Di tích lịch sử, văn hóa

Đền Din

Đền Din nằm ở xóm Chiền, thôn Hiệp Luật, xã Nam Dương, huyện Nam Trực. Từ thành phố Nam Định, đi theo đường 55 đến cây số 12 rẽ trái khoảng 500m là tới đền. Đây là một di tích có kiến trúc gỗ khá hoàn chỉnh, tiêu biểu của vùng Sơn Nam Hạ. Đền Din xưa kia có tên là Nam Phong tổ từ, do những người quê ở Phong Châu lập nên để thờ các vị tổ lập làng vào năm 672. Hiện nay vị thần chủ của đền là Kiều Công Hãn có tượng đồng ở chính tẩm, còn hai bên tả hữu có thờ 12 họ: 6 họ lập ấp và 6 họ kế thành.

Kiều Công Hãn là con cả của ông Kiều Công Chuẩn, hai em ông là Kiều Công Định và Kiều Công Thuận đều làm quan dưới triều Ngô Quyền. Khi vua Ngô chết, em vợ là Dương Tam Kha lên cướp ngôi buộc con cả của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập phải trốn sang Nam Sách (Hải Dương).

Năm 950, Ngô Xương Văn lập mưu lật đổ Dương Tam Kha, giành lại ngôi vua cho nhà Ngô. Năm 965, Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn bị bắn chết trong một trận giao chiến với giặc Chu Thái ở hương Thái Bình (Đường Lâm – Sơn Tây), con Thiên Sách Vương là Ngô Xương Xí nối nghiệp vua nhưng thế lực ngày một yếu, không quy tụ được quần thần, mỗi thủ lĩnh cát cứ một vùng nên đã gây ra cảnh chia cắt đất nước. Đó là loạn thập nhị sứ quân, chia đất nước thành 12 vùng, do 12 thủ lĩnh cát cứ. Trong đó Kiều Công Hãn là một trong 12 sứ quân, trấn giữ vùng Phong Châu (Bạch Hạc –Phú Thọ).

Khi Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư được Trần Lãm giúp đỡ tiến hành chinh phạt 11 sứ quân khác. Năm 967, Kiều Công Hãn bị thất trận phải chạy qua vùng An Lá (Nghĩa An – Nam Trực) thì bị thổ hào Nguyễn Tấn đem dân binh đến tập kích chém trúng cổ. Ông xé lụa quấn lấy cổ, chạy về đến vùng đất Hiệp Luật thì dừng lại ở quán bà hàng nước. Bà hàng nước dâng gỏi cá trắm cho ông ăn, ăn xong ông hỏi: “Bị thương thế này có sống được không?”Bà hàng nước chỉ vào đống đất cao gần đền nói: “Đây là nơi nghỉ tốt lành cho tướng công đó”. Kiều Công Hãn bước ra, cởi áo nằm xuống đống đất rồi hóa. Dân làng Hiệp Luật trông thấy sợ hãi bỏ đi. Dân làng Bái Dương lấy chiếu ra đắp. Sáng hôm sau, mối đùn thành mộ che kín khắp người. Nhân dân gọi là mộ thiên táng. Người dân ở đây nghĩ rằng Kiều Công Hãn là người cùng quê nên rút chân nhang ở mộ vào đền thờ. Sau này cả 4 làng Bái Dương, Tang Trử, Cổ Lũng, Hiệp Luật cùng thờ nhưng phải tôn làng Bái Dương là cả, Tang Trử là thứ nhì, Cổ Lũng thứ ba và em út là Hiệp Luật.

Thời vua Lý Nhân Tông (1072-1128), một lần vua đi qua mơ thấy Kiều Công Hãn báo mộng phò giá. Ngày trở lại, vua cho cấp ruộng, sắc phong làm thành hoàng nên từ đó Kiều Công Hãn trở thành vị thần chính của đền. Đến niên hiệu Hoằng Định (1601- 1619), chúa Trịnh đi tuần thú, cho dân 700 lạng bạc, cấp tế điền 10 mẫu, tu sửa đền, cho khắc bia đá ghi việc. Đến thời vua Quang Trung, Gia Long, Minh Mạng, Thành Thái đều có tu sửa nhỏ. Hiện nay vẫn còn sách vở, câu đối, đại tự hay rường cột của đền ghi việc tu sửa.

Xưa kia đền chỉ làm tế lễ từ mồng 2 đến mồng 6 tháng Chạp nhân ngày chính kỵ của cụ tổ lập làng (5-12). Đến thời Lý, Kiều Công Hãn được phong làm thành hoàng, kỵ ngày 10 tháng Chạp nên lễ hội làng được kéo dài đến ngày 12 tháng chạp. Đến nay vẫn còn bài thơ Nôm ghi việc lễ Thánh tổ, Thành hoàng:

Mồng hai cáo kỵ phân minh

Mồng ba vào đám rõ ràng nhớ cho

Mồng năm giỗ tổ mổ bò

Mồng mười cá trắm chớ ngờ mà sai

Thành hoàng Kiều Công là ai

Cũng quê ở đất tổ đời Đường xưa

Mười một tế tạ dù mưa

Kính thành ta phải sớm trưa chớ lười.

Điều đặc biệt trong lễ hội Đền Din là có phần thi cá trắm. Từ chiều mồng 9, cả bốn làng theo thứ tự: Bái Dương, Tang Trử, Hiệp Luật, Cổ Lũng đều rước kiệu đến sân đền với lễ vật lấy cá làm chính. Mỗi làng cử một trai tráng đảm nhận việc bế cá, làng nào lễ thì trai làng ấy phải bế cá. Dùng bao mới bọc lấy lưng bụng và quay đầu cá lên trên mà ôm. Cứ điểm tế thì vuốt đuôi cá một lần. Tế xong, con to nhất phần người hành tế, con thứ nhì phần các kỳ hào, con thứ ba phần làng làm cỗ còn già cả trong tổng thì ăn cua luộc, bánh dày, cam sành…Vào ngày này cả bốn làng đều tập trung ở đền ăn cỗ. Ngày nay, 4 làng xưa đã hình thành 19 xóm, vào kỳ hội, mỗi xóm chuẩn bị hai kiệu (cá, bánh) rước lên đền cúng Thành hoàng và tham dự thi. Có những năm, con cá trúng thưởng nặng gần 20 kg, bánh chưng, bánh dày đạt tiêu chuẩn ngon, trắng, mịn cũng nặng đến cả chục kg.

Đền Din được xây dựng theo hướng nam trên một mảnh đất vuông vắn, có hai tòa nhà thờ tự cách nhau bởi một sân rộng. Tòa bên ngoài hình chữ nhất, có ba gian, kiểu cổ đẳng tám mái, đao cong. Tòa này có 4 cột cái, 10 cột quân, làm thành hai bộ vì kiểu chồng rường giá chiêng. Mặt trước lắp đặt hệ thống cửa ô, trên là song vuông, dưới đóng đố. Đồ thờ tự được đặt tập trung ở gian giữa. Mặt phía sau không có cửa, nhìn vào tòa nhà thờ bên trong.

Tòa nhà thờ phía trong xây dựng theo hình chữ đinh có 2 cung. Cung ngoài 5 gian lợp ngói mũi hài, được dựng lên bởi 12 cột cái, 24 cột quân, phía trên là 6 bộ vì kiểu chồng rường giá chiêng. Cung trong 2 gian, bộ vì được làm bằng gỗ lim, có tượng Kiều Công Hãn bằng đồng đặt trong khám long đình. Hai bên tả hữu của tòa nhà là hai dãy hành lang với hàng cột rất thấp, thờ các quan hộ vệ bản đền. Ngoài cổng, phía bên phải, người xưa đã xây dựng một ngôi đền nhỏ thờ bà hàng nước Phạm Thị Oanh. Ngôi đền này hình chữ đinh, tiền đường 3 gian, hậu cung 1 gian, trong có đặt bát hương đá và bài vị thờ bà. Trước cổng đền còn có cây đa cổ kính, xòe tán lá rộng bao quanh một giếng được xếp bằng đá, tạo thêm hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam thanh bình mà mộc mạc.

(Nguồn: dulichnamdinh.com.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *