Di tích lịch sử, văn hóa

Đình An Hòa

Đình An Hòa ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, Hà Nam.

Từ thị xã Phủ Lý đi 3km tới dốc Đọ, rẽ tay trái 2km vào đường liên xã, đến thôn An Hòa rẽ phải 300m là đến di tích.

Đình An Hòa thờ hoàng tử Linh Lang và phò mã Kiều Đức Mậu thời Lý. Tương truyền trên đường đi đánh giặc phương nam, Linh Lang đã dừng lại vùng An Hòa để chiêu mộ binh sĩ. Trong số trai trái tình nguyện đi theo, Kiều Đức Mậu được phong làm tướng. Theo người dân địa phương, khu đất hình con rùa ở đây chính là nơi mà trước đây hoàng tử Linh Lang đã đóng quân, lập đồn và huấn luyện quân sĩ. Vì vậy, khi hoàng tử Linh Lang mất, dân đã chọn nơi đây để lập đền thờ. Vị thần được thờ cùng Linh Lang là Kiều Đức Mậu. Ông là người ở vùng núi phía tây huyện Thanh Liêm. Sau khi cùng Linh Lang đánh thắng giặc phương nam, ông được vua Lý Thái Tông chọn làm phò mã. Bởi mến cảnh vùng này nên ông cho lập cung ở đây, lại cung cấp tiền của để chiêu dân lập ấp tại vùng này. Do vậy, nhân dân ở đây vẫn thờ ông làm ông tổ có công lập nên làng xã. Tại đây còn có riêng một ban thờ các tổ lập làng xây dựng quê hương.
Đình An Hòa được xây dựng trên khu đất rộng, mặt trước đình có hồ rộng, hệ thống cột đồng trụ, tường bao. Tòa tiền đường là một công trình mái cong, 4 mái trải rộng nhưng do những trang trí ở hệ thống dao góc nên vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát. Mái được lợp ngói mũi hài, nhà được làm theo lối chồng rường bẩy kẻ. Bộ khung công trình được làm theo lối tứ trụ, có 8 cột cái và cột quan. Các cột cái được làm theo lối búp đòng, chân cột được đặt trên tảng đá vuông xanh có chạm nổi gương tròn để đỡ chân cột. Hệ thống bẩy có bẩy tiền, bẩy hậu và 12 bẩy phụ. Hệ thống đòn bẩy hòa nhập với kẻ góc thành một tổng thể tự nhiên thể hiện kỹ thuật lành nghề của nghệ nhân dân gian.
Đình An Hòa được thiết kế theo kiểu mái cong, chỉ có 4 vì nên hệ thống cột là bộ đỡ quan trọng nhất của khung nhà. Ngoài 8 cột cái được làm theo kiểu phổ biến ở đình là kiểu cột búp đòng chân cột đặt trên đá tảng đế vuông, trên mặt đế chạm nổi gương tròn để đỡ chân cột có hệ thống cột quân có đường kính 0,3m, rất hài Hòa với cột cái cũng được chọn gỗ để làm. Vì vậy đã qua 400 năm mà vẫn bền vững, vẫn nổi vẻ đẹp kiểu dáng, đến các đường vân của gỗ. Hệ thống câu đầu của đình cũng rất lớn, dài tới 4,5m là kiểu má chai, giữa to hai đầu nhỏ dần. Dạ câu đầu tạo gờ chỉ, lá sồi trang trí đẹp mắt. Câu đầu còn được đặt trên hệ thống đầu dư rất cầu kỳ. Mẫu đầu dư là một đầu rồng được chạm kênh bong đã thể hiện đường nét nhấn tỉa khá phóng khoáng. Mỗi đầu dư một vẻ nhưng không hề dập khuôn. Điều đặc biệt là phía sau của đầu dư vừa lá phía sau của đầu cột cũng được đục chạm tạo thân hoặc đuôi rồng, chứng tỏ yêu cầu thẩm mỹ của công trình này được đặt ra rất cao.
Hệ thống bẩy ở đây gồm có bẩy tiền, bẩy hậu và 12 bẩy phụ ở góc dao và mái trái. Các bẩy nào cũng được tạo dáng có kích cỡ khác nhau, đặc điểm cao thấp khác nhau để đỡ cho mái cong dần về hai phía với độ uốn lượn đều đặn cả bốn mái. Cũng như các công trình kiến trúc cổ khác, phần chạm khắc được ưu tiên cho hàng bẩy tiền và quan trọng hơn là những bẩy ở gian chính giữa công trình. Những chiếc bẩy ở đây được chạm khắc trong nhiều đề tài như long chầu, long vân uốn lượn sinh động. Đan xen các đề tài còn có lá lật, lá hảo và các lớp chỉ lồng, chỉ kép dùng để trang trí dạ và thành bẩy, khiến những khúc gỗ to, cứng giữ chức năng đỡ bộ máy nặng nề lại trở thành mềm mại, hấp dẫn.
Kẻ góc của đình An Hòa cũng Hòa nhập với tổng thể công trình, nhất là với hệ thống đòn bẩy. Nhưng việc thi công bốn kẻ góc mà dân gian thường gọi là xà cổ ngỗng, để vừa đảm bảo mỹ thuật vừa uốn lượn tự thân con rồng là điều rất khó. Người thợ phải chắp nối gỗ theo kỹ thuật lành nghề mới đạt được cả hai yêu cầu kỹ thuật và mỹ thuật. Trên lớp vì được tạo lớp lớp con rường, trụ non đấu trụ. Để giải quyết chức năng giữ hoành mái, các cấu kiện này còn được làm theo kiểu dáng ống tơ, cho hàng con rường nhẹ nhõm. Hai đầu lại tạo dáng một con thú ghé vai đỡ hoành, hoặc điểm các hoạ tiết hoa lá,  lá hoa nên tuy cả mảng là gỗ xếp lên nhau mà vẫn không có cảm giác nặng nề.
Điều đáng quan tâm về nghệ thuật điêu khắc là các mảng chạm trên con rường, hà diệp, xà nách, xà đùi ở hai gian trái đình. Các nghệ nhân đã thể hiện các đề tài tứ linh: cảnh rồng mớm, rồng âu yếm vờn nhau, cảnh trúc hoá, sen hoá, cảnh đầu người mình chim cũng thể hiện rất sinh động, cảnh rồng mẹ vui với rồng con, ly to lấy chân gìm giữ ly con, ly cắn tai rồng, ly cắn đu
altôi… Cảnh nào cũng là những đường nét chạm hóm hỉnh, bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa.
Những đề tài nổi trội mà ít nơi có được, đó là mảng chạm khắc dân gian khiêm tốn nép mình ở một số cấu kiện trong đình An Hòa. Trên cảnh ván bưng có cảnh hai người ôm đôi gà chọi trên tay, mà đôi gà vẫn chõ mỏ vào nhau như đang dở cuộc đấu. Giữa khung cảnh người và vật còn có hoạ tiết bông hoa làm tăng thêm ý nghĩa trò chơi gà chọi, một môn chơi truyền thống lành mạnh trong những ngày xuân. Trên xà nách gian giữa, ngoài các cảnh tứ linh, các băng lá sòi sen hóa nghệ thuật còn có cảnh tiên cưỡi rồng, cảnh con hổ nhe răng rất dữ tợn, cảnh chim và sóc đang tranh ăn, cảnh ly leo trên cây ăn quả, cảnh ly đeo chuỗi nhạc ngựa và người đang giành giữ nhau, người lấy chân đạp giữ chân ly. Trên trụ non người thợ còn chạm cảnh hai con thú đang ôm giữ bông hoa sen cách điệu. Tại hàng xà nách phía trong ngoài các đề tài tứ linh sinh động, hoa lá, lá hỏa, vân ám còn nổi lên cảnh người đóng khố leo cây, một tay hái quả, một tay giữ cành. Đây là cảnh hái dừa. Những con người được cách điệu rất to lớn so với cây cối xung quanh.
Trên hạ điệp còn chạm nổi cảnh hai chiếc thuyền rồng. Một chiếc đang đi với bốn người đóng khố chèo thuyền và một chiếc đã khuất. Dòng nước ở đây còn gợn sóng nổi lên hình cá lượn trên sông. Đây không phải là ảnh bơi chải bình thường thấy trong lễ hội dân gian, mà là cảnh bơi thuyền rồng. Chắc nghệ nhân muốn đưa hình ảnh này gắn với sự kiện hoàng tử Linh Lang cùng với tướng hành binh trên sông đi chinh phạt giặc ở phương Nam. Ở đây lại còn cảnh con cốc đang nghếch cổ lên, miệng thì ngậm con cá. Tất cả những mảng chạm khắc ở đình An Hòa đã góp phần nâng cao giá trị cho công trình kiến trúc lên rất nhiều. Các mảng chạm khắc không chỉ phong phú về nội dung, đa dạng về đề tài mà còn được thể hiện bằng những tay nghề điêu luyện làm cho những mảng trang trí ở đây có hồn, sống được cùng thời gian. Nhiều cơ quan Trung ương và địa phương đã về sao chép, phục chế để được giới thiệu rộng rãi những tác phẩm nghệ thuật đình An Hòa với nhân dân trong nước và thế giới. Đó là niềm tự hào cho địa phương.
Đình An Hòa là một công trình quy mô nên thờ cúng có quy cách lớn và được làm rất kỳ công, có giá trị về mặt nghệ thuật.
Trong số bốn cỗ ngai ở đình có ngai cỗ tương đối lớn có quy cách 1,4x0,8x0,7m. Đây là hai ngai thờ Linh Lang đại vương và phò mã bản thổ tôn thần. Ngai được sơn son thiếp vàng lộng lẫy, rất kỳ công trong nghệ thuật tạo dáng và điêu khắc. Tay ngai làm kiểu rồng chầu, sáu trụ chạm sáu rồng leo, đan xen vân ám và các vòng tiện trang trí. Sập ngai là nơi đặt long bài cũng được tạo dáng rất đẹp theo kiểu chân quỳ dạ cá. Từ mặt sập, cổ sập, bệ dưới của sập cũng được gia công nghệ thuật bằng các đường chỉ viền, các băng hoạ tiết, lá sòi, cánh sen chạy quanh với các ô mảng chạm thong phong, tứ linh hoặc hoa lá rất sinh động.
Chiếc hương án ở chính gian giữa cao 1,5x1,7x0,75m cũng được làm rất cầu kỳ. Hương án chia làm hai phần có thể tháo rời một cách dễ dàng. Phần trên gồm mặt hương án, được làm to thân dưới, lại trang trí rất hài hòa. Từ bao loan với dáng rồng, ly đến các băng hoa lá viền mép, những khuông chạm tứ linh, hổ phù cũng được nhấn tỉa tài tình. Thân dưới hương án được tạo nhiều ô mảng theo các đề tài long chầu, phượng vũ, long mã đi trên nước, rùa ẩn hiện trong ao sen vừa cách điệu vừa rất hiện thực. Chính giữa thân hương án có cả mảng chạm long cuốn thuỷ, được đục kênh bong vừa đẹp vừa tổng thể, vừa hấp dẫn ở từng chi tiết. Hai bên hương án cũng được trang trí công phu theo nhiều đề tài.
Chiếc bát hương đồng cao 0,5m cũng là hiện vật tiêu biểu. Bát hương có hình trụ, bên tai là hai con rồng nổi vươn cao bám giữ thân bát hương. Hai bên còn đúc nổi hoạ tiết ly chầu, phượng múa, đôi hạc chầu, hổ phù, long mã và trên miệng bát hương còn có hình mặt nguyệt, âm ám, phía dưới nổi lên bốn chữ  “Thánh cung vạn tuế” hài hòa với tổng thể. Tạo được một bát hương đồng mà họa tiết nổi lên như dính trên thành, trên miệng quả là một kỹ thuật khó, hơn nữa, các họa tiết trên bát hương đồng lại rất cầu kỳ. Đó là những thành tựu đáng tự hào về nghệ thuật cổ truyền của dân tộc.
Bức võng cố định rất lớn đã làm tăng vẻ uy nghiêm và vẻ đẹp cho công trình. Hệ thống riềm trên hai bức võng tạo dáng độc đáo được lắp vát nghiêng chếch về phía trước đã tạo thêm độ sâu và rất hài hòa với bố cục. Trên cùng cửa võng có những hoạ nét lượn cong chầu nguyệt, riềm hai bên chạm long chầu, phượng múa, ly và quy. ở giữa bức võng có bốn chữ "Thiên định phúc thần" (vị phúc thần do trời đưa xuống). Bức của võng được đục chạm trổ tinh xảo, lại bố cục đăng đối nên rất hòa nhập với tổng thể mảng chạm khắc của công trình trên.

(Nguồn: hanam.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *