Di tích lịch sử, văn hóa
Đền Vạn Lộc
- Vị trí - Địa điểm: |
Làng Vạn Lộc, phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An |
- Cấp bậc - xếp hạng: |
Di tích lịch sử Quốc gia công nhận năm 1991 |
- Cơ quan quản lý: |
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịc |
Giới thiệu chung:
Đền Vạn Lộc là nơi thờ Thái uý Quận công Nguyễn Sư Hồi, người có công chiêu dân, lập ấp nên làng Vạn Lộc cách đây hơn 500 năm và thờ một số vị thần, các nho sinh, khoa bảng của làng.
Nguyễn Sư Hồi, nhân vật chính được thờ trong đền là con trai trưởng của Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí, một trong những vị khai quốc công thần của nhà hậu Lê. Sinh ra trong một gia đình có thần thế (quê ở xã Nghi Hợp, Nghi Lộc, Nghệ An), được dạy dỗ đến nơi đến chốn, ông đã tiếp nhận được dòng máu anh hùng, sớm bộc lộ tài năng văn võ. Là một vị tướng có tài thao lược nên Nguyễn Sư Hồi được nhà vua gả công chúa. Ông cùng người cha của mình và một số vị trung thần có công diệt bọn phản nghịch cướp ngôi, đưa Lê Tư Thành (tức Vua Lê Thánh Tông) lên ngôi, góp phần xây dựng nên thời kỳ hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam (thế kỷ XV). Sau khi Nguyễn Xí mất (1465), thực hiện kế sách của triều đình và lời di huấn của cha, Nguyễn Sư Hồi xin về trấn thủ vùng cửa biển Nghệ An để khai khẩn đất đai, bảo vệ vùng biên cương phía Nam của đất nước. Nhà vua đã phong Nguyễn Sư Hồi làm Trấn thủ thập nhị hải môn (canh giữ 12 cửa biển từ Sầm Sơn đến Cửa Tùng, đặt căn cứ chính ở Cửa Xá (Cửa Lò ngày nay). Sử sách ghi lại, Nguyễn Sư Hồi đã tập hợp những người nông dân và dân chài khai khẩn đất đai, lập ra làng Vạn Lộc (nay là phường Nghi Tân). Chẳng bao lâu sau, làng Vạn Lộc được mở mang, trở thành một làng có đời sống khá giả, ngành nghề đa dạng, con em đậu đạt nhiều. Năm 1506 Nguyễn Sư Hồi mất, triều đình ban cho làng lập đền thờ. Đền thờ Nguyễn Sư Hồi được hoàn thành vào năm 1508 và được sắc phong là Thượng đẳng phúc thần.
Đền Vạn Lộc nằm giữa một quần thể núi non, sông nước hùng vĩ, hữu tình: trước mặt là núi Bảng Nhãn, bên phải là núi Rồng, trái là Tượng Sơn, sau lưng có núi Lò (Lô Sơn), phía Đông và Nam có đảo Lan Châu, Song Ngư, đảo Mắt. Cảnh đẹp của vùng Vạn Lộc đã được nhiều văn nhân, thi sĩ phóng bút đề vịnh.
Ðền Vạn Lộc gồm ba tòa (chữ tam): thượng điện, trung điện, hạ điện, mỗi tòa ba gian, mái ngói mũi hài, nóc đắp hình hai rồng chầu mặt trời. Trung điện xây cất sớm nhất, thời Lê. Sau vài lần trùng tu, nay được sửa sang tôn tạo, ngôi đền này khá bề thế, lưu giữ trên rường, bẩy, đồ thờ... nghệ thuật chạm trổ đặc sắc của miền biển các thời Lê, Nguyễn.
Cổ vật quý hiếm là hai ngai thờ, hai bộ song kiếm, cùng bộ bát bửu (tám loại binh khí) chạm trổ tinh vi, sơn son thếp vàng giữ được từ thời Lê, bên cạnh những lư hương, hạc chầu... đồng đen đầu thời Nguyễn.
Trong lịch sử khoa bảng, Vạn Lộc còn nổi tiếng ở xứ Nghệ với 66 tú tài, 12 hương cống, cử nhân, 1 phó bảng, 1 tiến sĩ. Về võ và y học, mảnh đất này cũng khá nhiều người tài nên được người xưa đúc kết "Văn dành đỉnh bút/ Võ chiếm đề đao/ Nền y học chưa nơi nào sánh kịp". Vì vậy, bên cạnh thờ Nguyễn Sư Hồi, nhân dân còn thờ một số vị thần và nho sinh khoa bảng ở Đền Vạn Lộc.
Mỗi độ Tết đến Xuân về, thường 3 năm một lần, nhân dân vùng sông nước Cửa Lò lại long trọng tổ chức Lễ hội Đền Vạn Lộc để tưởng nhớ công ơn Thái uý Quận công Nguyễn Sư Hồi cùng các vị thần được thờ trong đền và cầu sóng yên, biển lặng, mùa màng bội thu.
(Nguồn: cinet.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch