Di tích lịch sử, văn hóa

Chùa Mật Đa

Nằm khép mình trầm mặc giữa làng Nam Ngạn, cách cầu Hàm Rồng khoảng 500m về phía hữu ngạn sông Mã, chùa Nam Ngạn – Mật Đa Tự mang hàm nghĩa là rừng cây thơm ngọt của đất Phật, nhiều quả phúc, nhân kiệt địa linh.

Chùa Nam Ngạn (Mật Đa tự) thuộc phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra Quyết định công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa số 1821 ngày 16 tháng 11 năm 1989.

 

Ngôi chùa ban đầu tọa lạc ở ngoại đê sông Mã thuộc ấp Hòa Bình, lúc đầu chùa lợp tranh, vách đất, tượng Phật tạo bằng đất sét rất đẹp, cung kính, trang nghiên. Biên bản khảo sát căn phòng xép lưu trữ cổ tại chùa Nam Ngạn ngày 26 tháng 3 năm 1998 cho thấy: Căn phòng xép được xây dựng từ năm Lê Triều Bảo Thái tứ niên (1723) dùng để lưu giữ 8 pho tượng bằng đất đá hỏng khi di chuyển chùa từ ngoại đê sông Mã vào. Do thời gian 8 pho tượng trên đã vụn, người ta thu được 45 đồng tiền cổ. Đây là những đồng tiền người xưa dùng để yểm tâm tượng.Trong số tiền cổ thu được có 12 đồng tiền Thái Bình thông bảo ( Lương Võ Đế, 556-570); 5 đồng có niên hiệu Thánh Lịch thông bảo (Đường Vũ Hậu, 698); 3 đồng Khai Nguyên thông bảo (Đường Huyền tông, 723-790) và 1 đồng tiền Thái Hòa thông bảo (Đường Văn tông, 827). Ngoài ra còn có 12 đồng tiền cổ từ thời Đinh đến thời Lê. Với những đồng tiền thu được từ các pho tượng cho thấy chùa Nam Ngạn có từ lâu đời. Theo văn bia ‘‘Nam Ngạn tự bi ký’’ dựng năm Quý Mão, tháng 12 ngày tốt (1724) cho biết: Vị sư đầu tiên trụ trì chùa có tên húy là Nguyễn Công Huy- tức Hòa thượng Tuệ Minh người đã trụ trì chùa Đại Khánh (chùa Vồm xã Thiệu Khánh ngày nay). Hòa thượng Tuệ Minh nhiều năm hành đạo ở chùa Thụy Nguyên – Bằng Trình xứ Thái Bình.

 

Với kiến trúc hình chữ Đinh gồm nhà Tiền đường 5 gian và Hậu Cung chùa 2 gian. Chùa được xây dựng với kết cấu khung gỗ lim, có chạm trổ hoa văn, mái cong lợp ngói. Bên trong chính diện là bức đại tự sơn son thếp vàng chạm 3 chữ ‘‘Mật Đa Tự ’’ và gian giữa là bức đại tự với dòng chữ ‘‘Pháp giới mông huân”. Hậu cung chùa là nơi đặt tượng Phật. Ngoài hệ thống tượng pháp khá đầy đủ, chùa Nam Ngạn còn có tượng Tổ và tượng Mẫu. Hai pho tượng Hộ pháp khuyến thiện và trừ ác cao hơn 3m. Ở gian phía tả nơi chính diện còn lưu giữ được một pho thổ tượng với đường nét uyển chuyển.

 

Chính điện chùa Nam Ngạn hôm nay với những bức cửa võng được chạm trổ hoa văn: ‘‘Lưỡng long chầu nhật” với hai giải rũ mà mỗi giải tạo hình chim phượng chầu vào. Đây là một ngôi chùa có bức cửa võng mang đậm nét nghệ thuật điêu khắc thời Lê. Trong hậu cung chùa các pho tượng Phật uy nghiêm nơi Tam Bảo, toát lên tinh thần ‘‘Hòa quang đồng trần” phụng sự cuộc sống xã hội và đời sống tâm linh.

 

Trong những năm chiến tranh ác liệt, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chùa Nam Ngạn là chỉ huy Sở, là nơi tập kết lương thực, thực phẩm, đạn dược, nơi cấp cứu và nuôi dưỡng ban đầu cho bồ đội, dân quân bị thương. Ni sư Thích nữ Đàm Xuân đã không quản ngại gian khổ, dành trọn tình thương và lòng nhiệt tình chăm sóc anh em bồ đội, dân quân. Cụ đã dỡ nhà làm hầm cho anh em bồ đội, dân quân trú ẩn; lấy cánh cửa chùa để làm cáng cứu thương. Thương bồ đội, trực chiến tại trận địa nắng khát cụ đã chặt dừa ở vườn chùa mang cho bồ đội uống, chặt lá dứa làm ngụy trang. Việc làm của Ni sư Thích nữ Đàm Xuân đã để lại tiếng thơm cho đời và các thế hệ mai sau.

 

Trải qua nhiều biến cố của thiên nhiên và thăng trầm của lịch sử, chùa Nam Ngạn đã có một thời kỳ bị xuống cấp nghiêm trọng. Được sự quan tâm của Đảng, chính quyền và các ngành chức năng của địa phương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện nên mấy năm nay chùa được tôn tạo, tu bổ xây dựng do đó chùa đã khang trang, to đẹp hơn nhiều. Cùng với đó là sự thu hút khách thập phương đến hành lễ, vãn cảnh chùa ngày càng nhiều. Hàng ngày có hàng trăm lượt du khách đến hành lễ, tham quan, dâng hương, niệm Phật, chúc phúc cầu an. Sư cô Thích Đàm Chung là người chủ trì ngôi chùa được nhân dân kính trọng, sư thầy sống tốt đạo, đẹp đời, luôn giành phúc đức cho mọi người. Sư cô là người có công rất lớn để xây dựng tu bổ, tôn tạo ngôi chùa ngày một hoàn thiện và có sức hấp dẫn./.
Nguồn: LangvietOnline

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *