Di tích lịch sử, văn hóa
Đền Cờn
Đặc điểm: Đây là ngôi đền linh thiêng nhất trong 4 ngôi đền thiêng ở tỉnh Nghệ An: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”.
Với thế cận biển, liền sông, gần đường, sát núi, phong cảnh ở Đền Cờn giống như một bức tranh thủy mặc mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Nghệ An.
Di tích Đền Cờn gồm có hai đền: Đền Cờn Trong và Đền Cờn Ngoài.
Đền Cờn Trong nằm trên gò Diệc, hướng mặt ra dòng Mai Giang thơ mộng, thờ Tứ vị Thánh nương Nam Hải Đại càn quốc gia. Theo thần phả tại đền và một số tài liệu lịch sử như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Tứ vị Thánh nương Nam Hải Đại càn quốc gia là bà Thái hậu Dương Nguyệt Quả, 2 công chúa Triệu Nguyệt Khiêu, Triệu Nguyệt Hương (con vua Tống Độ Tông) và bà nhũ mẫu (Trung Quốc). Năm Thiệu Bảo thứ nhất (1279), do quân Tống thất bại trong trận chiến Tống - Nguyên, Vua Tống Đế Bính cùng quan quân nhảy xuống biển tự vẫn. Thái hậu và 2 công chúa vì thương tiếc nhà Vua cũng nhảy xuống biển tự vẫn theo, thân xác trôi dạt đến cửa Cờn (Nghệ An). Người dân nơi đây đã vớt lên chôn cất và thờ tại Đền Cờn.
Theo sách địa lý - phong thổ, ngôi Đền này có thế đứng giống đầu chim phượng hoàng với hai cánh phượng là hai đồi cát nhô cao giăng dài nằm ngay phía sau đền, hai mắt phượng là giếng Đò, giếng Đình nằm trên hai ngọn đồi này.
Đền Cờn Trong được xây dựng vào thời Trần, phát triển quy mô lớn ở thời Lê, trùng tu nhiều ở thời Nguyễn, bởi vậy, di tích mang đậm phong cách văn hóa cuối Lê đầu Nguyễn. Trải qua thời gian, ngôi Đền hiện chỉ còn tòa Nghi môn, Chính điện, Trung điện, Hạ điện và tòa ca vũ.
Qua cổng Đền vào sân, bước lên 10 bậc đá sẽ tới tòa Nghi môn. Đây là một tòa nhà hình chữ công bề thế, gồm có hai tầng, 8 mái, liền tiếp sau nó là Chính điện, Trung điện và Hạ điện.
Toà ca vũ với ba gian chính và hai gian phụ cũng to rộng, bề thế, có đề tài trang trí đa dạng.
Quy mô Đền Cờn Trong tuy không lớn, nhưng hội tụ nhiều nét văn hoá đặc sắc, từ vật liệu xây dựng Đền cho đến các đường nét chạm khắc, tạo hình… Tất cả cho thấy trình độ tay nghề điêu luyện của người xưa. Tại đây còn lưu giữ 142 hiện vật quý giá. Ngoài các loại bằng sắc, câu đối, đại tự, đồ tế khí: kiệu, tàn lọng, đồ ngà, đồng..., còn có bia đá 2 mặt cao 1,6m, rộng 1,2m dựng năm 1665, chuông đồng đúc năm Cảnh Hưng (1752) nặng 300 kg, 28 pho tượng đá và nhiều tượng gỗ thời Lê.
Đền Cờn Ngoài nằm cách Đền Cờn Trong khoảng 1km, tọa lạc trên dãy núi Hùng Vương, sát cửa biển Lạch Cờn. Đền gồm 3 tòa bố cục theo kiểu chữ Tam, thờ vua quan nhà Tống (Trung Quốc): Tống Đế Bính, Trương Thế Kiệt và Lục Tú Phu. Các vị thần này trước được phối thờ ở Đền Cờn trong, song do quan niệm nho giáo nam nữ bất đồng cung nên đến thời Lê được xây dựng đền thờ riêng.
Đền Cờn xưa nay nổi tiếng linh ứng. Năm Hưng Long thứ 19 (1311), Vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh quân Chiêm Thành, khi đến cửa Cờn, nhà Vua cùng quân lính dừng lại nghỉ ngơi. Ban đêm nhà Vua mộng thấy nữ thần hiện lên và xin giúp nhà vua lập công đánh giặc. Sáng hôm sau, nhà Vua cho vời các bô lão trong vùng đến hỏi mới rõ sự tích. Nhà Vua liền vào đền kính tế. Khi ra quân, Vua kéo quân đến thẳng thành Chà Bàn đánh thắng lớn. Khi trở về kinh đô, nhà Vua làm lễ và phong sắc “Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh Nương”, ban vàng bạc và cho xây dựng mở rộng Đền.
Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), Vua Lê Thánh Tông trên đường mang quân đánh dẹp phương nam cũng dừng chân tại cửa Cờn và vào Đền làm lễ cầu đào. Do Tứ vị Thánh Nương hiển linh phù trợ, nhà Vua đã đánh thắng giặc. Sau khi trở về, Vua ban cấp tiền bạc xây dựng đền và phong sắc “Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh hương thượng thượng đẳng thần Ngọc bệ hạ”, ghi nhận công đức Thánh Mẫu giúp nước, giúp dân. Sang thế kỷ 18, vua Quang Trung đã ban sắc phong với mỹ tự “Hàm hoằng quảng đại” (tức là công lao rộng khắp, to lớn) và “Hàm chương tiết liệt”(nghĩa là nêu gương tiết liệt cho muôn đời).
Từ đó về sau, người dân vùng biển mỗi khi ra khơi, nếu thành tâm vào Đền cầu khấn thì đều được bình an.
Đền Cờn – công trình kiến trúc cổ với nhiều mảng chạm khắc quanh đề tài “Tứ linh, tứ quý”, đã trở thành trung tâm tín ngưỡng văn hóa nổi tiếng không chỉ của người dân vùng biển Quỳnh Lưu (Nghệ An) mà còn là của người dân trên mọi miền tổ quốc.
Lễ hội đền Cờn diễn ra từ ngày 19 - 21/1 âm lịch hàng năm là dịp để người dân trong vùng cũng như du khách thập phương đến Đền chiêm bái và tưởng nhớ công ơn của Tứ vị Thánh Nương. Với các hoạt động như: chạy ói, diễn trận thủy chiến giả gắn với truyền thuyết dựng đền, đu tiên, đấu vật, đánh cờ người, đua thuyền rồng, hát tuồng, chèo, chầu văn..., chắc chắn sẽ đem lại nhiều điều thú vị cho du khách.
Ngày 29/1/1993, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có quyết định số 68/QĐ-BVHTT công nhận Đền Cờn là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.
(Nguồn: dulichvietnam)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch