Di tích lịch sử, văn hóa
Đàn đá Khánh Sơn
Đàn đá Khánh Sơn thuộc huyện miền núi Khánh Sơn. Từ năm 1979, tại Khánh Sơn, ông Bo Bo Ren, người dân tộc Raglai đã phát hiện ra những bộ đàn đá, một loại nhạc cụ vào loại cổ sơ nhất của loài người. Bộ đàn gồm 12 thanh đá được đẽo gọt với độ lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau, tạo nên những âm thanh khác nhau. Ông Bo Bo Ren tự xếp 12 thanh đá này thành 2 bộ, mỗi bộ gồm 6 thanh, bộ A có thanh nặng nhất là 9kg, thanh nhẹ nhất 5kg. Bộ B thanh nặng nhất là 28,1kg, thanh nhẹ nhất là 10,5kg. Tổng trọng lượng của bộ A 50,5kg và tổng trọng lượng bộ B lên tới 110,8kg. Về niên đại, qua bước đầu nghiên cứu về dân tộc, địa chất, khảo cổ học, dự đoán bộ đàn đá này đã được chế tác ít nhất cũng cách đây khoảng từ 2.000 đến 5.000 năm. Ở mỗi thanh đều có vết mòn nhẵn ở một chỗ nhất định, trừ một thanh có 2 điểm cách nhau vài centimet. Điều lý thú là khi gõ vào mỗi thanh ở bất cứ điểm nào đó cũng cho một âm thanh riêng của thanh đó rất đồng nhất, trừ thanh có 2 vết mòn nhẵn ở 2 điểm âm thanh có độ cao khác nhau. Điểm gõ vang nhất ở mỗi thanh chính là những vết đã mòn nhẵn chứng tỏ những người chế tác ra nó đã có sự tính toán, cân nhắc khá chính xác và bộ đàn đã có quá trình sử dụng rất lâu, trước khi ông Bo Bo Ren phát hiện nên mới có được độ mòn nhẵn như vậy.
Các nhà nghiên cứu về âm nhạc, về nhạc khí đã xếp đàn đá Khánh Sơn vào loại nhạc cụ "roi", tức là loại nhạc cụ tự rung như cồng, chiêng, đàn tơ-rưng… và bộ đàn này kết thành một nhạc khí tổng hợp nhiều "roi" theo một thang âm cố định, rất phù hợp với thang âm của bộ đàn đá Ndút Liêng Krak đang cất giữ ở Paris, đã được phát hiện từ năm 1949 ở Đắk Lắk. Với bộ đàn đá này, có thể tấu lên các điệu dân ca quen thuộc của các dân tộc ở Tây Nguyên, có thể biểu diễn những bản nhạc mới sáng tác theo phong cách Tây Nguyên, có thể phối hòa âm theo truyền thống riêng của Tây Nguyên mà vẫn phù hợp với yêu cầu hiện đại.
(Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch - Tổng cục Du lịch)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch