Di tích lịch sử, văn hóa

Chùa Tôn Thạnh

Chùa Tôn Thạnh thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc là ngôi chùa nổi tiếng từ lâu trong lịch sử và văn học. Ban đầu chùa có tên là Lan Nhã, do hòa thượng Viên Ngộ khai sáng vào năm Gia Long thứ bảy (1808). Trong những năm 1859 -1861 nhà thi sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã về đất Thanh Ba, tại chùa Tôn Thạnh l nơi dạy học và từ đây Ông đã sáng tác bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nổi tiếng. Chùa Tôn Thạnh ngày nay vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng ở chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỷ XIX và các hoành phi câu đối chữ hán sơn son thếp vàng. Chùa được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia năm 1997.

Chùa cổ Tôn Thạnh nơi “phát tích” của Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

(ĐSTB) Được thiền sư Viên Ngộ sáng lập năm 1808, chùa Tôn Thạnh (chùa Tăng Ngộ hay chùa Ông Ngộ) ở xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đã có 200 năm tuổi và được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Theo các nguồn tư liệu, vào năm Gia Long thứ 7 (1808), thiền sư Viên Ngộ đến làng Thanh Ba (nay thuộc xã Mỹ Lộc) cất chùa, lấy tên là Lan Nhã, tức chùa Tôn Thạnh hiện nay.

Từ Tỉnh lộ 15, trên con đường nhỏ dẫn vào chùa có cổng dựng năm 1960 đề tên chùa Tôn Thạnh. Bên phải con đường trong khuôn viên chùa có hai tấm bia, tấm thứ nhất xây dựng năm 1973 lưu lại dấu tích của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, tấm thứ hai xây dựng năm 1998 trích bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Trong vườn còn có tháp ba tầng hình lục giác cao 4,5 mét của tổ sư Viên Ngộ (viên tịch năm Thiệu Trị thứ 5 - 1845), xây dựng năm 1846, trùng tu năm 1959, tầng trên cùng chạm nổi dòng chữ “Nam mô A di đà Phật” và tháp tổ Tắc Thành hình vuông, ba tầng, cao 3 mét...
Qua nhiều lần trùng tu nhưng chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được đôi nét cổ xưa. Nhà chùa là một tổng thể kiến trúc có mặt bằng gần giống dạng chữ đinh, thứ tự từ trước ra sau bao gồm tiền điện, chánh điện, nhà giảng, đông lang, tây lang mái lợp ngói, tường gạch. Chánh điện có diện tích khá khiêm tốn nhưng lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật qua các cột kiểu tứ tượng ở chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỷ XIX và các hoành phi câu đối chữ Hán sơn son thiếp vàng. Giá trị nhất là pho tượng Địa Tạng Vương Bồ tát cao 110 cm, đúc bằng đồng. Tương truyền pho tượng này được đúc tới hai lần. Lần đầu đúc xong thì phát hiện phía sau còn có một khe nứt nên khi đúc lần sau, thiền sư Viên Ngộ đã chặt một ngón tay cho vào nồi nấu đồng và lần đúc này đã thành công viên mãn. Trong cả khu chùa có trên dưới 20 cặp đối, trong đó xưa nhất có cặp đối với hai chữ ở đầu mang tên chùa, được phiên âm là: “Tôn tích Như Lai kiến thiết pháp minh đản nguyện dân an quốc thới - Thạnh hưng tam bửu sùng tu diệu điển chỉ kỳ võ thuận phong điều”...

So với nhiều chùa khác ở Nam Bộ, Tôn Thạnh không phải là ngôi chùa cổ nhất, cũng không phải là ngôi chùa có kiến trúc bề thế, nghệ thuật. Song nơi đây từ năm 1859 đến 1862, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đến ở đất Thanh Ba, lấy chùa Tôn Thạnh làm nơi dạy học, làm thơ, bốc thuốc trị bệnh và tham mưu cho nghĩa quân chống Pháp. Và cũng chính tại ngôi chùa này, ông đã sáng tác bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc: “Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại ánh trăng rằm; Đồn Lang sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ”; đồng thời hoàn thành thi phẩm nổi tiếng: Lục Vân Tiên.

(Nguồn: dulichlongan.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *