Di tích lịch sử, văn hóa

Địa đạo Vịnh Mốc

Địa đạo Vịnh Mốc (thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh) nằm trong một quả đồi đất đỏ ba gian trên bờ biển, cách bãi tắm Cửa Tùng 7km về phía Bắc, cách đảo Cồn Cỏ anh hùng 30km về phía Tây, cách thị trấn Hồ Xá chừng 13km về phía Đông Nam.

Vào năm 1965, trước sự đánh phá tàn khốc của không quân và pháo binh Mỹ vào đất thép Vĩnh Linh, cũng như hầu hết các làng quê khác, Vịnh Mốc đã bị huỷ diệt hoàn toàn. Trước quyết tâm bám trụ quê hương, chi viện cho miền Nam, việc tổ chức phòng tránh cho con người đặt ra hết sức cấp thiết. Với ý chí "một tấc không đi, một li không rời", quân và dân Vĩnh Linh đã chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất, họ đã kiến tạo một hệ thống làng hầm đồ sộ, độc đáo mà địa đạo Vịnh Mốc là một minh chứng sinh động nhất. Cuối năm 1965, các chiến sĩ đồn biên phòng 140, nhân dân Vịnh Mốc, Sơn Hạ đã chọn quả đồi sát mép biển, nằm ở phía Nam làng Vịnh Mốc, bổ nhát cuốc đầu tiên khai sinh ra làng hầm Vịnh Mốc kỳ vĩ này. Làng hầm như một toà lâu đài cổ nằm trong lòng quả đồi đất đỏ, có độ cao chừng 30m, rộng hơn 7ha. Hệ thống đường hầm cấu trúc hình vòm có kích thước khoảng 0,9m x 1,75m với độ dài 2.034m bao gồm nhiều nhánh nối thông với nhau qua trục chính dài 780m, có 13 cửa ra vào, được chống đỡ bằng cột nhà, gỗ và ngụy trang khá kín đáo, tất cả đều đào chếch theo hướng gió, đảm bảo chức năng thông hơi cho đường hầm. 

Địa đạo gồm 3 tầng có độ sâu và chức năng khác nhau. Tầng 1 cách mặt đất 8 - 10 mét dùng để cơ động chiến đấu và trú ẩn tạm thời, tầng 2 sâu 12 - 15 mét là nơi sống và sinh hoạt của dân làng, tầng 3 có độ sâu hơn 30 mét là nơi trung chuyển hàng hoá, vũ khí xuống thuyền ra đảo Cồn Cỏ. 
Khoét dọc hai bên đường hầm là những căn hộ gia đình, mỗi căn hộ đủ chỗ cho 3 - 4 người ở. Ngoài ra trong đường hầm còn có hội trường (sức chứa hơn 50 người dùng làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim), 3 giếng nước, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm phẫu thuật, trạm gác, máy điện thoại… đặc biệt có nhà hộ sinh. Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại (từ 1965 - 1972), việc 17 đứa trẻ ra đời an toàn, không một người nào bị thương đã nói lên sự lựa chọn đúng đắn, là sự tích kỳ diệu về mảnh đất và con người nơi đây. 

alt

Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, quân và dân Vịnh Mốc tổ chức hàng trăm chuyến thuyền nan tiếp vận cho đảo Cồn Cỏ vững vàng chiến đấu. Đảo Cồn Cỏ được Nhà nước tuyên dương anh hùng hai lần, trong đó có sự đóng góp xứng đáng của quân và dân làng hầm Vịnh Mốc. 

Đây thực sự là một công trình trí tuệ và sự nỗ lực phi thường của quân và dân Vịnh Mốc. Ròng rã 18 tháng trời dưới mưa bom, bão đạn, trong điều kiện thiếu ánh sáng, thiếu phương tiện, với chiếc cúp trong tay, họ đã làm nên một kỳ tích cho sự tồn sinh để sống và chiến đấu giành độc lập, tự do. Làng hầm ra đời đã tạc vào lịch sử của quân dân Vĩnh Linh- Quảng Trị một nét son rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. 

Chiến tranh đã lùi xa, còn đó một làng hầm huyền thoại ngày ngày truyền lại niềm tin, ý chí cho thế hệ hôm nay và mai sau về sức mạnh nội lực của dân tộc VN. Từ đây, tất thảy bạn bè và những người từng là "kẻ thù" đều phải thừa nhận sự thần kỳ của một đất nước, một dân tộc mà sự tồn tại và chiến thắng của nó là tất yếu. Có rất nhiều dòng cảm xúc về làng hầm này đều công nhận: " Địa đạo Vịnh Mốc giống như một toà lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất, giấu kín biết bao điều kỳ lạ về những con người đã làm ra nó và thời đại nó đã sinh ra". 

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Bộ Văn hoá - Thông tin đã có Quyết định công nhận địa đạo Vịnh Mốc là di tích quốc gia và đưa vào danh mục di tích đặc biệt quan trọng. Hiện nay, địa đạo Vịnh Mốc là điểm thu hút du khách đông nhất trong tuyến du lịch nổi tiếng và độc đáo này.

(Nguồn: gioithieu.quangtri.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *