Di tích lịch sử, văn hóa

Chùa Một Cột

Từ QL1 đi vào, chỉ có thể bằng xe máy hoặc đi bộ, trên con đường rợp bóng cây, thoang thoảng mùi hương lúa, hương hoa, gió mát từ sông Kinh Xáng thổi vào cho bạn cảm giác đồng quê dễ chịu.

Tới Tịnh xá Ngọc Hưng, quang cảnh một ngôi chùa bình thường, khu nhà gỗ thờ phật, phật bà Quan Âm đứng trên những hòn non bộ làm bằng đá cao sừng sững, dưới lá sen nở... bạn còn đang choáng ngợp cảnh đẹp thiên nhiên nơi đây thì ngay bên cạnh bên Tịnh Xá Ngọc Hưng là chùa Long Hưng mà phía sau ngôi chùa là một ngôi chùa Một Cột qui mô lộng lẫy giữa một ao sen đẹp.

Chùa Long Hưng còn gọi là chùa Bốn mặt. Theo truyền thuyết của những người già kể lại rằng trong khu đất của dòng họ Châu khai phá canh tác trồng cây trái bốn mùa đều xanh tốt, bỗng một sáng nọ, trên miếng đất cao nhất, có khí vượng nổi lên một phật đá bốn mặt to bằng cái thúng úp, biết là điềm lành, dòng họ Châu đã bàn bạc thống nhất xây cất ngôi chùa bằng lá đơn sơ thờ phật bốn mặt, trải qua một thời gian, với địa thế chùa mọi người gọi là chùa Long Hưng và từ đó đến nay tên gọi được giữ mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Long Hưng còn có nghĩa là Rồng thịnh, mảnh đất ấy có hình dáng của một con rồng, và hưng, theo giải thích của nhiều người vừa là sự thịnh vượng vừa là chữ cuối của làng Khánh Hưng xưa của thị xã Sóc Trăng. Chùa có niên đại hơn 200 năm nay, đầu tiên do dòng họ Châu quản lý, theo năm tháng đến nay trở thành chùa của các phật tử muốn tu hành, tụ điểm sinh hoạt tín ngưỡng của đông đảo đồng bào trong vùng. Hiện nay chùa nằm ở số 42A đường Điện Biên Phủ, khóm 1 phường 6 thị xã Sóc Trăng.

Do yêu cầu của nhiều phật tử và cũng là nỗi niềm riêng của hoà thượng Thích Hồng Chánh (còn gọi là Lý Công Khanh), một Hoà thượng có lòng yêu quê hương đất nước và trí tuệ thông mẫn, trước 1975- Hoà thượng đã cho xây thêm chùa “Một cột” thờ phật bà Quan Âm trong nội khu chùa Long Hưng giữa năm 1965 và đầu năm 1966 thì hoàn thành, bản thảo kiến trúc do chính hoà thượng Thích Hồng Chánh chủ trì có sự tham gia đóng góp ý kiến của huynh đệ là hoà thượng Trí Bổn (hiện nay tu ở chùa Vĩnh Hưng - cũng tại thị xã Sóc Trăng). Với tài nghệ của các phật tử, chùa Một cột được xây dựng bằng bê tông cốt thép vững chắc nhưng vẫn giữ được nét mảnh mai mà uy nghi và đặc biệt giữ được nét truyền thống á đông theo mô típ kiến trúc của chùa một cột tại Hà Nội. Nhìn xa xa, trong hơi nước ban mai, hay sương chiều tà mới chiêm ngưỡng thấy hết được vẻ đẹp của ngôi chùa có nét cổ kính, lòng ta nao nao nhớ về thủ đô Hà Nôi, nơi có ngôi chùa nguyên bản, trái tim của tổ quốc.

Chùa “Một cột” ở chùa Bốn Mặt - Long Hưng nhìn từ ngoài vào rất thanh mảnh và có nét riêng độc đáo, vừa có nét chung của truyền thống đình, chùa ở phương đông. Chùa cao khoảng 8 m (kể từ đáy hồ lên đỉnh), có 18 bậc lên xuống rộng 1 m được nâng đỡ bởi một cột xi măng cốt thép chữ H sát bờ. Cả ngôi chính điện của chùa được chịu bằng một cột tròn âm xuống ao sen, có đường kính khoảng 2 m, xung quanh được bao bọc 3 vòng lớn của 4 chú rồng lớn, ngẩng đầu về 4 hướng, phật Thích Ca ngồi thiền dưới bóng cây bồ đề toả mát, đó cũng là hướng chính của điện thờ chùa Long Hưng. Quanh cột trụ các nghệ nhân còn trang điểm những áng mây trắng bồng bềnh làm cho ta có cảm giác như cả toà nhà được các con rồng cuốn bay đi lơ lửng giữa trời mây, chốn thần tiên. Trong khói chiều phảng phất, sưng mù ban mai càng cho ta cảm giác hư hư thực thực của nơi thờ phật.

Người xưa đã khéo kết hợp giữa kiến trúc xây dựng với không gian thiên nhiên tạo nên hình như vừa gần gũi vừa có nét thần tiên. 8 cột chống (bát chánh đạo) phía trên một cột như 8 cánh tay của người lực lưỡng đỡ toà điện thờ. Phía trên bát chánh đạo là 12 cột vuông vắn, viền bao lơn quanh toà điện thờ trong kết cấu hài hoà vững chắc, nền lát gạch bông màu xanh dịu. Trong khu chính điện xây một bệ thờ rộng 1,2 m X 1 m, mặt bệ làm bằng đá mài màu xanh có vân cẩn đá xanh đậm và đen, cao 0,8 m phía trước có trang trí hoa văn hình kỷ hà, trong vành tròn vẽ một chiếc tàu đang vượt sóng trùng khi. Trên bệ thờ là ngoài bát nhang lớn màu lam phía trong là bức tượng bà Quan Âm làm bằng thạch cao đứng trên toà sen hồng tay phải giơ cao bắt ấn, tay trái cầm bầu nước cam lồ. Phía sau là một bức tranh phong cảnh sơn thuỷ hữu tình với màu sắc sặc sỡ vẽ cảnh dòng sông núi non cây cối, đặc biệt là có bụi tre ngà và hình con chim Phượng đang chao lượn ngậm chuỗi hạt trai. Trong khói nhang đèn mờ ảo..ta thấy tượng phật Quan Âm bồ tát sống động như đang từ cõi tiên về với đời thường...

Trên mái chùa là hình như quen thuộc với nét cong mái đao cổ kính, đỉnh cao nhất được gắn 2 con rồng bằng gốm nung đang châu đầu vào nhau thể hiện thuyết "Lưỡng Long Tranh Châu". Bốn góc mái theo đường cong có 4 con cá chép to, nhân dân gọi là cá Hóa Long cùng chầu vào đỉnh cao. Bao quanh chùa Một Cột là một ao sen với diện tích trên 200m2 xung quanh bờ được gắn đan xi măng làm kè chống sạt lở và xung quanh ao là các loại cây trái bốn mùa tươi tốt, tích hương tạo mật, cùng hương hoa sen lan tỏa làm ngây ngất hồn người. Trước bậc lên chùa, hai bên là hai cây hoa sứ nở hoa trắng bốn mùa, chính giữa là một cây Mai tứ quý... tạo cho chùa “Một Cột” vừa cổ kính, trang nghiêm vừa thực vừa hư như cho ta lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh...

Chùa “Một Cột” ở Sóc Trăng cùng với những danh lam thắng cảnh khác như chùa Dơi, Chùa Đất Sét, Khu du lịch văn hoá Hồ Nước Ngọt, Bình An và hàng trăm ngôi chùa Khmer, Hoa, Việt khác ... với những nét kiến trúc văn hoá độc đáo của Sóc Trăng là những điểm du lịch lý thú hấp dẫn du khách bốn phương về thăm...một vùng miền quê sông nước hữu tình, vườn cây trái ngọt trĩu quả và những lễ hội, phong tục tập quán của mảnh đất đậm đà bản sắc văn hóa đa dân tộc.../.

(Nguồn: www.soctrang.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *