Di tích lịch sử, văn hóa

Di tích Ngàm Dảo

Ngàm Dảo là một trong những địa danh di tích lịch sử nổi bật trên quê hương cách mạng xã nà Sác, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây là một thung lũng núi đá vôi bao bọc hiểm trở, kín đáo đảm bảo an toàn bí mật cho hoạt động cách mạng của các tổ chức Việt Minh và cơ sở Đảng trước năm 1945.
Sau khi Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của huyện Hà Quảng ra đời (20/6/1931) tại hang Phia Nọi, xã Sóc Hà (nay thuộc xã Nà Sác), trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng huyện Hà Quảng cho đến những năm 1938-1940, khi nhiều nơi, trong đó có vùng cao biên giới xã Nà Sác đã gây dựng được cơ sở cách mạng, cơ sở Đảng. Đặc biệt các cơ sở ấy đã được củng cố xây dựng và phát triển mạnh. Vì vậy, khi Bác Hồ về nước (28/01/1941) đến Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam và Mặt trận Việt Minh ra đời (5/1941), cả vùng xã Nà Sác đã trở thành xã Việt Minh “hoàn toàn” đồng thời cũng là một cơ sở cách mạng vững mạnh của huyện Hà Quảng. Thời gian đầu, lũng Ngàm Dảo là nơi các đồng chí Lê Quảng Ba, Hoàng Tô chọn làm cơ sở hoạt động bí mật để tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng và trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng huyện Hà Quảng. Những dấu tích lịch sử được người dân gọi là hang đá “ông Lê, ông Tô” còn lưu lại đến ngày nay. Chỉ trong một thời gian ngắn, sau sự ra đời của Mặt trận Việt Minh (5/1941) thì toàn xã, huyện đã trở thành Việt Minh “hoàn toàn”. Lũng Ngàm Dảo là nơi đầu tiên tổ chức thành lập Ban chấp hành Hội Việt Minh xã Nà Sác, gồm 3 người: Sầm Chấn Hưng (chủ nhiệm), Hoàng Phúc Thình (phó chủ nhiệm), Hoàng An Thế (uỷ viên). Ban chấp hành hội đã phân công phụ trách phong trào Việt Minh ở các làng bản trong toàn xã.

Trên cơ sở tổ chức Việt Minh phát triển mạnh, mỗi nhà, mỗi xóm đều làm Việt Minh “hoàn toàn”, nhiều hội viên trung kiên tích cực đã xứng đáng để trở thành người Đảng viên cộng sản. Cuối năm 1944, tại lũng Ngàm Dảo Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của xã Nà Sác đã được thành lập. Chi bộ gồm 5 đồng chí do đồng chí Sầm Chấn Hưng làm Bí thư chi bộ. Từ đó, phong trào cách mạng xã Nà Sác có chi bộ Đảng lãnh đạo, thường xuyên liên hệ chặt chẽ với sự chỉ đạo của Đảng bộ huyện Hà Quảng.

Trong những năm 1943-1944, Ngàm Dảo đã trở thành nơi luyện tập quân sự, nơi học tập văn hoá mở các lớp “bình dân học vụ”. Các tổ chức đội tự vệ vũ trang tập trung bao gồm các trung đội vũ trang tập trung cấp huyện thường xuyên đóng ở đây để học tập chính trị, quân sự, văn hoá. Thời gian nhiều địa phương ở huyện Hà Quảng đã bị địch khủng bố gắt gao, một số cán bộ cách mạng bị địch bắt và giết nhằm uy hiếm tinh thần cách mạng của nhân dân ta. Lũng Ngàm Dảo vẫn là nơi đảm bảo an toàn, bí mật làm “hậu cứ” vững chắc cho cơ sở cách mạng, cơ sở Đảng của huyện Hà Quảng.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đến những năm 1946-1947, xưởng quân giới đầu tiên của ta chuyển từ Lũng Bó thuộc xã Nà Sác đến lũng Ngàm Dảo để tiếp tục xây dựng lò rèn, đúc vũ khí mà trước đó xưởng đã hoạt động từ năm 1943.

Những sự kiện lịch sử cách mạng trên diễn ra tại lũng Ngàm Dảo trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, đến nay vẫn còn để lại nhiều dấu tích lịch sử. Do đó, Ngàm Dảo đã trở thành một di tích lịch sử cách mạng của tỉnh, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Để tuyên truyền, giáo dục về truyền thống quê hương cách mạng và bảo tồn di tích, ngày 31/12/2004, UBND tỉnh Cao Bằng đã ra quyết định và cấp Bằng công nhận xếp hạng di tích lịch sử cách mạng Ngàm Dảo là di tích cấp tỉnh.

(Nguồn: caobang.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *