Di tích lịch sử, văn hóa
Chùa Long Đọi Sơn
Từ Hà Nội, trên quốc lộ 1 từ Đồng Văn rẽ trái đi Hoà Mạc 8km là đến chùa.
Ngôi chùa được xây dựng trên đỉnh núi, trong khuôn viên 2 hec-ta vườn rừng. Chùa quay về hướng nam, đúng như câu tục ngữ: Đầu gối núi Đọi, chân dọi Tuần Vường, phát tích đế vương lưu truyền vạn đại. Các công trình ở đây là chùa và tháp.
Chùa Long Đọi Sơn có tên là Diên Linh tự. Chùa do Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng từ năm 1054 (do tể tướng Dương Đại Gia và mời thiên sư Đàm Cứu Chỉ đến trụ trì và tham gia xây dựng). Đến đời Lý Nhân Tông, nhà vua này tiếp tục xây dựng phát triển và xây tháp Sùng Thiện Diên Linh từ năm 1118 đến năm 1121.
Hoang đường vua Lý bia còn đó
Tàn bạo quân Minh tháp khác xưa…
Mãi tới cuối thế kỷ XVI, vào năm 1591 đời Mạc Mậu Hợp, tức là gần 170 năm sau khi bị giặc Minh tàn phá, ngôi chùa bị bỏ phế hoàn toàn, nhân dân địa phương mới "dựng lại bia đổ, bắc lại xà nhà và những chỗ tường hư hỏng, làm cửa xây tường khiến cho sau hơn 500 năm, một nơi thắng cảnh trong chốn tùng lâm lại được mới mẻ" (Bài văn khắc mặt sau bia Sùng Thiện Diên Linh). Vào năm Tự Đức thứ 13 (1860), chùa Đọi Sơn có sửa sang thượng điện, tiền đường, nhà tổ, siêu hương, gác chuông, nghi môn. Đến năm 1864, chùa lại tiếp tục sửa hành lang, đúc tượng Di Lặc, đúc khánh đồng và đúc khánh đá do sư tổ đời thứ 5 là Thích Chiếu Trường chủ trì xây dựng hoàn chỉnh 125 gian, từ đó trở thành trường Bắc Kỳ Phật giáo. Ngôi chùa lúc này được dựng theo kiểu nội công ngoại quốc. Tại tiền đường, thượng điện tượng Phật rất nhiều. Hai bên chùa là 18 gian hành lang thờ thập bát La Hán. Ngay ngõ vào là hai dãy nhà đắp cảnh thập điện. Ngoài ra, chùa còn có nhà tổ, nhà khách, tăng phòng… tất cả có 125 gian.
Trong kháng chiến chống Pháp, năm 1947 do chủ trương tiêu thổ kháng chiến, chùa bị bỏ hoang suốt 10 năm trời, các sư sãi đều phải tản cư đi nơi khác. Ngay sau ngày hoà bình lập lại, năm 1957, các sư cùng các tín đồ phật tử và nhân dân địa phương cho sửa chữa, tôn tạo lại di tích.
Ngay cổng chính, trước tòa tam bảo là nhà bia để tấm bia Sùng Thiện Diên Linh nổi tiếng. Khi xây xong chùa và tháp, nhà vua sai Thượng thư bộ Hình Nguyễn Công Bật soạn văn bia. Văn bia nguyên có tên là Đại Việt quốc dương gia đệ tứ Sùng Thiện Diên Linh tháp bi, được viết xong ngày 6 tháng 7 năm Tân Sửu (1121). Nội dung bài văn bia chủ yếu ca ngợi công lao tài trí của Lý Nhân Tông trong việc xây dựng, kiến thiết và đánh giặc giữ nước. Mặt sau tấm bia ghi việc tu sửa chùa vào thời vua thứ 5 nhà Mạc (1591), ghi việc Thái hậu Ỷ Lan cúng vào chùa 72 mẫu ruộng làm ruộng đèn nhang năm 1121 và khắc bài thơ của Lý Thánh Tông làm vào năm Quang Thuận thứ 8 (1467) nhân dịp nhà vua đi bái yết sơn lăng lên thăm chùa. Sau nhà bia là tòa tam bảo, rồi đến chùa chính gồm 6 gian. Phía sau chùa chính là sân, vườn hoa, hai bên sân là hai hành lang, mỗi bên đặt 9 pho tượng La Hán. Sau cùng là hậu điện. Bên phải chùa, cạnh vườn hoa là nhà thờ tổ, nhà giảng đường và nhà khách. Phía sau nhà thờ tổ là gian nhà trai, thiền tổ và sau cùng là bếp.
Đi theo lối cổng phụ, sẽ đến nơi trước kia có ngọn tháp Chùa Đọi. Cây tháp là một công trình được xây dựng công phu. Tháp gồm "13 tầng chọc trời, mở 40 cửa đứng gió". ở tất cả các cửa vách đều chạm rồng. Đây là loại tháp vuông 4 mặt. Ngoài tầng đế và hai tầng trên không có cửa, còn lại 10 tầng mở cửa cả 4 phía. Tháp Sùng Thiện Diên Linh là tháp mộ, tầng trên "đặt hồng vàng xá lị, tỏa tường quang cho đời thịnh sau này". Tầng đế hợp với tầng đầu tiên thành nơi thờ Phật, trong đó có đặt tượng Đà Bảo Như Lai. Trên các xà của tháp có treo chuông đồng. Đây là loại chuông nhỏ có khả năng là những bộ đinh đang, khi gió thổi va vào nhau tạo thành những âm thanh réo rắt.
Tầng dưới chân tháp trước đây có "tám vị tướng khôi ngô đứng chống kiếm trang nghiêm chia đều ở bốn cửa" (nay chỉ còn lại 6 pho tượng), trên nóc có "tiên khánh bưng mâm, hứng móc ngọc cho bầu trời tạnh ráo". Cả cây tháp như là một ngọn bút, một tượng đài cao, bao gồm nhiều hình tượng và được thể hiện bằng nhiều phong cách khác nhau. Bên cạnh đó, ở rải rác trong các thành phần kiến trúc còn có nhiều tượng trang trí như tượng chim thần đầu người mình chim đặt trên các con sơn, tượng giống như ở các cửa cuốn, các đố dọc. ngay cả những viên gạch dùng để ghép tường cũng có trang trí những hình vũ nữ đang múa.
Các di vật của chùa Long Đọi còn giữ được như tấm bia Sùng Thiện Diên Linh, 6 pho tượng Kim Cương trong 8 pho có từ ngày xưa là những hiện vật rất quý báu đối với việc nghiên cứu văn hoá nước ta cách đây gần một thiên niên kỷ.
(Nguồn: hanam.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch