Di tích lịch sử, văn hóa
Chùa Non Nước
Chùa Non Nước nằm trong quần thể di tích đền Sóc thuộc địa phận xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Chùa Non Nước (tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền Tự) nằm chính giữa dãy núi hình vòng cung trên độ cao 110m so với mặt biển, tựa như người ngồi trên chiếc ngai hướng nhìn xuống vùng hồ nước trong xanh và những xóm làng trù phú. Đây được coi là một trong những ngôi chùa cổ kính ở Việt Nam với hơn 1000 năm tuổi.
Năm 2002, chùa được xây dựng lại trên nền đất chùa cũ từ thời Tiền Lê, theo kiểu kiến trúc chùa cổ 7 gian 2 chái, trang trí những hoạ tiết hoa văn cũng theo nguyên mẫu của thời đó. Sau khi hoàn thành, chùa trở thành một trong những ngôi chùa to, đẹp nhất của Hà Nội, có khuôn viên tôn nghiêm, phong cảnh hữu tình.
Chùa được dựng trên thế long chầu hổ phục. Bức tượng Phật tổ và chùa được đặt trong thế vòng cung, Đức Phật ngự trên ngai tựa lưng vào núi, có 9 ngọn núi lớn nhỏ chầu vào, trong đó có các núi như: Núi Đồng Sóc, núi Đá Đen (trên núi có đến hàng trăm phiến đá lớn nhỏ giống như từng đàn trâu, voi nằm phủ phục), núi Voi Phục, núi Mũi Cày, núi Vẩy Rồng, núi Đá Chồng… Pho tượng Phật tổ Như Lai này là pho tượng bằng đồng đúc liền khối lớn trong khu vực Đông Nam Á, nặng 30 tấn, cao 6,50m, nếu kể cả bệ đá, chiều cao hơn 8m, được đúc ngày 8/4 Tân Tỵ (2001), đến ngày 8/8 Nhâm Ngọ (2002) được rước từ cơ sở đúc đồng huyện Ý Yên, tỉnh Nam Ðịnh về Sóc Sơn, an tọa tại chùa Non Nước.
Chùa Non Nước Sóc Sơn cùng đền Sóc nơi thờ Thánh Gióng, một trong 4 vị thánh bất tử trong tâm thức người Việt, có công đánh đuổi giặc Ân xâm lược vào đời vua Hùng Vương thứ Sáu. Đây là khu du lịch tâm linh và sinh thái thu hút đông khách thập phương đi hành hương, khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, vãn cảnh.
(Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch