Di tích lịch sử, văn hóa
Di tích khu mộ Nguyễn Thái Học
Ban đầu khu mộ là vùng đất tận cùng của nghĩa trang thị xã, một vùng hoang sơ thuộc tổng Bách Lẫm, phủ Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Sau 1954 chính quyền địa phương tập trung cả hài cốt của dân công bộ đội hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp vào khu vực này để xây đài, bia mộ.
Với sự đánh giá cao tinh thần đấu tranh xả thân vì đất nước của các nghĩa sĩ đồng thời làm nhiệm vụ giữ gìn, tôn vinh tinh thần đấu tranh và sự hy sinh cao cả của Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày khởi nghĩa Yên Bái Nhà nước ta đã quyết định công nhận đây là khu di tích lịch sử cấp Quốc gia. Từ đó, được sự hỗ trợ của Bộ Văn hoá thông tin, khu di tích đã từng bước được tu bổ, tôn tạo để tưởng nhớ tới các vị anh hùng nghĩa sĩ. Khu di tích đã được tôn tạo nhiều đợt, trong đó có 3 đợt chính:
Đợt I (1991): Giải phóng mặt bằng, di chuyển 16 mộ liệt sĩ thời chống Pháp. San, tạo đường nhỏ trong di tích, xây 2 lăng mộ.
Đợt II (1995-1996): San gạt tạo mặt bằng di tích, củng cố thêm đường bê tông nội bộ.
Đợt III (2001-2002): Mở rộng khu di tích, nạo vét, kiến tạo đường quanh Hồ Bơi, xây hệ thống cột xung quanh lăng mộ, tạo khuôn viên cây cảnh và đặc biệt là dựng cụm tượng đài 5 nhân vật tiêu biểu của phong trào.
Cho đến nay, khu di tích đã hình thành và khang trang với tổng diện tích là: 10.391m2với khu lăng mộ, khu tượng đài, bia tưởng niệm, khu nhà đón khách và khuôn viên cây cảnh. Tất cả đều mang đậm màu sắc lịch sử - văn hoá.Trong đó có hai phần chính là: Phần mộ và phần tượng đài:
Phần mộ: có diện tích 70m2. Phần này được thiết kế với kiến trúc vừa mang dáng dấp hiện đại vừa có màu sắc truyền thống. Chính giữa phần mộ có 2 lăng mộ tập thể, xây hình chữ nhật đặt trên 4 trụ vuông, lát đá hoa cương đen, cao chừng 1m. Hai lăng mộ cách nhau chừng 7m. Song song với hai lăng mộ về bên phải là một khối hình vát (đây là mô hình mô phỏng lưỡi máy chém của Thực dân Pháp), cũng lát đá hoa cương đen, trên là hàng chữ vàng ghi một trong hai câu thơ của Nguyễn Thái Học đọc trước khi lên máy chém “Chết vì Tổ Quốc chết vinh quang ”. Bao quanh phần mộ là 17 trụ cột to, tròn, cao 5m tượng trưng cho 17 vị anh hùng nghĩa sĩ bị xử chém. 17 cột này được nối với nhau bằng một vòng tròn khuyết. Trên vòng tròn là dòng chữ bất hủ, đã trở thành tư tưởng xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Việt Nam quốc dân đảng thời kỳ này “không thành công cũng thành nhân”. Trong phần mộ này còn có một bảng vàng lưu danh 17 vị anh hùng đã an nghỉ tại nơi đây.
Phần tượng đài: có diện tích 56m2. Nhóm tượng đài gồm 5 nhân vật lịch sử, chiều cao các nhân vật là 6m, đứng trên một đám mây lịch sử cách điệu. Bao quanh chân tượng đài là nhóm phù điêu cao gần 3m. Nhóm tượng đài mô tả tinh thần đấu tranh giành độc lập tự do của các vị nghĩa sĩ trong những ngày cách mạng đó.
Nhân vật thứ nhất là vị lãnh tụ Việt Nam quốc dân đảng Nguyễn Thái Học. Ông sinh năm 1903 tại làng Thổ Tang, Phủ Vĩnh Tường (Vĩnh Yên ). Ông đã đứng lên tập hợp anh em đấu tranh cho độc lập tự do của Tổ Quốc và là người thứ 17 bước lên máy chém của kẻ thù sau khi đã chứng kiến sự hy sinh oanh liệt của các đồng chí của mình. Nguyễn Thái Học vẫn ung dung, mỉm cười đưa mắt chào đồng bào và hô to khẩu hiệu “Việt Nam vạn tuế ” rồi vươn cổ cho đao phủ làm nốt phần việc cuối cùng. Với sự hy sinh cao cả ấy Nhà nước ta đã công nhận Nguyễn Thái Học là liệt sĩ cùng hai em trai trong kháng chiến chống Pháp là Nguyễn Văn Nho và Nguyễn Văn Lâm đã được Nhà nước cấp bằng “Tổ quốc ghi công" (27/2/1976 ). Nhiều công trình khoa học, nhiều bài viết ca ngợi tấm gương bất khuất, kiên cường của ông đã được công bố. Tên tuổi nhà yêu nước này cũng được đặt cho nhiều công trình đường phố, trường học trong cả nước. điều này đã chứng tỏ sự tôn vinh ông trong sự nghiệp cách mạng nước nhà.
Nhân vật thứ hai là Nguyễn Khắc Nhu (cụ xứ Nhu). Cụ sinh năm 1882, người làng Song Khê, tổng Yên Dũng (Bắc Giang ). Tuy không có tên trong những người bị hành quyết tại Yên Bái nhưng cụ có vai trò đặc biệt quan trọng trong tổ chức Việt Nam quốc dân đảng năm 1930. Đồng thời ông là người chỉ huy cuộc bạo động vũ trang ở các tỉnh “miền ngược”, trong đó có Yên Bái. Cụ bị thương nặng ở chân trong trận đánh ở Hưng Hoá và Lâm Thao. Trong lúc thân cô thế cô không muốn xa vào tay giặc, cụ đã đặt 2 trái lựu đạn xuống đất vật mình nằm lên tự vẫn, lựu đạn nổ vỡ bung lồng ngực, phơi cả ruột gan nhưng cụ không chết, địch băng bó chữa chạy rồi đưa cụ lên giam tại đồn Hưng Hoá. Trên đường đi qua sông cụ nhảy xuống sông tự vẫn mà vẫn không được, địch vớt cụ lên. Ngay trong đêm đầu tiên tại nhà lao Hưng Hoá, cụ đã đập đầu xuống sàn xà lim và hy sinh, thể hịên ý chí quyết tử, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp chống Pháp của dân tộc.
Người thứ ba là Phó Đức Chính, lãnh tụ của Việt Nam quốc dân đảng. Cụ sinh năm 1910 tại làng Đa Ngưu, tổng Văn Giang (Hưng Yên ). Hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi, là người thứ 12 bước lên máy chém, chàng thanh niên này đã thể hiện khí phách hiên ngang, oanh liệt khi đòi nằm ngửa để xem lưỡi dao chảy rơi xuống như thế nào và hô đủ 4 tiếng “Việt Nam vạn tuế ”. Thật là những bậc anh hùng nghĩa sĩ.
Tiếp đến là Ngô Hải Hoằng (cai Hoằng ). Ông là người Nghệ An, gia nhập Việt Nam quốc dân đảng năm 1928 ở chi bộ Tuyên Quang. Ông là một hạ sĩ quan trong đội lính khố đỏ của Pháp, đóng quân tại Yên Bái và giữ chức cai đội. Nhiều ý kiến cho rằng: ông chính là người trực tiếp chỉ huy trận đánh ở Yên Bái thay Quản Cầm khi bị ốm nặng. Ông là một trong bốn người đầu tiên bị tử hình thi hành vào ngày 8/5/1930.
Nhân vật nữ duy nhất của nhóm tượng đài là bà Nguyễn Thị Giang, một trong số rất ít Đảng viên nữ của Việt Nam quốc dân đảng. Bà vừa là người đồng chí đắc lực vừa là người vợ chung thuỷ của nhà chí sĩ Nguyễn Thái Học. Sau khi chứng kiến phút hy sinh oanh liệt của chồng cô đã về nhà trọ viết hai lá thư tuyệt mệnh để laị cho bố mẹ chồng và các đồng chí. Trước khi rời Yên Bái cô đã ra nghĩa địa thăm mộ Nguyễn Thái Học và các anh em đã ngã xuống vì Tổ quốc. Sau đó cô lên tàu về làng Thổ Tang, bí mật thăm gia đình chồng rồi ra đường cái quan rút khẩu súng lục mà Nguyễn Thái Học đã trao cho cô ở đền Hùng ra tự sát, giữ trọn trinh tiết với chồng.
Giữa hai phần tượng đài và phần mộ là một tấm bia lớn cách điệu. Trên hai mặt bia đều khắc dòng chữ vàng “Yên Bái, đây là điều nhắc nhở ta rằng không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ ”(Louis Aragon ).
Khu di tích được khởi công xây dựng vào đúng ngày giỗ lần thứ 70 của các vị anh hùng: 17/6/2000 chính trên phần đất mà các nghĩa sĩ đã yên giấc ngàn thu. Sau hai đợt xử chém 17 yếu nhân của ta tại khu lính tập (nhà máy chè Yên Bái hiện nay): đợt 1 vào ngày 8/5/1930 có 4 người: Đặng Văn Tiệp, Đặng Văn Lương, Nguyễn Thanh Thuyết, Ngô Hải Hoằng. Đợt 2 vào ngày 17/6/1930 có 13 người: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Bùi Tư Toàn, Bùi Văn Chuân, Đào Văn Nhít, Nguyễn Như Liên, Nguyễn Văn An, Nguyễn Văn Tiềm, Ngô Văn Du, Hà Văn Lao, Đỗ Văn Tư, Nguyễn Văn Cửu, Nguyễn Văn Thịnh. Thực dân Pháp đã chất thi thể các nghĩa sĩ lên xe bò đẩy vào khu đất cuối cùng của nghĩa địa đào hố chôn tập thể và cử người canh gác cẩn thận không cho ai đến gần lấy xác hay nhang khói.
Cho đến nay, với 2 ngôi mộ tập thể này hài cốt của 17 vị nghĩa sĩ vẫn còn nguyên vẹn trong khu di tích. Đây là nơi để du khách thập phương đến tham quan, thắp nén hương thơm tưởng nhớ tới các vị anh hùng tiền liệt đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ Quốc.
Nhà đón khách và khuôn viên cây cảnh khu di tích nằm trong quần thể công viên Yên Hoà đã trở thành điểm du lịch lớn nhất của thành phố Yên Bái. Đến với khu di tích lịch sử này du khách không chỉ tham quan nghỉ ngơi sau những ngày làm việc căng thẳng mà còn có thể tìm hiểu, thăm viếng và tưởng nhớ đến những vị anh hùng tiền liệt, những người đã hy sinh, xả thân cho phong trào cách mạng của đất nước những năm đầu thế kỷ XX, góp công xây đắp cho hoà bình, hạnh phúc, ấm no.
Riêng đối với người dân Yên Bái như đã thành lệ, cứ mùng 1 ngày rằm hàng tháng, bà con lại đến dâng hương, dâng hoa cầu khấn các vị anh hùng phù hộ cho thân nhân, con người và mảnh đất Yên Bái, họ coi đây như các vị thánh nhân.
Hàng năm, cứ đến ngày giỗ của các anh hùng nghĩa sĩ (8/5;17/6 ) và ngày khởi nghĩa (10/2 ) và ngày 27/12 Đảng uỷ - UBND các xã Thổ Tang và Xuân Lũng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc; phường sở tại; thành phố Yên Bái; tỉnh Yên Bái đều có các đoàn đại biểu đến thăm viếng và tổ chức long trọng lễ tưởng niệm những người con đã dâng hiến chọn đời cho độc lập tự do của Tổ quốc.
Đến với thành phố Yên Bái không thể không đến với khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học. Đến nay, khu di tích thường xuyên đón các đoàn khách trong và ngoài nước, của TW cũng như tỉnh bạn đến viếng thăm và cùng nhau nhìn lại tinh thần đấu tranh quật khởi của các bậc nghĩa sĩ, cùng ôn lại những chặng đường lịch sử đầy vẻ vang của các vị tiền liệt. Đó mãi là nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao để lớp hậu thế ngày nay ra sức phấn đấu, phát huy, cống hiến tài lực của mình phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Đó là những của cải tinh thần vô giá trên bước đường đi lên xây dựng quê hương, đất nước.
(Nguồn: yenbai.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch