Di tích lịch sử, văn hóa
Di tích lịch sử Ngã Tư Rạch Kiến
Năm 1965 chiến lược ''chiến tranh đặc biệt'' của địch bị phá sản hoàn toàn. Để ngăn chặn sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn,Mỹ dấn sâu một bước can thiệp, trực tiếp đỗ quân vào miền Nam thực hiện ''chiến tranh cục bộ''. Ngày 23-12-1966 lữ đoàn 3 sư đoàn 9 bộ binh Mỹ ồ ạt đổ quân lập căn cứ tại Rạch Kiến gồm: 1 tiểu đoàn bộ binh; 1 tiểu đoàn pháo binh có 4 khẩu cối 106,107mm, 4 khẩu pháo 105mm, 6 khẩu pháo 57mm; một đại đội công binh cùng nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại như xe ủi đất, máy dò mìn; một đại đội trinh sát, 4 đại đội máy bay trực thăng; 1 chi đoàn xe bọc thép gồm 20 chiếc M113 và M118.
Căn cứ được bố trí dọc 2 bên lộ 18 (nay là tỉnh lộ 826) từ ngả ba đài chiến sĩ (Long Hòa) đến Cầu Đồn (Tân Trạch). Khu vực chính nằm ở hướng Đông Ngã Tư Rạch Kiến gồm hơn 20 doanh trại, phía Tây là trận địa pháo với những bệ bằng bê tông đúc sẳn, phía Bắc là sân bay dã chiến. Khu căn cứ được phòng thủ bằng 6 lớp rào đủ loại xen kẻ với 3 tuyến bãi mìn loại vướng nổ, đạp nổ, điều khiển bằng điện. Toàn bộ khu căn cứ chiếm diện tích khoảng 160.000 m2. Về mặt qui mô, căn cứ Rạch Kiến được xem như một mục tiêu quân sự lớn của Mỹ ở Nam Sài Gòn - nó không thua kém gì căn cứ Đồng Dù của sư đoàn 25 Mỹ ở Bắc Sài Gòn.
Về vị trí chiếc lược đây là mắc xích quan trọng , vị trí trung gian giữa Cát Lái - Nhà Bè với Bình Đức - Mỹ Tho hình thành tuyến phòng thủ từ xa về mặt Nam Sài Gòn. Căn cứ Rạch Kiến còn nhằm triệt phá các căn cứ lõm và khu giải phóng ở Nam lộ 4 (Cần Giuộc-Cần Đước ) -địa bàn có vị trí bàn đạp đe dọa trung tâm đầu não Sài Gòn
Về phía ta,dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thế trận Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến được hình thành với phạm vi 12 xã gồm: Long Hòa, Tân Trạch, Long Trạch, Long Khê,Phước Vân, Long Sơn, Long Định, Long Cang, Mỹ Lệ, Phước Tuy(Cần Đước) và Phước Lâm, Thuận Thành ( Cần Giuộc). Ban chỉ huy vành đai là đồng chí Đoàn Văn Nguyễn - bí thư huyện ủy,Nguyễn Văn Nam - chính trị viên C315 và Lê Văn Được (Đô Lương ) - chỉ huy trưởng C315. ''Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến'' chia làm 3 tuyến với nhiệm vụ cụ thể: tuyến 1 gồm 2 xã có căn cứ Rạch Kiến là Long Hòa và Tân Trạch, du kích bám sát căn cứ gài lựu đạn, cắm chông; phong tỏa các ngã đường ra vào, theo dõi và báo cáo tình hình về Ban chỉ huy Vành đai; tuyến 2 gồm các xã giáp ranh Long Hòa, Tân Trạch, bộ đội địa phương và du kích phân tán đánh nhỏ, lẻ khắp nơi bắng nhiều hình thức, rút nhanh tránh thương vong; tuyến 3 ngoài cùng, bộ đội tỉnh và du kích xã làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc bằng mọi hình thức chông mìn, ong vò vẻ. Phương châm hoạt động của Vành đai là vừa diệt địch vừa duy trì thế hợp pháp, phối hợp triệt để 3 mũi giáp công : quân sự, chính trị, binh vận duy trì thế bao vây cô lập căn cứ Mỹ.
Đánh Mỹ theo kiểu vành đai không phải là mới mẻ. Đó là những kinh nghiệm ở Chu Lai (Đà Nẵng ), Trảng Lớn (Tây Ninh).Nhưng ở những nơi ấy ta dựa vào địa hình rừng núi với lực lượng chủ yếu là du kích.Nét đặc biệt ở vành đai Rạch Kiến là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của 3 mủi giáp công cùng sự tham gia đánh giặc của đông đảo quần chúng nhân dân. Dồn mọi nỗ lực,hy sinh vào Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến, Đảng bộ và quân dân Cần Đước- Cần Giuộc đã đưa phong trào toàn dân đánh giặc ở đây lên đến đỉnh cao, trở thành ngọn cờ đầu của tỉnh trong thời kỳ này. Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến đã gây tổn thất nặng nề và cô lập căn cứ Mỹ ở Rạch Kiến,làm thất bại hoàn toàn âm mưu triệt phá vùng giải phóng của ta ở Nam lộ 4 để nơi đây trở thành bàn đạp quan trọng ta tấn công vào Sài Gòn năm 1968. Chiến công của quân dân Cần Đước đã được tạc bằng chữ vàng trên bia đá ở di tích Ngã Tư Rạch Kiến để đời sau ghi nhớ:
'Ngày 23-12-1966 lữ đoàn 3 thuộc sư đoàn bộ binh số 9 quân viễn chinh Mỹ đánh chiếm Rạch Kiến lập căn cứ. Quân dân 2 huyện Cần Đước- Cần Giuộc với lực lượng vũ trang tỉnh lập nên ''Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến'' . Gần 1000 ngày chiến đấu dũng cảm, hy sinh gian khổ, quân dân ta tiêu diệt hơn 2000 tên giặc Mỹ, 17 máy bay, 20 xe thiết giáp, thu nhiều phương tiện chiến tranh. Cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Cần Đước- Cần Giuộc trên ''Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến'' là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân ở Long An góp phần đánh bại chiến lược ''chiến tranh cục bộ'' của Mỹ ở miền Nam-Việt Nam.''Năm 1996 ''Ngã Tư Rạch Kiến'' được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa (1460 QĐ-BT/28-6-1996).
(Nguồn: longan.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Di tích lịch sử, văn hóa
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch