Di tích lịch sử, văn hóa
Đền Thánh Mẫu
Tín ngưỡng thờ Mẫu đã có những tác động tích cực đến các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trải qua các giai đoạn tiến hoá của loài người từ chế độ mẫu hệ thị tộc tới thời kỳ hiện đại ngày nay vai trò quan trọng của người mẹ vẫn luôn được khẳng định, chính vì vậy cùng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ mẹ thuần Việt đã trở thành Đạo thờ Mẫu thuần Việt trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Tại các chùa chiền Việt Nam từ xưa đến nay ngoài chính điện thờ Phật, bao giờ cũng có ban thờ Mẫu và thờ các mẫu trong đạo Mẫu.
Vĩnh Phúc là tỉnh vinh dự được thờ cả ba Mẫu đặc trưng trong đạo mẫu Việt Nam: Quốc Mẫu, Vương Mẫu và Thánh Mẫu. Quốc Mẫu được thờ tại Tây Thiên – Tam Đảo; Vương Mẫu được thờ tạiđền thờ Hai Bà Trưng - Mê Linh (Vĩnh Phúc cũ nay thuộc Hà Nội), Thánh Mẫu được thờ tại Thanh Lãng – Bình Xuyên.
Đền Thánh Mẫu tại xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên là một dẫn chứng cụ thể cho tín ngưỡng thờ thánh Mẫu trong đạo Mẫu của người Việt Nam.Đền là nơi thờ vị Thánh Mẫu người sinh thành ra năm anh em chàng Vịt có công trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Ngôi đền đã góp phần không nhỏ vào sự hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu Thánh tại Vĩnh Phúc. Hiện nayđền còn lưu giữ cuốn ngọc phả về “Sự tích đức Thánh Mẫu và năm vị đại vương” theo đó: “Thánh Mẫu” là cháu ngoại của Triệu Vũ Đề, tên là Triệu Thị Khoan Hoà, là người con gái nhan sắc tuyệt vời nên được lấy làm thứ phi của vua Triệu Vệ Dương Vương. Khi nhà Triệu sụp đổ bởi nhà Hán, vua Triệu Vệ Dương Vương bị bắt đem về phương Bắc, bà phải mai danh ẩn tích lánh đi nơi khác.Đến chùa Quảng Hựu xã Thanh Lãng huyện Bình Xuyên thấy phong cảnh chùa yên tĩnh bèn ở lại chùa. Trong một đêm trăng thanh gió mát bà nằm chiêm bao thấy vị thần tự xưng là thần Vịt đến gặp bà, sau đó khi tỉnh dậy biết mình đã nằm mơ. Nhưng thật kì lạ, sau hôm nằm chiêm bao bàđã mang thai và sinh ra năm người con trai khôi ngô tuấn tú.
Sau này Thánh mẫu mất tại chùa và được nhân dân mai táng tại khu Minh Lương xã Thanh lãng. Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, năm người con của Thánh Mẫu đã khôn lớn, sức vóc hơn người đều gia nhập cuộc khởi nghĩa tại sông Hát. Do lập được nhiều chiến công hiển hách, cảnăm vị đều được Hai Bà Trưng ban thưởng phong chức tước, trở thành năm vị tướng quân.
Nhờ sự giúp sức của năm anh em chàng Vịt và cùng nhiều các vị tướng tài giỏi khác. Chỉ trong thời gian ngắn Hai Bà đã thu phục được 65 thành trì. Bà Trưng Trắc xưng vương.
Ba năm sau khi đất nước được thanh bình, Mã Viện cùng Lưu Long đem 30 vạn quân sang xâm chiếm nước ta. Thế giặc mạnh nên quân của Hai Bà Trưng chống cự không nổi. Hai Bà tử trận, năm anh em chàng Vịt chạy về Yên Lan tự sát để khỏi rơi vào tay giặc.
Bà Triệu Thị Khoan Hoà tuy không trực tiếp đứng dưới cờ của Hai Bà Trưng, nhưng bằng sự giáo dưỡng của Bà, năm người con trai đã trở thành những vị tướng lĩnh tài giỏi và hiếu nghĩa giúp Hai Bà Trưng giành được độc lập. Sau này Bà được nhân dân tôn xưng, lập đền thờ tự khi bà mất (theo sử sách ghi lại bà mất tại chùa vào ngày 10 tháng 11 âm lịch). Danh hiệu Mẫu của Bà được suy tôn từ trong số các nữ thần được thờ cúng trong một số làng xã tại Vĩnh Phúc. Trải qua các triều đại, Bà được truy phong ở hàng Thánh Mẫu năm Khải Định thứ 9 (1924) và sau này là“Thượng Đẳng Phúc Thần” được toàn dân thờ phụng, tưởng niệm với lòng thành kính.
Trong chiến tranh, mảnh đất Thanh Lãng đã bị tàn phá nặng nề, nhưng cho đến nay khu đền Thánh Mẫu vẫn được người dân bảo vệ chu đáo. Các di vật quý như: các sắc phong, bàn thờ, đòn kiệu và các đồ tế khí…vẫn còn cho đến ngày nay.
Hàng năm cứ vào ngày 10 tháng 11 (âm lịch), người dân Thanh Lãng lại mở hội làng. Người người náo nức đua nhau đi xem hội với các trò vui như : vật cổ truyền, đánh cờ, và cùng nhau rước kiệu... Ngày hội không những là ngày vui của làng mà còn là dịp để con cháu và du khách thập phượng tụ hội, tưởng nhớ tới vị Thánh Mẫu người có công sinh thành ra năm anh em chàng Vịt.
Nhằm răn dạy con cháu nhớ về nguồn cội, nhận ra những giá trị văn hoá, nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc và những tác động không nhỏ của tín ngưỡng thờ mẫu đến văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam. Chủ chương chính sách phát triển du lịch của tỉnh luôn chú trọng du lịch tâm linh “Về với Mẫu”. Chính vì vậy các đền thờ Mẫu tại Vĩnh Phúc nhận được sự quan tâm sâu sắc của chính quyền địa phương và người dân trong việc tu bổ và gìn giữ những giá trị văn hoá vật thể vàphi vật thể./.
(Nguồn: vinhphuc.gov.vn )
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch