Di tích lịch sử, văn hóa

Điện thành hoàng Vĩnh Lộc

Điện thành hoàng Vĩnh Lộc nằm ở đầu làng, trên một thế đất cao. Điện hướng về phía Nam, nhìn ra bờ sông Hòa Giang, đến thăm di tích có thể đi bằng nhiều phương tiện nhưng thuận lợi nhất vẫn là đường thuỷ.

Từ bến đò thị trấn Ba Đồn du khách qua sông Gianh đến bến đò Cửa Hác, tiếp tục hành trình bằng thuyền dọc theo sông Hòa Giang du khách sẽ được du ngoạn trên một vùng quê sông nước miên man. Thuyền cập bến ở Vĩnh Lộc, du khách đi bộ chừng 300m về phía Bắc xã là đến di tích.

Điện Thành hoàng Vĩnh Lộc được xây dựng năm 1483 do dân làng đóng góp. Điện lúc đầu được làm bằng tre nứa để thờ vị Thượng thư Đại Hành khiển Trần Bang Cẩn, Ngài vốn dòng dõi vua Trần, là người có công đánh dẹp giặc Chiêm Thành, chiêu mộ dân khai hoang lập ấp. Ngài được vua Trần hết lòng ca ngợi: “Trần Bang Cẩn là Đại Hành khiển Thượng thư tả bộc xạ, là người trung thực, giữ gìn, giản dị, điềm tĩnh, không xa hoa”. Khi còn sống, Ngài được vua Trần ban cho bức tượng vẽ và bài thơ ca ngợi:

“Hình dạng cốt cách nại đông hàn

Tướng mạo đình đình diệc khả khan

Phong lưu nhất đoạn hồn miêu tận

Tâm lý nan miêu cánh cánh đan”

Dịch nghĩa:

“Hình dạng cốt cách tựa cây thông

Tướng mạo đoan trang cũng đáng trông

Mọi vẽ phong lưu tô được hết

Khôn tô choi chói tấm son lòng”

Đến năm 1815, Điện Thành hoàng được xây dựng một cách hoàn chỉnh hơn. Đây là một quần thể các điểm di tích gồm sân ngoài, sân trong, bình phong, tiền điện, hậu điện, miếu tả, miếu hữu. Điện Thành hoàng Vĩnh Lộc là một kiểu kiến trúc độc đáo trong loại hình kiến trúc thời phong kiến ở Quảng Bình. Điện xây khá đẹp, phối trí hài hoà, công phu, có khuôn viên, cảnh quan môi trường, toạ lạc trên một vị thế rất hữu tình, làng mạc, cây đa, bến nước. Hình tượng con rồng ở điện được thể hiện dưới mọi góc độ: Rồng nhìn chính diện, nhìn nghiêng; rồng bay trên trời xuống, dưới đất lên; Lưỡng long chầu nguyệt, đầu rồng cách điệu ở các đầu đao... thể hiện sự sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời của các nghệ nhân xưa.

Sự hiện diện của điện thành hoàng Vĩnh Lộc là bằng chứng một thời về sự mở mang bờ cõi phương Nam, khai phá đất đai 2 châu: (châu Ô, châu Lý) cho Đại Việt từ thời nhà trần.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư và gia phả chữ hán còn lại của các dòng họ trong làng Vĩnh Lộc, thì Vĩnh Lộc được hình thành cách đây khoảng 600 năm, từ khi thành hoàng Trần Bang Cẩn dẫn đầu đoàn quân đánh dẹp giặc Chiêm Thành lập ấp Thị Lang; hai giáp Đông, Đoài dưới thời vua Trần Minh Tông (1314-1357).

Do công lao và đóng góp của Ngài, các triều đại phong kiến gia phong với các tước vị: Bản thổ Binh Lồi (đánh giặc Chiêm Thành). Gia Vương Trần Hành Khiển tăng Vĩnh Lộc thành hoàng, gia tăng chính trực hữu thiện đôn ngưng, Dục bảo Trung hưng tôn thần.v.v...

Năm tháng thời gian qua đi, nhưng sử sách và truyền thuyết dân gian vẫn mãi ghi nhớ vị thần có công đối với quê hương, đất nước. Thần Trần Bang Cẩn đã trở thành linh thiêng trong linh hồn mỗi người dân Vĩnh Lộc, thần gắn với cuộc sống tinh thần, thần bảo hộ cho dân làng trong mọi sự đe dọa. Thần là điểm tụ nhiều vị thần khác khai sáng một vùng đất hạ lưu sông Gianh, phía Nam của Đại Việt, sự khai sáng đó mãi mãi được các thế hệ con cháu Vĩnh Lộc biết ơn.

Điện Thành hoàng Vĩnh Lộc, nơi thờ tự, nơi tế lễ, nơi tưởng niệm vị thành hoàng Trần Bang Cẩn. Nơi thực sự gắn với những lễ hội, tín ngưỡng của cư dân Vĩnh Lộc nói riêng, cư dân nông nghiệp nước ta nói chung. Điện còn gắn liền với những sự kiện lịch sử của địa phương trong thời kỳ tiền khởi, trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Điện là nơi thuận lợi để nhóm họp, bắt liên lạc với các chiến sĩ cộng sản; nơi tổ chức chỉ huy diệt tề, trừ gian chống trả lại các cuộc càn quét của giặc Pháp. Đặc biệt điện là nơi trung đoàn 57 (bộ đội chủ lực từ Nghệ An vào) bí mật phối hợp với dân quân địa phương tổ chức trận đánh Phù Trịch - La Hà (1950) gây tiếng vang lớn.

Trong thời kỳ đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, chúng điên cuồng ném bom bắn phá làng mạc, song Điện Thành hoàng Vĩnh Lộc vẫn đứng đó. Thần vẫn sống giữa lòng dân, là nguồn cổ vũ động viên con cháu Vĩnh Lộc quyết tâm bám trụ bảo vệ mảnh đất quê hương.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Điện Thành hoàng Vĩnh Lộc là Di sản văn hóa cực kỳ quý báu mà mỗi chúng ta cần có ý thức bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần hiện nay.

(Nguồn: quangbinh.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *