Di tích lịch sử, văn hóa
Chùa Ông Thu Xà
Chùa Ông Thu Xà (tên chữ Hán là Quan Thánh tự, hay Đại Tự Quan Thánh) tọa lạc ở thị tứ Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi; cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi 10 km về hướng đông.
Chùa được xây dựng vào năm 1821(Minh Mạng thứ hai), do tứ bang Minh Hương: Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Quảng Đông đồng tạo lập.
Đến nay, Quan Thánh tự đã trải qua 4 lần trùng tu (vào các năm 1881. 1894. 1920, 1991), nhờ sự đóng góp tiền, công sức của quan lại triều nhà Nguyễn, các nhà hảo tâm, thương gia và dân chúng Quảng Ngãi, kể cả những người tha hương.
Cho dù trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng kiến trúc chùa vẫn giữ được về cơ bản những độc đáo của kiến trúc ban đầu.
Chùa thờ Quan Công ở gian chính diện với ngựa xích thố, các loại binh khí. Phật Quan Âm Nam Hải thờ ở gian hậu cung theo kiểu “Tiền thánh hậu Phật”. Ngoài ra ở hậu cung còn có các tượng Thiên Hậu, Thiên Lý Nhãn, Thiên Lý Nhĩ, Cửu Thiên Huyền Nữ và cụm tượng Kim Đẩu với 12 bà mụ. Theo tín ngưỡng của người Hoa Nam, sống phiêu bạt ở nhiều nơi trên thế giới, vì mưu sinh và vì quan điểm “phản Thanh phục Minh”, Quan Thánh (Quan Vân Trường – vị tướng phò Lưu Huyền Đức nhà thục Hán, thời Tam Quốc bên Tàu) là người trung tín, trọng lời thề, những đức tính cần thiết, phù hợp với yêu cầu cuộc sống nhiều bất trắc, gian nan mà họ phải đối đầu. Rời quê hương ra đi, hầu hết người Hoa Nam, đi theo đường biển. Trong các cuộc hải hành nhiều ngày lênh đênh trên biển, họ luôn luôn cầu khẩn bà Thiên Hậu, vị nữ thần theo truyền thuyết là đấng bề trên luôn độ trì cho người đi biển trong sóng cả, gió to.
Sự tôn sùng của các bang hội Hoa Nam đối với Quan Vân Trường và bà Thiên Hậu lại phù hợp với tín ngưỡng và niềm tin của người Việt, đặc biệt là cư dân ven biển. Chính vì vậy, chùa Ông, tuy ban đầu do tứ bang Minh hương tạo lập, nhưng dần đã trở thành nơi thờ phụng chung cho người Việt lẫn người Hoa.
Về kiến trúc, chùa có bố cục chặt chẽ gồm: Cổng tam quan, Bình phong, Lầu chuông – lầu trống. Trong nhà tiền đường có 18 cột chia làm ba gian hai chái. Kiến trúc theo kiểu chữ tam gồm ba nhà liên kết nhau: tiền đường, chính diện và hậu cung. Đỉnh bờ mái trước mặt chùa có ghi ba chữ: “Quan Thánh tự”. Vào lần trùng tu thời Khải Định năm 1920 kiến trúc chùa đã có sự thay đổi.
Tuy quy mô khiêm nhường so với các chùa, đền do người Hoa tạo lập ở Hội An (Quảng Nam), song Chùa Ông Thu Xà lại có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Hoa – Việt trong tổng thể chung với đường nét chạm trổ hết sức điêu luyện và công phu. Ở đây, người ta có thể thấy vì kèo chồng rường chày cối vì kèo chồng rường giả thủ - một đặc điểm kiến trúc miền Trung Việt Nam, vì kèo cánh ác cột trốn trính chuyền (đồng bằng Bắc Bộ), vì kèo chồng rường trái bí – phong cách kiến trúc Trung Hoa.
Quan Thánh tự có 6 văn bia chữ Hán, được tạo lập vào niên hiệu Thành Thái thứ 7 (năm 1895) và niên hiệu Khải Định Canh Thân (năm1920), là các năm trùng tu chùa.
Quán Thánh tự là ngôi chùa cổ được bảo tồn tương đối nguyên vẹn ở Quảng Ngãi, được Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch công nhận Di tích quốc gia theo quyết định số 43 VH/QĐ ngày 7/1/1993.
(Nguồn: thinhanquangngai.wordpress.com)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch