĩa quân có thời gian nghỉ ngơi ngơi tập luyện thêm. Đơn vị đã được Sư ông Nguyễn Văn Chính và nhân dân Linh Thông tiếp tế, nuôi dưỡng chu đáo, khi nước rút trung đội tiếp tục hành quân bằng đường thuỷ, đoàn thuyền rời Bến Vật Lợn theo dọc Sông Hồng về đến sân bay Phú Thọ và góp phần giải phóng thị xã Phú Thọ ngày 24/8/1945.

            Cùng những hoạt động trên, Chùa Linh Thông còn là nơi có những cuộc hội ý, hội báo giữa ông Trần Văn Huệ và những cán bọ Việt Minh cơ sở với cán bộ cấp trên. Là nơi cất giấu 30 khẩu súng, đạn dược các loại, 10 tấn thóc, 600 đồng tiền Đông Dương (tiền, thóc là khoản thuế thu của dân để nộp cho Nhật nhưng ông Trần Văn Huệ làm lý trưởng đã quyết định không nộp cho Nhât mà dùng vào quỹ nuôi quân ). Kho vũ khí, quân lương do Sư ông Nguyễn Văn Chính coi giữ đồng thời ông cũng là người bố trí, sắp xếp các cuộc họp, lực lượng du kích Linh Thông làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ liên tục không để xảy ra mất mát và an toàn các cuộc hội họp.

            Là vùng đệm giữa chiến khu Vần (Yên Bái) và Hiền Lương (Phú Thọ) với vị trí thuận lợi mọi ngả đường, làng Linh Thông nói chung và Chùa Linh Thông nói riêng đã có vai trò lớn trong các hoạt động của vùng chiến khu và thắng lợi của cách mạng tháng Tám. Trong những năm cách mạng này Linh Thông đã làm tròn nhiệm vụ, thực hiện được cả hai mục tiêu do Trung ương Đảng đề ra, là nơi đứng chân của các chiến sĩ cách mạng, là nơi tố chức huấn luyện lực lượng vũ trang, là nơi hội họp bàn những công việc lớn của cán bộ Việt Minh, là đường dây liên lạc thông suốt trong những năm kháng chiến, tổ chức nuôi giấu hàng trăm cán bộ vượt ngục, bổ sung cho phong trào cách mạng cả nước.

alt

 

            Một yếu tố được lịch sử đánh giá rất cao là những đóng góp của ngôi Chùa trong những ngày tiền khởi nghĩa. Với những sự kiện lịch sử diễn ra tại Chùa (đã nêu ở trên) rõ ràng Chùa Linh Thông là điểm kết nối mọi hoạt động quan trọng của vùng chiến khu Vần - Hiền Lương, là hậu cứ quan trọng, là nơi triệu tập những cuộc họp quyết định việc mở rộng lực lượng, khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền ở địa phương. Không những thế, Chùa còn là nơi cất giấu vũ khí, nuôi giấu hàng trăm cán bộ cách mạng trong những năm tháng nóng bỏng đó. Chùa Linh Thông là điểm quan trọng đẩy mạnh hoạt động của vùng chiến khu cách mạng. Từ đó đẩy mạnh hoạt động của phong trào cách mạng toàn khu, giải phóng từng nơi và cuối cùng là giành thắng lợi trên địa bàn toàn tỉnh ngày 19/8/1945 - góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên Mùa thu cách mạng năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

(Nguồn: yenbai.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *