Di tích lịch sử, văn hóa
Đền Thác Bà
Đền Thác Bà thuộc thị trấn Thác Bà huyện Yên Bình được công nhận là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh theo quyết định số 701/2004 QĐ-UB ngày 28/12/2004.
Đền Thác Bà hay đền Mẫu Thác Bà - là tên gọi duy nhất, trước sau không hề thay đổi.
Khi chưa có nhà máy Thuỷ điện, đền Thác Bà định vị tại điểm cân bằng phía đông xã Minh Phú huyện Yên Bình, cách thị trấn huyện lỵ cũ 15 km và thành phố Yên Bái 35 km về phía đông nam.
Bố cục thiết kế có dạng đặc dị: lưng quay ra đường 13 A (nay là khu vực Nhà máy Thuỷ điện) nhưng lại giữ vị thế chính môn, nơi Tam Quan bề thế vươn cao, còn tiền diện lại hướng ra sông Chảy có thác đá chảy xiết vào mùa cạn và sóng vỗ ì ầm giáp cửa đền khi mùa lũ. Các cụ địa phương nói rằng: nét đặc dị đó là do phong thuỷ và dân cảnh tạo nên thế toạ lạc của đền trên dải đất hẹp.
Sân đền sát bờ sông, cổng tam quan kề quốc lộ. Thế đứng của đền vừa hứng thụ khí địa linh ứng của trời đất, vừa tiếp đón khách thập phương chiêm bái thuận tiện. Lý do vừa tiền vừa hậu là như thế, ngẫm cho cùng thì cách phân tích này đều có sự hợp lý của nó.
Do vậy, hậu đền đậm dáng dấp trần tục đơn sơ song lại hướng đông người và xe cộ; thác sông và dãy sơn lâm trùng điệp bên kia tả ngạn khắc hoạ lên không gian tiền diện đền một cảnh trí hoang dã bóng người.
Theo yêu cầu xây dựng nhà máy Thuỷ điện Thác Bà, tháng 4 năm 1963, nhà đền, thiện nam tín nữ và toàn dân xã Minh Phú tự nguyện rước Mẫu sang xã Vĩnh Kiên bên kia sông Chảy cách vị trí đền Thác Bà 5km để lấy chỗ thi công.
Ngoại trừ truyền thuyết "ông Khổng bà Không" và "Hai ông bà đi buôn" giận dỗi nhau không mấy liên quan hợp lý tới đền Mẫu, người ta chú ý tới chuyện "Tần nữ được thờ ở Thác Bà là con gái vua Hùng thứ 18 với tên Ngọc Hoa Công Chúa". Thần tích Ngọc Hoa không có nhưng mọi người thừa nhận sự kiêng huý danh xưng "Hoa" của bà con địa phương. Các cụ già còn kể thêm: "Ngày xưa Vua Hùng có ba người con gái lên trông giữ ở ba cửa rừng, một ở núi Giùm bên bờ sông Lô (Tuyên Quang), một ở Đông Cuông bên bờ sông Hồng (Yên Bái) và một ở Thác Bà bên bờ sông Chảy. Tuy nhiên, thần tích của Đền Đông Cuông và đền Giùm không xác định như vậy.
Nữ thần Diệu Minh Đạt là vị duy nhất được nhắc đến trong sắc phong cùng văn chầu và bài khấn. Ngài choàng khăn đỏ, vận áo đỏ. Không rõ thân thế.
Ngoài thần Diệu Minh Đạt, đền còn thờ Tam Phủ và các Hoàng Cô Hoàng Cậu như các đền khác.
Đầu năm, ngày 8 và 9 tháng giêng âm lịch, Đền Mẫu Thác Bà tổ chức tiệc mẫu: Lễ chay ở hậu cung có bốn bát chè kho đậy kín bằng bống bát úp trên và thanh bông hoa quả. Ngoài công đồng bày lễ phẩm mặn: gà trống luộc chín, oản, xôi, hoa quả. Hát chầu văn ca ngợi công đức Mẫu và rước kiệu Mẫu lên đền Đồng Sủng (thuộc xã Văn Chính nay đã chìm ngập dưới lòng hồ). Quanh đền diễn ra các trò chơi: ném còn, đánh yến, chọi gà, vật...
Cuối năm, lễ thường vào ngày 10/10 âm lịch. Khách hành hương và con nhang đệ tử phần đông là dân Yên Bình. Có một loại thiện nam tín nữ độc hữu của đền Thác Bà: khách bái vọng gồm các chủ bè, chủ buôn sông nước và chân sào mỗi khi thuyền bè qua đền đều "ném tiền xuống thác" và đốt hương vàng vái với, cầu xin Mẫu và chư thần phù hộ bình yên.
Đồ thờ trong Đền gồm: một pho tượng gỗ, sơn thiếp, vận sắc phục đỏ, thờ trong hậu cung. Bốn góc có bốn pho tượng nữ gỗ tô mầu tượng quanh tượng Mẫu.
Sắc phong có 6 bản gồm: Tự Đức năm thứ 33 (1880) gồm một bản chính và một bản sao phong cho thần nữ Diệu Minh Đạt. Đồng Khánh năm thứ 2(1887) phong cho thần nữ Thục Diệu Minh Đạt. Duy Tân năm thứ 3 (1907) phong lần thứ 2 cho thần nữ Thục Diệu Minh Đạt. Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho thần nữ Huyền Diệu Minh Đạt...Ngoài ra còn có một sắc phong đời Lê Cảnh Hưng bị thất lạc.
Sau khi được trùng tu tôn tạo, nhìn về xuôi đền Mẫu tọa lạc bên hữu ngạn sông Chảy, nhà máy Thủy điện Thác Bà định vị giữa dòng, khối tượng đài an bài ngay ngã ba sát mép đường bến Cảng và đầu đường đập bên phải nhà máy, làm gạch nối giữa đền Mẫu và nhà máy Thủy điện. Cả ba dang tay hướng về đất Tổ Hùng Vương, tạo sinh một bình tuyến độc hoành, mang trong mình âm hưởng, ngôn ngữ, tư duy về quá khứ, hiện tại, vị lai.
Hiện nay, hậu cung Đền Mẫu có Tông tượng Mẫu Thác Bà; Cung giữa: Thờ Tam Tòa Thánh Mẫu; Cung Công Đồng ngoài: Giữa là khoang Tứ Phủ, bên phải (nhìn vào) bày tượng ông Hoàng Bát tức ông Bát Nùng, bên trái là tượng bà Thủ Đền. Ở cung chính tâm: Hàng cao thờ Tam Phủ: Đức Ngọc Hoàng, quan Nam Tào (bên phải nhìn vào, quan Bắc Đẩu (trái); hàng thấp tôn Ngũ Vị Tôn Ông với ông Hoàng Bảy (bên phải) và ông Hoàng Mười (bên trái). Cung hữu (nhìn vào) là bàn thờ Ban Trần Triều có tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo. Cung tả thiết lập phủ "Chúa Sơn Lâm"Có 2 tượng cô hầu và 12 cô Sơn Trang.
Tiếng chuông thánh thiện của đền, tiếng máy trầm hùng, tiếng ẩn dụ nội tâm của tượng đài như muốn nói với hết thảy người đời điều kỳ diệu thiêng liêng vừa trở thành hiện thực trong giai đoạn lịch sử oanh liệt của dân tộc ta, một sản phẩm vật chất tinh thần khôi nguyên phản ánh nguyện vọng, tâm linh, ý chí do Đảng ta khởi nguồn và lãnh đạo.
(Nguồn: yenbai.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch