Di tích lịch sử, văn hóa

Di tích Đài Kỷ niệm

Di tích Đài Kỷ niệm (Đài chiến sĩ) được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 1288/VH-QĐ ngày 16 tháng 11 năm 1988.

Đài Kỷ niệm nằm ở trung tâm thành phố Biên Hòa, ngay kế khu trung tâm văn hóa Quảng Trường tỉnh, nằm giữa hai trục lộ: Quốc lộ I và Quốc lộ 1K. Công trình này được chính quyền thực dân Pháp xây dựng vào năm 1923 với tên gọi “Đài Kỷ niệm người Việt trận vong”. Trước đây, Đài thuộc làng Bình Trước, tổng Phước Vinh Thượng, tỉnh Biên Hòa, nay thuộc phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Lối kiến trúc của Đài mô phỏng theo kiểu Ngọ môn Huế thời nhà Nguyễn. Đài Kỷ niệm là một công trình đặc sắc, mang màu sắc dân tộc, do hai giáo sư người Pháp là ông Robert Balick và bà Balick thiết kế và trực tiếp hướng dẫn thợ và học sinh trường Bá nghệ Biên Hòa thi công. Từ xa ta có thể nhìn thấy hai trụ cao của đài được dán bằng gạch gốm men xanh đen với hai câu đối

“Dũng sĩ tri thân phò tổ quốc danh bi biểu trụ vạn cổ chấn lưu phương.

Chinh hồn toàn tiết phân hương quan thu cúc xuân hoa thiên niên truyền điệt tử”

 Mỗi đỉnh trụ đều cẩn búp sen bằng sành với ý nghĩa mong người đã khuất được siêu thăng cõi Phật. Giữa hai búp sen là hình mặt trời, dưới có 3 chữ Hán “Chiến sĩ đài”. Tấm bia đặt trong đài khắc 4 chữ Hán sắc xảo “vị quốc vong khu” để tưởng nhớ người bản xứ bỏ mình vì “Mẫu quốc đại Pháp”. Chính quyền thuộc địa xây dựng đài để làm gì? Những oan hồn mà tên họ khắc trên bia đá kia là ai? Nguyễn Ái Quốc trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp đã vạch rõ sự mị dân một cách lố bịch của chính quyền thuộc địa Pháp về sự kiện “Những ngày hội ở Biên Hòa” khi chúng tổ chức khánh thành “Đài kỷ niệm người Việt trận vong” ngày 21.1.1923. Theo bài diễn văn của công sứ Pháp đọc tại buổi lễ thì tên tuổi những người được tạc trên bia đá kia là “Những thanh niên bản xứ tình nguyện rời bỏ quê hương lên đường sang Pháp để chiến đấu bảo vệ “mẫu quốc” và hiến thân cho sự nghiệp cao cả ấy”. Con số thanh niên Việt Nam “tự nguyện hiến thân” ấy là bao nhiêu? Trong chương “Thuế máu” của tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết “Tổng cộng có bảy mươi vạn người bản xứ đã đặt chân lên đất Pháp; và trong số ấy, tám vạn người không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên quê hương đất nước mình nữa”…

Để lấy tiền bỏ vào quỹ xây dựng “Đài kỷ niệm người Việt trận vong” của tỉnh Biên Hòa, Ban Tổ chức ngày hội đang tích cực chuẩn bị một chương trình tuyệt diệu. Người ta bàn tán sẽ có bao nhiêu là yến tiệc giữa vườn theo kiểu Anh, nào là chợ phiên, nào là khiêu vũ ngoài trời…Tóm lại, sẽ có nhiều và đủ thứ trò chơi để ai ai cũng có thể góp phần làm việc nghĩa một cách thú vị nhất đời…Ngày 21 tháng 11 tới, chúng ta hãy đi Biên Hòa, chúng ta sẽ vừa được dự những hội hè linh đình vui tươi, vừa được dịp tỏ cho những gia đình tử sĩ Việt Nam ở Biên Hòa thấy rằng chúng ta tưởng nhớ đến sự hy sinh của con em họ.

Thật là thời đại khác

Nhưng phong tục kỳ quái làm sao!

Người khẳng định “Như thế là trong một việc mà chính quyền thuộc địa đã phạm hai tội ác với nhân dân”.

Đài kỷ niệm ở Biên Hòa vẫn còn đó, sừng sững giữa không gian và thời gian. Ba phần tư thế kỷ khói lửa ngập tràn, những kẻ thù xâm lăng Pháp, Nhật, Mỹ lần lượt ra đi sau thất bại nhục nhã ê chề. Đài kỷ niệm ở Biên Hòa không chỉ là tấm bia sâu lắng về những người đã chết. Qua Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã biến nó thành bản cáo trạng hùng hồn, lên án chế độ thực dân tàn bạo, chà đạp lên một dân tộc. Những quốc gia, dân tộc và cả những số phận bị áp bức ấy chỉ còn một con đường duy nhất là vùng lên tư giải phóng. Không phải ngẫu nhiên mà ngày 1.5.1930 lá cờ đỏ búa liềm xuất hiện ngạo nghễ tung bay tại đây. Rồi mười lăm năm sau, hàng vạn người dân Biên Hòa, đội ngũ chỉnh tề, tầm vong vạt nhọn, cờ đỏ sao vàng rầm rập đi ngang qua đài kỷ niệm để đón chào nền độc lập tự do vào mùa thu tháng 8 năm 1945 lịch sử. Mùa xuân năm 1975 Đài kỷ niệm lại chứng kiến đoàn quân chiến thắng hùng hậu với xe tăng, trọng pháo tiến vào Biên Hòa, hoàn thành chiến dịch Hồ Chí Minh tại Đồng Nai.

Cuối năm 1992, Đài kỷ niệm được trùng tu, với một khuôn viên khang trang đẹp đẽ, những thảm cỏ xanh, đài nước, vườn hoa nhiều màu sắc hài hòa tôn tạo đài trở thành một công viên văn hóa tô điểm làm đẹp thành phố, thu hút đông đảo quần chúng đến vui chơi. Đài kỷ niệm mãi mãi là một bằng chứng không thể chối cãi tố cáo tội ác của thực dân Pháp, nhắc nhở người dân xứ Biên Hòa một thời lịch sử đau thương dưới ách thống trị ngoại bang để vươn lên tự cường, xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

(Nguồn: dongnai.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *