Di tích lịch sử, văn hóa
Chứng tích lịch sử Sơn Mỹ
Sơn Mỹ thuộc tỉnh Quảng Ngãi, được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia theo Quyết định số 54/VH-QÐ ngày 29/4/1979, là khu di tích lịch sử, nơi ghi lại tội ác đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam.
Di tích vụ thảm sát Sơn Mỹ nằm trên địa bàn xã Tịnh Khê, huyện SơnTượng đài tưởng niệm vụ thảm sát Sơn Mỹ ngày 16/3/1968 Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, cách thành phố Quảng Ngãi 13km về phía đông bắc. Ngày 16/3/1968, một cuộc hành quân huỷ diệt dã man chưa từng thấy, được quân xâm lược Mỹ mưu tính và thực hiện, đánh vào người dân Sơn Mỹ vô tội không một tấc sắt trong tay. Với chủ trương: đốt sạch, phá sạch, giết sạch, chúng đã biến nơi này thành vùng đất chết.
Lính Mỹ đã đổ bộ xuống phía tây xóm Thuận Yên thôn Tư Cung và xóm Gò thôn Cổ Lũy và cuộc thảm sát bắt đầu. Số người tàn sát ở thôn Tư Cung là 407 người, tại thôn Mỹ Hội là 97 người. Tổng số người bị tàn sát ở Sơn Mỹ là 504 người, trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già, 24 gia đình bị giết sạch, 247 ngôi nhà bị thiêu cháy. Vụ thảm sát Sơn Mỹ là đỉnh cao trong muôn vàn tội ác của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, bị cả loài người lên án.
Khu di tích vụ thảm sát Sơn Mỹ là một tổng thể các địa điểm nơi ghi dấu tội ác của giặc Mỹ đối với đồng bào ta.
Cụm di tích: ruộng ông Nhiều, tháp canh, gốc cây gòn nằm ở xóm Khê Thuận và điểm di tích vườn ông Phạm Minh (Khê Ðông), Phạm Hội (Khê Tây).
Ðiểm di tích: hầm chống pháo của gia đình ông Lý Lệ, ông Ngô Mân tại xóm Mỹ Hội (thôn Cổ Lũy).
Các điểm di tích mộ chôn chung các nạn nhân bị thảm sát.
Bên cạnh giá trị lịch sử, khu di tích Sơn Mỹ là nơi ghi tội ác điển hình của giặc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, là nơi tưởng niệm 504 đồng bào ta đã ngã xuống. Sơn Mỹ còn có giá trị về du lịch: nó nằm trong tuyến du lịch Thiên Ấn (khu mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng) - Châu Sa - Sơn Mỹ - Mỹ Khê - Dung Quất. Hàng năm có hơn 5 vạn người đến Sơn Mỹ tham quan. Hiện nay, mỗi tháng có gần 3.300 lượt khách đến tham quan.
Ðến Sơn Mỹ hôm nay, du khách có thể dừng lại trước bức tượng để cảm nhận nỗi đau tột cùng của nạn nhân Sơn Mỹ ngày ấy. Bên trong nội thất Nhà Chứng tích, du khách có thể xem nhiều hiện vật còn được lưu giữ: đó là chiếc mâm thau cũ còn lỗ chỗ vết đạn, chiếc áo, đôi dép của một cháu bé bị bắn chết; các loại chén đĩa, xoong chảo bị bắn thủng vỡ, chiếc mõ tụng kinh của nhà sư Thích Tâm Trí còn tìm lại được. Trong những hiện vật đó còn tìm thấy chiếc kẹp tóc của cô Nguyễn Thị Huỳnh. Sau khi cô bị sát hại, người yêu cô đã tìm nhặt lại được chiếc kẹp tóc ấy, trân trọng giữ gìn nó suốt 8 năm trời trước khi giao nó cho Nhà Chứng tích...
Bên ngoài khuôn viên chứng tích, rải rác đó đây trong các xóm thôn là những tấm bia dựng lên ở các địa điểm đã xảy ra các cuộc bắn giết. Ðây là tháp canh ở rìa làng, bên con đường đất nhỏ xóm Thuận Yên với 102 người bị bắn chết. Kia là cây gòn nơi 15 phụ nữ và trẻ em bị sát hại.
Ở xóm Mỹ Hội, bây giờ bóng dừa đã vươn cao, ngoài kia biển xanh vẫn xua những đợt sóng bạc đầu vào bãi cát vàng sạch sẽ, duyên dáng, đúng là một cảnh đẹp có hạng ở Việt Nam. Giữa những khung cảnh trầm lắng thân thương ấy là tấm bia ghi dấu 97 người dân ở xóm bị tàn sát ngày nào.
Khu chứng tích Sơn Mỹ thường xuyên đón khách đến tham quan. Họ là các thương gia, các nhà khoa học, khách du lịch đủ mọi quốc tịch, đặc biệt ngày càng có nhiều người Mỹ đến thăm nơi này tỏ lòng thông cảm với những nỗi đau sâu sắc của nhân dân Việt Nam trong chiến tranh.
(Nguồn: quangngai.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch