Di tích lịch sử, văn hóa
Đền Bayon
Chùa Xà Tón - nơi được nhiều tao nhân mặc khách ví như là “Đền Bayon thu nhỏ trên vùng đất chín rồng” nằm ở khu đất rộng trên 2ha giữa trung tâm thị trấn Tri Tôn. Trên bốn mặt tường sơn vàng là hàng trăm gương mặt tượng thần bốn mặt với nụ cười bí ẩn, vô tư.
Vào trong khuôn viên chùa, khách nhàn du cứ ngỡ mình lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh nơi hồng trần. Sau hồ sen hoa nở hồng trên diện tích mặt nước rộng gần 1.500m2 được tiền nhân đào lấy đất đắp nền vào năm 1896 là chánh điện được xây dựng theo lối kiến trúc cổ truyền của người Khơme với nóc nhọn, mái cong uy nghiêm mà hùng dũng, được điểm tô bằng hàng ngàn phù điêu Naga - rắn thần bảy đầu, linh vật tượng trưng cho sự dũng mãnh và bất diệt. Quanh khu vực chánh điện là hàng chục mộ tháp cổ kính, trầm mặc dưới những tán cây lâm vồ (bồ đề) khổng lồ hàng trăm năm tuổi, gốc bằng vòng tay của cả chục người kết nối...
Cùng khung cảnh thiên thai với những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, chùa Xà Tón còn in đậm trong tâm khảm những ai từng ghé thăm bởi những pho tượng cổ hàng trăm năm tuổi, đặc biệt là bộ kinh lá buông (kinh ghi trên lá buông) được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa lưu giữ nhiều sách kinh lá nhất Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, kinh lá là loại thư tịch cổ của người Khơme với qui trình kiến tạo rất công phu, đòi hỏi mất nhiều công sức.
Sư cả Tholly cho biết, buông là loài cây rừng ngày trước có nhiều ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Đây là giống cây có hình dáng như cây cọ. Khi cần sử dụng, nghệ nhân sẽ chọn những búp lá buông non, to bản cột chặt. Khoảng ba tháng sau búp lá dài gần 2m sẽ được chặt rời khỏi cây, mang phơi khô... Khi cần sử dụng sẽ dùng bút sắt viết chữ trên lá, mỗi lá có kích thước 6cmx60cm được ghi năm hàng, viết xong lấy nước trái cau non chà lên lau sạch, khi ấy chữ thấm nước mủ cau hiện rõ. Người viết giỏi mỗi ngày chỉ viết được một lá. Một quyển sách có hàng trăm lá, thường nặng khoảng 1kg. Chùa hiện có hơn 100 quyển kinh. Các sách lá chép lại tiểu sử Đức Phật, các truyện kể dân gian, những thành ngữ, câu đối hay các bài học rút ra ở đời... Những khi phum sóc có lễ hội lớn, các sư ở chùa sẽ lấy kinh lá trăm năm ra đọc, thuyết pháp...
Vì các giá trị về kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật dân tộc cổ truyền... mà chùa Xà Tón được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1986
Nguồn: website An Giang
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch