Di tích lịch sử, văn hóa
Chùa Vĩnh Tràng
Chùa Vĩnh Tràng được lập vào năm 1849, Hòa thượng Huệ Đăng, trụ trì chùa đầu tiên đã đặt hiệu chùa là "Vĩnh Trường" với ngụ ý:
"Vĩnh cửu đối sơn hà,
Trường tồn tề thiên địa".
Chùa Vĩnh Tràng nằm về hướng Đông Bắc của thành phố Mỹ Tho, ven tỉnh lộ 22, tọa lạc trên địa phận ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Khởi nguyên chùa chỉ là một cái am lá của ông bà Huyện Bùi Công Đạt làm quan dưới triều vua Minh Mạng (1820-1840). Sau khi hưu trí, ông bà về đây cất am để tu hành nên nhân dân trong vùng quen gọi là chùa ông Huyện. Sau đó, ông bà mời Đại sư Huệ Đăng về trụ trì chùa và dạy chữ nghĩa cho con.
Sau khi ông bà Huyện qua đời, Đại sư Huệ Đăng ngày đêm chăm lo công quả. Thấy được đạo hạnh của nhà sư, Phật tử bốn phương về rất đông: người góp công, người góp của xây dựng thành chùa "Đại Tự" vào năm 1849, lấy niên hiệu là "Vĩnh Trường". Qua thời gian người dân quen gọi là "Vĩnh Tràng". Nhà thơ Xuân Thủy sau một lần đến thăm đã tặng chùa bốn câu thơ sau:
"Đức Phật giàu tình thương
Nên chùa tên Vĩnh Tràng
Nhà sư vốn yêu nước
Lòng như dòng Tiền Giang".
Chùa Vĩnh Tràng là một di tích kiến trúc nghệ thuật đứng vào hàng thứ ba đối với mọi kiểu chùa của đất Nam phần. Chùa được xây dựng pha hòa nét kiến trúc cả Âu lẫn Á.
Trước chùa có hai cổng Tam quan được xây dựng vào năm 1933 theo kiểu cổ lầu của Trung quốc. Cửa ngỏ này được cẩn bằng đồ sứ có giá trị in hình long, lân, quy, phụng, canh, mục, ngư, tiều...Tất cả đều thể hiện sự sống động vui tươi. Chùa được xây dựng theo dạng chữ Quốc của Hán tự, gồm 04 gian nối tiếp nhau: tiền đường, chánh điện, nhà tổ, nhà hậu làm bằng xi măng và gổ quí, nền đúc cao 1m, chung quanh xây tường vững chắc.
Chánh điện được xây dựng theo lối kiến trúc dung hợp Á Âu với những hàng cột thanh mảnh vòm cong. Trên nóc chùa có năm mái nhô cao, tượng trưng cho Ngũ hành theo quan niệm phương Đông
Bộ tượng cổ nhất chùa là bộ Tam Tôn: Di Đà, Quan Âm, Thế Chí bằng đồng, riêng tượng Quan Âm bị thất lạc nên đã được làm lại bằng gỗ. Đặc biệt, ở đây có bộ tượng Thập Bát La Hán cưỡi trên mình các con thú là những tác phẩm chạm khắc gỗ độc đáo mà một số nghệ nhân Nam bộ đã tạc khá tỉ mỉ vào những năm 1909-1910.
Chùa Vĩnh Tràng còn là nơi viếng cảnh của du khách phương xa, nhất là những phái đoàn nước ngoài một khi đến Tiền Giang./.
(Nguồn: tiengiang.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch