Di tích lịch sử, văn hóa

Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương

Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương bao gồm: cầu Hiền Lương, đồn Công an Hiền Lương, cột cờ Hiền Lương.

Cầu Hiền Lương- Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải ở km 735 trên Quốc lộ 1A. Cầu nối liền thôn Hiền Lương (thuộc xã Vĩnh Thành - Vĩnh Linh) ở bờ Bắc và thôn Xuân Hòa ở bờ Nam (thuộc xã Trung Hải- Gio Linh). Thuộc hệ thống di tích Đôi bờ Hiền Lương, cầu Hiền Lương xây dựng từ năm 1952, từng chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước, tình cảm phân cách giữa 2 miền Nam - Bắc. Năm 1967, cầu bị bom Mỹ đánh sập. Để phục vụ chiến trường miền Nam, năm 1974, ta xây lại cầu mới bằng bêtông cốt thép, mang ý nghĩa cây cầu thống nhất non sông. Năm 1996, được sự quan tâm của Trung ương, Bộ Giao Thông- Vận tải đã cho xây dựng cây cầu mới dài 230m, rộng 11,5m nằm ở phía Tây cầu cũ. Tại chân cầu cũ ta phục chế nguyên dạng cây cầu giai đoạn năm 1952-1967, làm điểm đến tham quan của du khách tuyến DMZ (Vùng phi quân sự)

Đồn Công an Hiền Lương nằm ở phía Bắc cầu Hiền Lương, đồn gồm 3 khu nhà: A,B và C tạo thành hình chữ V, vị trí giữa là cột cờ Hiền Lương.

Khu nhà A (nhà liên hiệp) được xây dựng từ năm 1955 theo kiểu nhà sàn với kích thước 12m x 6m, lợp  ngói, có hệ thống cửa kính bao quanh. Đây là nơi đặt trụ sở chỉ huy, nơi giao ban làm việc giữa hai bên và là  nơi tiếp các đoàn khách. Khu nhà B có kích thước 10m x 5m được làm bằng gỗ, mái lợp tranh, vách trát toóc xi, dùng làm nơi ở của các chiến sĩ công an giới tuyến. Khu nhà C dùng làm kho hậu cần, nhà ăn với kích thước 12m x 4m.

Đồn Công an Hiền Lương được biên chế hai tiểu đội, số lượng 24 người, được trang bị súng ngắn và tiểu liên AK. Trong suốt gần 12 năm, từ 1954 đến 1965, đồn như mặt trận không tiếng súng, nơi đây thường diễn ra các cuộc đấu lý, đấu trí tố cáo Mỹ-ngụy vi phạm Hiệp định và đấu tranh thực hiện nghiêm quy chế khu phi quân sự, ngăn chặn các hành động phá Hiệp định của địch. Đồn công an như một chứng tích chiến tranh thể hiện sự gan dạ, mưu trí của các chiến sĩ công an giới tuyến. Hiện nay, đồn công an Hiền Lương được phục chế nguyên trạng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân đôi bờ cũng như nhu cầu tham quan của khách du lịch.

Cột cờ Hiền Lương thuộc hệ thống di tích đôi bờ Hiền Lương. Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước việc dựng cờ hàng ngày ở hai đầu cầu là một cuộc đấu tranh gay go quyết liệt giữa hai bên. Cột cờ của ta những năm đầu được làm bằng cây phi lao cao 12m, trên đỉnh thường xuyên treo một lá cờ bằng vải satanh, rộng 24,2m­­­2  việc nâng chiều cao của cột cờ và bề rộng của lá cờ là một cuộc chạy đua giữa ta và địch. Theo yêu cầu của đồng bào giới tuyến ta phải cắm cờ cao hơn địch, nên cột cờ thứ 2 bằng gỗ cao 18m, cờ rộng 32m2. Ngay sau đó, chính quyền Ngô  Đình Diệm cho dựng cột cờ bằng xi măng cốt thép cao 30m tại bờ Nam. Không để lá cờ ngụy ngạo nghễ ở giới tuyến, các chiến sĩ vũ trang được sự giúp đỡ, ủng hộ của Trung ương và bà con bờ Bắc tháng 7/1957 đã dựng cột cờ bằng ống thép, cao 34,5m. Trên đỉnh cột gắn một ngôi sao bằng đồng với đường kính 1,2m; ở 5 đỉnh gắn 15 bóng điện, lá cờ rộng 108m2. Trước sự kiện bất ngờ này, Mỹ nguỵ vội nâng cột cờ của chúng cao 35m. Không để cột cờ ta thấp hơn cờ địch ở bờ nam, Năm 1962, vật liệu được  chở từ Hà Nội, quân và dân ta xây dựng cột cờ mới cao 38,6m với lá cờ rộng 134m2, nặng 15kg. Đây là cột cờ cao nhất giới tuyến. Theo ước tính, từ 19/5/1956 đến 26/10/1967 đã có 264 lá cờ các cở được kéo lên, tung bay kiêu hãnh trên bầu trời giới tuyến. Mỗi khi nhìn lá cờ đỏ sao vàng, đồng bào hai bờ Bắc- Nam vui sướng đến trào nước mắt. 

Để lá cờ thường xuyên tung bay trên đỉnh cột, giữ vững biểu tượng sức mạnh chiến thắng của dân tộc, các chiến sĩ đồn Công an Hiền Lương đã chiến đấu anh dũng  dưới mưa gió, bão đạn để bảo vệ lá cờ. Phải hàng chục lần dựng lại cột cờ, 42 lần thay lá cờ mới. Cùng với các chiến sĩ bảo vệ giới tuyến, mẹ Nguyễn Thị Diệm phải nhiều đêm thức trắng dưới hầm sâu để vá cờ sau mổi lần bị bom thù xuyên thủng. Trên đỉnh cột cờ Hiền Lương lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay, tạc vào đất trời, tạc vào lòng người, một biểu tượng khát vọng và niềm tin thống nhất non sông, là sức mạnh oai hùng, sức mạnh chiến thắng trong công cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Đất nước hoà bình thống nhất, cụm di tích đôi bờ Hiền Lương mãi trường tồn với những giá trị cao đẹp. Tháng 12 năm 1986, khu di tích đôi bờ Hiền Lương được xếp hạng cấp Quốc gia. Trên mạch nối giao thông giữa hai miền Nam-Bắc và "con đường di sản miền Trung", cụm di tích đôi bờ Hiền Lương là điểm sáng trong hành trình của du khách trong và ngoài nước tìm về nơi đây để hoài niệm một thời đất nước chịu cảnh chia cắt, hiểu được sức mạnh của một dân tộc thiết tha yêu hoà bình,  một ý chí và khát vọng giành độc lập tự do, để có một Việt Nam tươi đẹp như hôm nay.

Mỗi di tích trên mảnh đất Quảng Trị là một thiên anh hùng ca bất tử về tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm mưu trí, sáng tạo quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của quân và dân ta. Hệ thống di tích lịch sử cách mạng là tài sản tinh thần vô giá, có ý nghĩa to lớn không những đối với trong nước mà còn đối với Quốc tế hết sức sâu sắc, chúng ta phải ra sức gìn giữ và tôn tạo.

(Nguồn: gioithieu.quangtri.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *