Di tích lịch sử, văn hóa

Đền Thác Bờ

Thác Bờ là đoạn sông Đà chảy qua khu vực chợ Bờ, thuộc xã Hào Tráng (nay là xã Thung Nai, huyện Cao Phong và xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc).

Đến với đền Thác Bờ du khách có thể đi bằng các tuyến đường thuỷ:

Từ cảng xã Thái Thịnh trên đập thuỷ điện Hoà Bình, từ đây khoảng một tiếng đồng hồ ngồi trên thuyền, du khách có thể thưởng ngạn phong cảnh lòng hồ sông Đà mênh mông kỳ thú. Thuyền sẽ đưa du khách đến với Đền Thác Bờ.

Từ cảng du lịch Thung Nai, xã Thung Nai, huyện Cao Phong, du khách có thể ngồi thuyền máy khoảng 15 phút, thuyền sẽ đưa du khách đến với Đền Thác Bờ.

Từ bến Nước, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, du khách có thể ngồi thuyền máy khoảng 45 phút, thuyền sẽ đưa du khách đến với Đền Thác Bờ.

Thác Bờ:

Thác Bờ xưa còn gọi là thác Vạn Bờ, được tạo bởi hàng trăm mỏm đá lớn nhỏ nhấp nhô như đàn voi khổng lồ giữa dòng sông Đà gầm thét ồn ào, sinh ra một kỳ khu hiểm lộ. Theo sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn chép rằng: “Đường sông - tức sông Đà - thác ghềnh hiểm trở gồm 83 thác có tiếng, mà Vạn Bờ là thác nguy hiểm thứ nhất”.

Khi nói về Thác Bờ, sáchĐại Nam nhất thống chí đã chép như sau: “Ở địa phận Đà Bắc, gần châu lị, đằng trước trông ra sông Đà, có núi Long Môn, tên nữa là núi Thác Bờ, đá núi chắn ngang nửa dòng sông, thế nước xoáy mạnh ầm ầm, trông rất dữ dội. Đầu đời Lý, quân đi đánh Ma Sa đóng ở mỏm Long thuỷ, hồi đầu đời Lê đi đánh Đèo Cát Hãn, đường qua đê Long thuỷ, tức là chỗ này. Ngay giữa ghềnh đá có một chỗ rộng chừng 5,6 trượng, người ta gọi là “ao vua”, tức là bến sông Vạn Bờ xưa thuộc xã Hào Tráng, châu Đà Bắc”…lại có tên núi nữa là núi Ngải. Sách Đại Thanh nhất thống chí chép: “núi ở huyện Gia Hưng; trông ra sông cái…tương truyền trên núi có cây ngải tiên, mùa xuân nở hoa, sau khi mưa, hoa rụng xuống nước, con cá nào nuốt phải hoa ấy thì vượt được Long - môn mà hoá thành rồng. Nay núi Long môn châu Đà Bắc, trước mặt trông ra sông Đà, gần đê Long thuỷ, có lẽ là đấy”. Phần chép về sông Đà, có đoạn như sau: “có 83 thác nổi tiếng mà Vạn Bờ là thác nguy hiểm nhất; bờ bên hữu sông là động Thượng và động Hạ thuộc Châu Mai, bờ bên tả là các động Tân An, Hào Tráng, Hiền Lương và Dĩ Lí thuộc Châu Mộc”.

Qui-di-ni-e trong tác phẩm Người Mường, cũng đã viết về sông Đà: “Dù tuân theo những chiều hướng địa cấu học hay chảy vào những khe núi thì dòng sông này cũng bị cắt bởi những thác ghềnh hay bị các đập đá tự nhiên bằng đá làm bế tắc. Một trong những đập đá đồ sộ nhất là đập chợ Bờ, nó đem lại cho phong cảnh nơi đây cái vẻ đường bệ trang nghiêm riêng của hai bờ sông Đà”.

Tương truyền vào khoảng năm 1430 - 1432, vua Lê Lợi niên hiệu Thuận Thiên đem quân đi dẹp loạn giặc Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ, Sơn La. Khi vua Lê Lợi kéo quân đến khu vực Thác Bờ thì thấy giữa dòng nước xoáy phía trước là một thác nước hiểm trở xô bọt trắng trời, với muôn vàn mỏm đá lởm chởm nên đoàn quân không thể tiến lên được.

Lúc bấy giờ ở xã Hào Tráng có cô gái người dân tộc Mường tên là Đinh Thị Vân và  cô gái ng­ười dân tộc Dao (không rõ tên) ở xóm Mó Nẻ, xã Vầy Nư­a, huyện Đà Bắc đứng lên vận động trai tráng trong bản lên rừng xẻ ván, đóng thuyền độc mộc, kêu gọi nhân dân chặt nứa kết thành bè mảng, góp l­ương thực, thực phẩm cho nhà vua nuôi quân và chở giúp quân sĩ qua Thác Bờ đi đánh giặc.

Trên đường chiến thắng trở về, vào tháng 3 năm Nhâm Tý (1432) vua Lê Lợi dừng chân ở Thác Bờ. Nhà vua dừng lại làm lễ khao quân ngay tại Thác Bờ và 2 cô lại vận động bà con trong bản góp cơm lam, thịt muối chua, r­ượu cần, múa hát điệu thư­ờng rang, bọ mẹng, ném còn, múa xoè để liên hoan mừng chiến thắng.

Về sau khi hai bà mất, hai bà thường hiển linh và giúp đỡ mọi người mỗi khi vượt qua thác ghềnh hiểm trở. Từ đó nhân dân đã phong cho 2 bà là bà chúa Thác Bờ. Vua đã ban chiếu chỉ cho dân trong vùng lập đền thờ 2 bà.

Trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính thì hiện nay Đền Thác Bờ toạ lạc trên dải đất của hai huyện là Đà Bắc và Cao Phong, tỉnh Hoà Bình.

Đền Thác Bờ phía tả ngạn nằm trên đỉnh đồi Hang Thần có tổng diện tích trên 1ha, thuộc xóm Phố Bờ, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc. Phía Đông và phía Tây giáp khu dân cư xóm phố Bờ; Phía Nam giáp lòng hồ Sông Đà; Phía Bắc giáp một phần lòng hồ Sông Đà và dãy núi của xã.

Từ dưới bến thuyền du khách phải leo qua hơn 100 bậc sau đó theo một triền dốc thoải là vào đến khu vực đền. Qua nhiều lần trùng tu đền được xây dựng lại vào ngày 15/4/1993 với kiến trúc như hiện nay. Gồm 3 gian, mái đền bằng bê tông cốt thép, được thiết kế theo kiểu vòm cuốn.

Đền Thác Bờ có cấu kiến trúc mặt bằng hình chữ Đinh gồm: nhà Đại bái và nhà Hậu cung, phía trước đền gồm 5 cửa (ngũ quan). Trên mỗi cửa có mái nhỏ lợp bằng ngói ri, 2 bên được tạo dáng đầu đao uốn cong rất mềm mại. Cửa chính bên trên có bức đại tự ghi 4 chữ Hán. Trên nóc có đắp nổi mặt rồng chầu. Trên mỗi vòm cửa đắp 1 đôi hạc đậu trên cành tùng, chim ph­ượng cắp cuốn th­ư so le nhau. Hai bên tả, hữu cửa vào đắp hình 2 ông Khuyến thiện và Trừng ác.

Qua cửa ngũ quan đến 1 khoảng hiên rộng du khách sẽ vào 1 lần cửa nữa mới vào bên trong đền. Trước ban thờ chính có treo bức đại tự bằng chữ Hán: “Sơn nhạc trung linh” (tiếng chuông linh thiêng trên núi lớn). Hiện nay tại di tích này còn lưu giữ được 01 quả chuông đồng được đúc vào tháng 2, năm Thành Thái thứ 6 (1895).

Đền Thác Bờ phía hữu ngạn:

Đền toạ lạc trên sườn đồi Sầm Lông, thuộc xóm Đền, xã Thung Nai, huyện Cao Phong. Trước đây Đền Thác Bờ được xây dựng, ngay d­ưới chân Thác Bờ với nguyên vật liệu chỉ là tranh tre, nứa lá.

Năm 1979 công trình Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình trên Sông Đà được khởi công xây dựng. Do nước dâng cao, ngôi đền đã phải di rời lên sườn núi ngay cạnh bờ sông, qua nhiều lần tu sửa đến năm 2000 Ngôi đền đ­ược nâng cấp xây dựng khang trang nh­ư hiện nay.

Đền có cấu trúc mặt bằng hình chữ đinh, gồm đại bái 3 gian và hậu cung. Gồm hai tầng lưng tựa vào núi, mặt đền quay theo hướng Tây Bắc hướng ra sông Đà. Tầng 1 được dùng làm nơi nghỉ trọ cho khách hành hư­ơng, tầng hai là nơi thờ tự. Đền được xây dựng bằng xi măng cốt thép, trần đổ mái bằng, giữa bờ nóc đắp hình l­ưỡng long chầu nguyệt, mô phỏng dáng dấp hình con rồng thời Nguyễn. Cầu thang lên xuống được thiết kế bên phải của đền. Vào mùa khô du khách thăm đền phải leo bộ hết 108 bậc, vào mùa mưa n­ước dâng cao lên sát nền móng đền.

Đền thờ bà Chúa Thác Bờ ngoài ra trong đền hiện nay các vị thần, thánh trong tín ngưỡng dân gian người Việt cũng được nhà đền đưa vào thờ trong đền như: Ban thờ Công đồng quan lớn, Ngũ vị Tôn ông; Ban thờ bà chúa Sơn Trang (Động Sơn Trang); Ban thờ Tứ phủ Thánh cô, Tứ phủ Thánh cậu; Ban thờ Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn; Ban thờ Tứ phủ Chầu bà; Ban thờ Tam toà Đức Thánh Mẫu...

Thời gian diễn ra lễ hội: Trước đây hội chính đ­ược tổ chức quy mô 3 năm 1 lần vào ngày mồng 7 tháng giêng âm lịch.

Hội lệ đ­ược tổ chức th­ường niên mỗi năm 1 lần vào ngày mồng 7 tháng giêng âm lịch.

Do nhiều yếu tố khách quan từ những thập niên 50 của thế kỷ trước cho đến nay, lễ hội Đền Thác Bờ chưa được tổ chức phục dựng lại.

Di tích Đền Thác Bờ nằm trong chuỗi du lịch lòng hồ sông Đà và di tích danh thắng Động Thác Bờ, xã Ngòi Hoa và các bản làng du lịch văn hoá ở các địa phương trong vùng lòng hồ sông Đà, đây là địa điểm rất thuận tiện và hấp dẫn cho du khách trong tuyến du lịch lòng hồ sông Đà hiện nay.

(Nguồn: hoabinh.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *